Mục tiêu đường huyết trong thai kì
Khi mang thai, nồng độ đường huyết tương lúc đói thấp hơn bình thường, nguyên nhân là do sự hấp thu glucose không phụ thuộc insulin qua nhau thai. Ngoài ra, khi mang thai sẽ có tình trạng tăng đường huyết sau ăn và không dung nạp carbohydrate (do hormon nhau thai).
Sinh lý insulin:
Thời kỳ đầu mang thai là thời kỳ nhạy cảm insulin, nồng độ đường huyết tương thấp hơn, trong giai đoạn này nhu cầu insulin cũng sẽ thấp hơn ở bệnh nhân đái tháo đường típ 1. Tình trạng này nhanh chóng đảo ngược thành tình trạng đề kháng insulin gia tăng theo cấp số nhân vào 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thai kỳ. Tình trạng đề kháng insulin giảm vào giai đoạn cuối của tam cá nguyệt thứ 3.
Đối với phụ nữ có chức năng tuyến tụy bình thường, sự sản xuất insulin đủ để đáp ứng với sự thay đổi đề kháng insulin sinh lý này để duy trì nồng độ đường huyết bình thường.
Tuy nhiên, đối với phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ và đái tháo đường típ 2 đã có từ trước khi mang thai, tình trạng tăng đường huyết sẽ xảy ra nếu điều trị không được điều chỉnh thích hợp.
Theo dõi đường huyết:
Theo như sinh lý insulin đã nói ở trên, theo dõi đường huyết trước ăn và sau ăn nên được thực hiện ở phụ nữ mang thai bị đái tháo đường. Theo dõi đường huyết sau ăn có mối liên quan với kiểm soát đường huyết tốt hơn và giảm nguy cơ tiền sản giật nhiều hơn1. Hiện nay chưa có một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng nào đủ mạnh để so sánh sự khác biệt giữa mục tiêu đường huyết đói và đường huyết sau ăn ở phụ nữ bị đái tháo đường trong thai kỳ.
Tuy nhiên, hội sản phụ khoa Mỹ - The American College of Obstetricians and Gynecologists (ACOG) đã đưa ra khuyến cáo về đường huyết mục tiêu ở phụ nữ mang thai đã bị đái tháo đường típ 1 hoặc típ 2 từ trước như sau2:
§ Đường huyết đói ≤ 90 mg/dL (5.0 mmol/L)
§ Đường huyết 1 giờ sau ăn ≤ 130–140 mg/dL (7.2–7.8 mmol/L)
§ Đường huyết 2 giờ sau ăn ≤ 120 mg/dL (6.7 mmol/L)
Trên thực tế lâm sàng, kiểm soát đường huyết theo mục tiêu trên là một thách thức lớn đối với bệnh nhân đái tháo đường típ 1 vì nguy cơ hạ đường huyết, đặc biệt ở phụ nữ có tiền sử hạ đường huyết nặng hay hạ đường huyết không nhận biết được.
Đối với những phụ nữ có tình trạng hạ đường huyết khi kiểm soát đường huyết nghiêm ngặt thì Hiệp Hội Đái Tháo Đường Mỹ khuyến cáo mục tiêu đường huyết ít nghiêm ngặt hơn dựa theo kinh nghiệm lâm sàng và dựa vào từng cá nhân bệnh nhân cụ thể.
HbA1C trong thai kỳ:
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh có mối liên quan giữa nồng độ HbA1C thấp < 6-6,5% và giảm tỉ lệ biến chứng trên thai nhi. Do đó Hiệp Hội Đái Tháo Đường Mỹ đưa ra khuyến cáo mục tiêu kiểm soát HbA1C < 6 - 6,5% (42–48 mmol/mol) với điều kiện không xảy ra tình trạng hạ đường huyết. Tuy nhiên, trong thai kỳ có sự thay đổi động học của số lượng tế bào hồng cầu và có sự thay đổi sinh lý của các thông số đường huyết (đường huyết đói và đường huyết sau ăn). Do đó, ở phụ nữ mang thai, việc theo dõi đường huyết đói và đường huyết sau ăn vẫn được ưu tiên hàng đầu, sau đó mới dùng đến HbA1C, và khi dùng HbA1C để theo dõi đường huyết thì nên thực hiện một cách thường xuyên hơn (ví dụ mỗi tháng kiểm tra một lần thay vì kiểm tra mỗi 3 – 6 tháng).
|