Điều mấu chốt trong khám người bệnh có than phiền mệt mỏi là cần khai thác bệnh sử chi tiết. Một bệnh sử đầy đủ, chi tiết cho phép phát hiện thời điểm bắt đầu, yếu tố liên quan (vận động, nghỉ ngơi, công việc,...), bối cảnh cá nhân-gia đình và xã hội. Ngoài ra, các thông tin về bệnh nội-ngoại khoa đã và đang mắc, thuốc đang dùng cũng cần được khai thác và phân tích.
Phần khám lâm sàng bổ sung thông tin gợi ý cơ quan bị bệnh: hồi hộp, mắt lồi trong bệnh basedow; da niêm nhạt, rụng tóc trong bệnh thiếu máu; âm thổi ở tim gợi ý bệnh lý van tim có suy tim; gan lách to kèm hạch cho phép nghĩ đến nhiễm mononucleosis...
Các xét nghiệm cận lâm sàng thông thường chỉ có vai trò giúp kiểm định lại giả thuyết lâm sàng. Đối với triệu chứng mệt mỏi, việc chỉ định hàng loạt xét nghiệm cận lâm sàng trong khi chưa đánh giá tốt bệnh sử và khám lâm sàng chi tiết là không phù hợp. Trong bối cảnh chăm sóc ngoại trú, điều này càng đúng vì chúng ta có thể tiếp cận người bệnh từng bước qua nhiều lần khám khác nhau. Bằng cách này, ở lần khám đầu tiên, chúng ta đánh giá bệnh sử - khám lâm sàng và chỉ định cận lâm sàng hạn chế. Vào lần khám sau, thông tin về diễn tiến lâm sàng, đáp ứng điều trị và kết quả xét nghiệm lần trước sẽ giúp chúng ta định hướng rõ hơn nguyên nhân bệnh.
Các xét nghiệm cận lâm sàng thường được chỉ định ban đầu là: công thức máu, tốc độ lắng máu, tổng phân tích nước tiểu, các men gan, hormon giáp trạng T3, T4, TSH, đường huyết, ion đồ, X quang phổi, điện tâm đồ, xét nghiệm miễn dịch viêm gan B, C, HIV.
Nếu qua đánh giá không ghi nhận bằng chứng đặc hiệu của bệnh thực thể, người bệnh có thể trạng tốt và “mệt mỏi” là than phiền duy nhất, chúng ta có thể hướng đến các nguyên nhân cơ năng như lo lắng quá mức, căng thẳng, áp lực công việc cao, trầm cảm. Các xét nghiệm cận lâm sàng khảo sát sâu là không cần thiết, ít nhất là tại thời điểm khám bệnh lần đầu tiên. Ngược lại, nếu có bằng chứng gợi ý bệnh lý hệ cơ quan thì việc khảo sát sâu là phù hợp.
|