Điện tâm đồ là hình ảnh ghi lại hoạt động điện của tim theo thời gian. Bằng cách đánh giá - so sánh các thay đổi trên điện tâm đồ so với các chuẩn bình thường, bước đầu các bác sĩ có thể xác định một số bất thường tại hệ tim mạch.
Có hai cách để học cách đọc một điện tâm đồ - 1.nhận diện các "dấu hiệu" (phổ biến), 2. hiểu các vectơ điện học được ghi lại bởi điện tâm đồ bằng các cơ chế hoạt động điện sinh lý của tim. Chương trình học này sẽ hướng dẫn theo cách kết hợp cả hai phương pháp tiếp cận nêu trên, vì chỉ dựa vào nhận diện “dấu hiệu” trên ECG là không đủ và nhanh quên.
Các thành phần của Điện tâm đồ
ECG tiêu chuẩn có 12 chuyển đạo: Sáu chuyển đạo “ngoại biên” (còn gọi là chuyển đạo chi vì được mắc trên cánh tay hoặc chân của bệnh nhân", sáu chuyển đạo “Trước ngực” vì được mắc trên ngực.
- Sáu chuyển đạo chi được đặt tên là DI, DII, DIII, aVL, aVR và aVF. Chữ cái “a” hàm nghĩa “tăng cường”, được đo kết hợp của các chuyển đạo DI, DII và DIII.
- Sáu chuyển đạo trước ngực được đặt theo thứ tự V1, V2, V3, V4, V5 và V6.
Dưới đây là một bảng ghi hình ảnh của Điện tâm đồ 12 chuyển đạo bình thường. Các thành phần của ECG sẽ được trình bày chi tiết trong các phần sau của chương trình học
Điện tâm đồ bình thường
Một ECG bình thường chứa các sóng, khoảng, đoạn và một phức bộ, được định nghĩa bên dưới:
- Sóng: là sự chênh lên (dương) hoặc chênh xuống (âm) về điện thế so với đường đẳng điện, cho phép mô tả một hoạt động điện cụ thể. Các sóng trên ECG bao gồm sóng P, sóng Q, sóng R, sóng S, sóng T và sóng U, được đặt tên khác nhau tùy thuộc vào vị trí và hình dáng xuất hiện của sóng trên điện tâm đồ
- Khoảng: Thời gian giữa hai hoạt động điện trên ECG. Các khoảng thường được đo trên ECG bao gồm khoảng PR, khoảng QRS (còn gọi là thời gian QRS), khoảng QT và khoảng RR.
- Đoạn: Độ dài giữa hai điểm cụ thể trên ECG được đo được trên đường đẳng điện (không âm hoặc dương). Các đoạn trên ECG bao gồm đoạn PR, đoạn ST và đoạn TP.
- Phức bộ: Sự kết hợp của nhiều sóng được gộp lại với nhau. Phức bộ chính duy nhất trên ECG là phức bộ QRS.
- Điểm: Chỉ có một điểm trên ECG được gọi là điểm J, đó là nơi phức bộ QRS kết thúc và đoạn ST bắt đầu.
Thành phần chính của ECG là sóng P, phức bộ QRS và sóng T. Mỗi phần sẽ được trình bày cụ thể sau, cũng như từng khoảng và đoạn trên ECG.
Sóng P thể hiện hoạt động khử cực tâm nhĩ. Phức bộ QRS bao gồm sóng Q, sóng R và sóng S và đại diện cho hoạt động khử cực tâm thất. Sóng T xuất hiện sau phức bộ QRS và thể hiện hoạt động tái cực tâm thất.
Ngoài ra điện tâm đồ đo phía bên phải và điện tâm đồ đo phía sau cũng có giá trị chẩn đoán trong một số trường hợp đặc biệt và được mô tả trong một bài khác.
|