1. ĐẠI CƯƠNG
1.1. Khái niệm
Viêm da tiếp xúc do ánh sáng là bệnh da xảy ra do sự tương tác giữa ánh sáng với một loại hóa chất nào đó sử dụng trong da. Hóa chất có thể là thuốc, mỹ phẩm, sản phẩm nông nghiệp hoặc công nghiệp. Viêm da tiếp xúc do ánh sáng bao gồm: viêm da tiếp xúc kích ứng do ánh sáng (phản ứng nhiễm độc ánh sáng) và viêm da tiếp xúc dị ứng do ánh sáng (phản ứng dị ứng ánh sáng).
1.2. Dịch tễ
Viêm da tiếp xúc do ánh sáng thường gặp ở người lớn, gặp ở tất cả các chủng tộc, màu da. Tỷ lệ gặp ở nam nữ như nhau. Bệnh thường xuất hiện ở những người thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, thường nặng vào mùa xuân hè, thuyên giảm vào mùa thu đông. Viêm da tiếp xúc kích ứng do ánh sáng thường gặp hơn viêm da tiếp xúc dị ứng do ánh sáng.
1.3. Căn nguyên/Cơ chế bệnh sinh
- Viêm da tiếp xúc kích ứng do ánh sáng xảy ra do sự tương tác giữa ánh sáng với một loại hóa chất nào đó trong da tạo ra các sản phẩm như các gốc tự do, chất oxy hóa mạnh gây phá hủy trực tiếp tế bào. Viêm da tiếp xúc dị ứng do ánh sáng xảy ra khi hóa chất tương tác với ánh sáng hình thành kháng nguyên, kích hoạt phản ứng dị ứng type IV.
- Nguyên nhân thường gặp:
+ Thực vật có chứa psoralen như trái cây họ cam quýt (chanh), cần tây (celery), cải dại (wild parsnip), mùi tây (parsley). Bệnh thường gặp ở đầu bếp, công nhân ngành thực phẩm, người nội trợ, người làm vườn, người tiếp xúc với cỏ dại,….
+ Thành phần chống nắng (benzophenones, cinnamat, avobenzon, …).
+ Hương liệu (6-methylcoumarin, xạ hương, dầu gỗ đàn hương, …).
+ Chất kháng khuẩn (chlorhexidin, hexachlorophen, triclosan, fenticlor…).
+ Thuốc: nhóm cyclin (tetracyclines (doxycyclin), fluoroquinolones, sulfonamid, griseofulvin, voriconazol, NSAIDs, quinidin, quinin, amiodaron, hydrochlorothiazid, chlorpromazin, phenothiazines (promethazin…), metformin, retinoids, hợp chất nhựa đường, vemurafenib, ...
2. CHẨN ĐOÁN
2.1. Triệu chứng lâm sàng
2.1.1. Viêm da tiếp xúc kích ứng do ánh sáng
- Triệu chứng xuất hiện vài phút đến vài giờ sau khi tiếp xúc với ánh sáng.
- Biểu hiện giống bỏng nắng như đỏ da, phù nề, mụn nước, bọng nước ở vùng tiếp xúc với tác nhân và ánh sáng.
- Viêm da tiếp xúc ánh sáng do thực vật (phytophotodermatitis): các tổn thương xuất hiện thành vệt, thành hình theo vị trí tiếp xúc với thực vật, sau đó để lại dát tăng sắc tố kéo dài.
- Cơ năng: bỏng rát, châm chích tại tổn thương.
- Triệu chứng thường nặng nhất sau tiếp xúc ánh sáng 24-48 giờ. Tổn thương có thể để lại dát tăng sắc tố kéo dài hàng tháng, hàng năm.
2.1.2. Viêm da tiếp xúc dị ứng do ánh sáng
- Triệu chứng xuất hiện 24 - 48 giờ sau khi tiếp xúc với ánh sáng.
- Biểu hiện giống tổn thương dạng chàm cấp tính như đỏ da, phù nề, sẩn mụn nước, chảy nước, bong vảy da, vảy tiết. Vị trí chủ yếu ở vùng da tiếp xúc với ánh sáng, nhưng có thể xuất hiện ở vùng da cạnh đó dù không tiếp xúc với ánh sáng.
- Cơ năng: rất ngứa.
- Bệnh có thể tồn tại dai dẳng nhiều tháng, nhiều năm, tiến triển thành viêm da ánh sáng mạn tính.
2.2. Cận lâm sàng
- Test ánh sáng (phototesting): liều đỏ da tối thiểu ở bệnh nhân viêm da tiếp xúc do ánh sáng thấp hơn so với những người bình thường có cùng type da.
- Test áp ánh sáng (photopatch test): dương tính ở bệnh nhân viêm da tiếp xúc dị ứng do ánh sáng.
- Mô bệnh học:
+ Viêm da tiếp xúc kích ứng do ánh sáng: tế bào sừng chết theo chương trình ở thượng bì, hoại tử thượng bì, xâm nhập rải rác lympho, đại thực bào, bạch cầu trung tính ở trung bì.
+ Viêm da tiếp xúc dị ứng do ánh sáng: xốp bào ở thượng bì, xâm nhập dày đặc lympho, mô bào ở trung bì.
2.3. Chẩn đoán xác định
Dựa vào tiền sử tiếp xúc với ánh sáng, các tác nhân, tiền sử dùng thuốc, triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng.
2.4. Chẩn đoán phân biệt
- Viêm da tiếp xúc kích ứng, dị ứng không liên quan đến ánh sáng
- Ban đa dạng do ánh sáng
- Sẩn ngứa do ánh sáng
- Mày đay ánh sáng
- Bệnh mụn nước dạng đậu mùa
- Viêm da mạn tính do ánh sáng
- Porphyria
- Pellagra
- Khô da sắc tố
- Lupus ban đỏ
- Viêm da cơ
3. ĐIỀU TRỊ
3.1. Nguyên tắc điều trị
- Tránh tiếp xúc với ánh sáng
+ Đội mũ rộng vành, đeo kính, mặc quần áo dài chống tia UV
+ Bôi kem chống nắng phổ rộng với chỉ số bảo vệ cao trước khi ra ngoài nắng 30 phút và kể cả khi trời râm
+ Không phơi nắng
- Tránh tiếp xúc, sử dụng hóa chất gây nhạy cảm ánh sáng có trong một số thực vật, thuốc, mỹ phẩm, thức ăn, đồ uống.
- Điều trị triệu chứng là chủ yếu
3.2. Điều trị cụ thể
3.2.1. Viêm da tiếp xúc kích ứng do ánh sáng
- Tại chỗ
+ Bọng nước: chọc thoát dịch, giữ nguyên phần da phía trên bọng nước.
+ Trợt da, rỉ dịch: làm sạch với sản phẩm làm sạch dịu nhẹ và nước, đắp gạc tẩm dung dịch Jarish hoặc nước muối sinh lý, có thể bôi kháng sinh/kháng khuẩn, băng lại với gạc vô khuẩn.
+ Dưỡng ẩm.
+ Điều trị viêm da tiếp xúc ánh sáng do thực vật: thuốc bôi điều trị tăng sắc tố như retinoids, acid azelaic, lột da hóa chất.
- Toàn thân
+ Giảm đau: thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAIDs).
+ Đảm bảo cân bằng nước, điện giải.
+ Kháng sinh (nếu có bội nhiễm).
3.2.2. Viêm da tiếp xúc dị ứng do ánh sáng
- Tại chỗ
+ Bọng nước: chọc thoát dịch, giữ nguyên phần da phía trên bọng nước.
+ Trợt da, rỉ dịch: làm sạch với sản phẩm làm sạch dịu nhẹ và nước, đắp gạc tẩm dung dịch Jarish hoặc nước muối sinh lý, có thể bôi kháng sinh/kháng khuẩn, băng lại với gạc vô khuẩn.
+ Dưỡng ẩm.
+ Corticosteroid bôi tổn thương.
- Toàn thân
+ Kháng Histamin H1.
+ Trường hợp nặng: corticosteroid toàn thân.
+ Trường hợp nặng, kéo dài: thuốc ức chế miễn dịch như mycophenolat mofetil, azathioprin hoặc cyclosporin.
+ Kháng sinh (nếu có bội nhiễm)
4. PHÒNG BỆNH
- Hạn chế tiếp xúc với ánh sáng
+ Đội mũ rộng vành, đeo kính, mặc quần áo dài chống tia UV.
+ Bôi kem chống nắng phổ rộng với chỉ số bảo vệ cao trước khi ra ngoài nắng 30 phút và kể cả khi trời râm.
+ Không phơi nắng.
- Tránh tiếp xúc, sử dụng hóa chất gây nhạy cảm ánh sáng có trong một số thực vật, thuốc, mỹ phẩm, thức ăn, đồ uống.
|