1. ĐẠI CƯƠNG
1.1. Khái niệm
Loét apthous (áp tơ) đặc trưng bởi sự tái phát của một hoặc nhiều vết loét đau, hay tái phát, thường gặp ở miệng/sinh dục hình tròn hoặc oval, riêng rẽ, giới hạn rõ với viền ban đỏ ngoại vi và dịch tiết hơi vàng dính ở trung tâm. Tiến triển có thể khác nhau tùy mức độ, có bệnh nhân chỉ xuất hiện 1 tổn thương không thường xuyên và có người có nhiều tổn thương và nhiều đợt tái phát.
1.2. Dịch tễ
Loét aphthous được ghi nhận trên toàn thế giới (5-25% dân số) với tỉ lệ cao nhất ở Trung Đông, khu vực Địa Trung Hải và Nam Á. Hầu hết các tổn thương loét aphthous xuất hiện trong tuổi thanh thiếu niên, tỷ lệ và mức độ nặng của bệnh giảm dần theo tuổi.
1.3. Căn nguyên/Cơ chế bệnh sinh
- Nguyên nhân vẫn chưa rõ ràng, tuy nhiên bệnh có khuynh hướng gia đình, ít nhất 40% bệnh nhân có tiền sử gia đình mắc bệnh)
- Ngoài ra một số tác nhân gây ra loét aphthous đã được đề cập đến là:
+ Thiếu hụt vitamin và khoáng chất (đặc biệt là vitamin B12)
+ Nhiễm trùng
+ Chấn thương
+ Hút thuốc
+ Một số virus có thể tham gia vào cơ chế bệnh sinh của loét áp như Cytomegalovirus, Epstein-barr virus.
+ Thay đổi nội tiết
+ Suy giảm miễn dịch
+ Stress
+ Một số thuốc: chẹn beta, methotraxat, ....
2. CHẨN ĐOÁN
2.1. Triệu chứng lâm sàng
- Tổn thương cơ bản:
+ Vết loét riêng rẽ, hình tròn hoặc hình oval, xung quanh có quầng đỏ và dịch tiết hơi vàng dính ở trung tâm.
+ Loét aphthous thể nhỏ (minor aphthous ulcer): thường gặp, là các vết loét nông, đường kính <1cm, số lượng 1-5 vết loét, thường tự khỏi sau 1-2 tuần.
+ Loét aphthous thể lớn (major apthous ulcer): ít gặp, là vết loét sâu, đường kính tổn thương >1cm, lâu lành, thường sau vài tuần hoặc vài tháng, khi lành có thể để lại sẹo.
+ Loét aphthous dạng herpes (herpetiform aphthous) nhiều vết loét nhỏ như đầu đinh ghim.
+ Vị trí thường gặp: niêm mạc tiền đình miệng, lưỡi, vòm họng, họng, và sàn miệng. Lợi và vòm khẩu cái rất hiếm khi có tổn thương.
- Cơ năng: các vết loét đau với mức độ tái phát khác nhau tùy từng thể bệnh. Một số ít bệnh nhân có triệu chứng ngứa ran hoặc rát bỏng tại khu vực hình thành loét.
- Toàn thân: một số trường hợp có triệu chứng sốt nhẹ.
2.2. Cận lâm sàng
Chủ yếu để chẩn đoán phân biệt, chẩn đoán nguyên nhân.
- Công thức máu toàn phần
- Tốc độ máu lắng
- Đánh giá tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng (như vitamin B12, folate, sắt)
- Soi tươi tìm nấm
- Xét nghiệm tế bào học dịch dạng nang
- Xét nghiệm HIV
- Mô bệnh học cần làm trong các trường hợp nặng hoặc không điển hình để loại trừ các tình trạng khác ở niêm mạc.
2.3. Chẩn đoán xác định
Chẩn đoán xác định dựa vào tổn thương cơ bản điển hình và triệu chứng đau.
2.4. Chẩn đoán phân biệt:
- Herpes simplex
- Dị ứng thuốc
- Bệnh Behcet
- Lupus ban đỏ hệ thống
- Lichen phẳng có loét miệng
- Bệnh viêm ruột Bowel.
- Hội chứng PFAPA: sốt chu kỳ kèm theo viêm loét miệng, viêm họng và viêm hạch
- Hội chứng MAGIC: loét miệng và sinh dục kèm viêm sụn
- Các bệnh bọng nước tự miễn
3. ĐIỀU TRỊ
3.1. Nguyên tắc điều trị
- Điều trị giảm đau, thúc đẩy quá trình làm lành vết loét và giảm tần suất cũng như mức độ của các đợt bệnh.
- Vệ sinh răng miệng tốt, tránh các yếu tố làm trầm trọng thêm.
3.2. Điều trị cụ thể
3.2.1. Điều trị tại chỗ
- Gel corticosteroid ngày 2-3 lần, bôi sớm ngay khi phát bệnh sẽ giảm được đau và thời gian lành một cách rõ rệt. Tuy không thể ngăn ngừa tái phát, nhưng tần xuất tái phát thường giảm sau khi dùng corticosteroid tại chỗ.
- Các thuốc bôi khác có thể sử dụng kết hợp hoặc thay thế corticosteroid bôi bao gồm:
+ Tetracycline bôi
+ Sucralfate huyền phù súc miệng 4 lần/ngày
+ Hyaluronic axit dạng gel 0.2 % hoặc nước súc miệng
+ Amlexanox 5% dạng bột nhão được bôi lên tổn thương sớm 4 lần/ngày. Tác dụng phụ bao gồm cảm giác châm chích và lạnh tại vị trí bôi thuốc và vị kim loại.
- Liệu pháp laser: chiếu laser hene tại chỗ loét.
3.2.2. Điều trị toàn thân
- Lựa chọn thứ nhất: khi không đáp ứng với điều trị tại chỗ đơn thuần, sử thuốc corticosteroid tương đương prednisone uống liều 20-40 mg/ngày trong 4-7 ngày.
- Lựa chọn thứ hai: khi bệnh dai dẳng, tái phát nhiều, không kiểm soát được bằng corticosticoid toàn thân ngắn ngày kết hợp thuốc bôi.
+ Colchicin: liều khởi đầu uống 0.6 mg/ngày trong 1 tuần, nếu dung nạp tăng lên 0.6 mg x 2 lần/ngày kéo dài ít nhất 1 tháng.
+ Dapson: liều khởi đầu 25-50 mg/ngày, tối đa 150mg/ngày, kéo dài ít nhất 1 tháng.
+ Có thể kết hợp colchicin và dapson, việc điều trị kết hợp cho kết quả hiệu quả hơn so với chỉ dùng riêng từng chất.
- Các điều trị khác:
+ Thalidomid: liều 50-100 mg/ngày, duy trì ở liều 25 mg/ngày.
+ Montelukast: chất ức chế leukotrien, liều 10 mg/ngày trong 1 tháng sau đó là liều 10mg cách ngày.
+ Apremilast: chất ức chế phosphodiesterase đường uống có tác dụng ức chế sản xuất cytokine tiền viêm, liều 30 mg 2 lần/ngày trong 2-6 tuần.
+ Pentoxifyllin 400 mg 3 lần/ngày.
3.2.3. Điều trị hỗ trợ và giảm đau
- Điều trị nhiễm trùng thứ phát nếu có.
- Vitamin và thực phẩm bổ sung: bổ sung vitamin B12 trong 6 tháng.
- Kiểm soát đau: thuốc tê tại chỗ có thể làm giảm khó chịu tạm thời nếu sử dụng trước khi ăn và vệ sinh răng miệng:
+ Lidocain 2% dạng nhớt: lựa chọn đầu tay, bôi tổn thương hoặc dạng súc miệng và nhổ
+ Diphehydramin lỏng :12.5 mg/5ml; 5ml dạng súc miệng
+ Dyclonine hình thoi: tan chậm trong miệng
+ Hỗn dịch nhôm hydroxide, magnesium hydroxide và simethicon 5-10 ml súc miệng và nhổ
+ Attapulgite huyền phù : 600-750 mg/15ml; 5-10ml súc miệng và nhổ.
4. PHÒNG BỆNH
- Giữ vệ sinh răng miệng tốt bằng bàn chải đánh răng mềm, chỉ tơ nha khoa và dụng cụ mát xa nướu đầu mềm để nhẹ nhàng loại bỏ các mảng bám.
- Sử dụng nước súc miệng không chứa cồn.
- Không sử dụng kem đánh răng có chứa sodium lauryl sulfate khi bị viêm loét miệng.
- Không hút thuốc
- Giảm các yếu tố chấn thương trong miệng như vật liệu phục hồi răng sắc/thô, niềng răng, tránh các thói quen gây chấn thương như cắn môi hoặc má và các thức ăn làm nặng lên tình trạng của bệnh.
- Tránh các loại thực phẩm gây kích ứng niêm mạc miệng
- Có chế độ ăn lành mạnh, đầy đủ dinh dưỡng
- Hạn chế stress, căng thẳng
|