Logo Xem trang đào tạo trực tuyến arrow1
space


THUỐC TIÊM VÀ THUỐC CẤY TRÁNH THAI TRONG KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH

(Tham khảo chính: 4128/QĐ-BYT )

THUỐC TIÊM TRÁNH THAI

Thuốc tiêm tránh thai là BPTT tạm thời, chứa nội tiết progestin. Thuốc tiêm tránh thai hiện có hai loại: (i) DMPA (depot medroxygenprogesteron acetat) 150 mg, có tác dụng tránh thai 3 tháng, và (ii) NET-EN (norethisteron enantat) 200 mg, có tác dụng tránh thai 2 tháng. Khách hàng nhiễm HIV hay có bạn tình nhiễm HIV có thể sử dụng thuốc tiêm tránh thai nhưng cần lưu ý là BPTT này không giúp ngăn ngừa NKLTQĐTD và HIV/AIDS.

  1. Chỉ định.

Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản muốn dùng một BPTT tạm thời và có hiệu quả cao.

  1. Chống chỉ định.

2.1. Chống chỉ định tuyệt đối.

- Có thai.

- Đang bị ung thư vú.

- Có tiền sử dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc.

2.2. Chống chỉ định tương đối.

- Có nhiều nguy cơ bị bệnh mạch vành (như lớn tuổi, hút thuốc lá, tiểu đường và tăng huyết áp).

- Tăng huyết áp (HA tâm thu ≥ 160 mmHg hoặc HA tâm trương ≥ 100 mmHg) hoặc có bệnh lý mạch máu.

- Đang bị thuyên tắc tĩnh mạch sâu, thuyên tắc phổi hoặc đã từng hoặc đang bị tai biến mạch máu não hoặc thiếu máu cơ tim.

- Đang bị lupus ban đỏ hệ thống và có kháng thể kháng phospholipid (hoặc không làm xét nghiệm) hoặc có giảm tiểu cầu trầm trọng.

- Ra máu âm đạo bất thường chưa được chẩn đoán nguyên nhân.

- Đã từng bị ung thư vú và không có biểu hiện tái phát trong vòng 5 năm trở lại.

- Tiểu đường có biến chứng (thận, thần kinh, võng mạc, mạch máu) hoặc trên 20 năm.

- Xơ gan mất bù có suy giảm chức năng gan trầm trọng hoặc u gan (ngoại trừ trường hợp tăng sinh lành tính dạng nốt-benign focal nodular hyperplasia)

- Không tiếp tục sử dụng nếu khách hàng đau nửa đầu có kèm mờ mắt.

  1. Quy trình thực hiện.

3.1. Tư vấn.

- Tìm hiểu nhu cầu của khách hàng về thuốc tiêm tránh thai.

- Hiệu quả, ưu, nhược điểm của thuốc tiêm tránh thai.

- Không nên sử dụng cho những người có ý định có thai trong 1 năm tới.

- Thuốc không có tác dụng phòng tránh các bệnh LTQĐTD.

- Khách hàng có thể đến khám lại bất cứ lúc nào.

- Hẹn ngày và nơi tiêm lần sau.

3.2. Thăm khám đánh giá trước khi áp dụng biện pháp.

Hỏi kỹ tiền sử để phát hiện chống chỉ định.

Thăm khám để loại trừ có thai, ra máu không rõ nguyên nhân.

3.3. Thời điểm thực hiện.

3.3.1. Khách hàng chưa sử dụng BPTT.

- Sau sinh

+ Nếu cho con bú: Có thể bắt đầu sử dụng ít nhất 6 tuần sau sinh.

+ Nếu không cho con bú: Có thể sử bất cứ lúc nào chắc chắn không có thai. Trong vòng 7 ngày đầu tiên của chu kỳ kinh (bao gồm cả những người có kinh lại sau sinh) hoặc ngay sau phá thai, sẩy thai.

- Ở bất cứ thời điểm nào nếu biết chắc là không có thai. Có thể cần sử dụng BPTT hỗ trợ trong 7 ngày kế tiếp nếu: (i) quá 7 ngày từ khi bắt đầu có kinh, hoặc (ii) vô kinh, hoặc (iii) 6 tuần sau sinh và chưa có kinh, hoặc (iv) từ 21 ngày sau sinh trở đi và chưa có kinh. Trong những trường hợp này, cần thử thai trước khi cho khách hàng mũi tiêm tiếp theo.

3.3.2. Khách hàng đang sử dụng BPTT nội tiết sẽ được tiêm thuốc.

- Ngay lập tức nếu đang sử dụng liên tục và đúng cách hoặc nếu biết chắc là không có thai hoặc vào thời điểm lặp lại mũi tiêm cho những khách hàng đang sử dụng thuốc tiêm.

3.3.3. Khách hàng đang sử dụng BPTT không nội tiết (không phải DCTC) sẽ được tiêm thuốc.

- Ngay lập tức nếu đang sử dụng liên tục và đúng cách hoặc nếu biết chắc là không có thai. Nếu đã quá 7 ngày từ khi bắt đầu có kinh cần tránh giao hợp hoặc sử dụng thêm BPTT hỗ trợ trong 7 ngày kế tiếp.

3.3.4. Khách hàng đang sử dụng DCTC (kể cả DCTC giải phóng levonorgestrel) sẽ được tiêm thuốc.

- Trong vòng 7 ngày đầu tiên của vòng kinh, có thể lấy DCTC ở thời điểm này.

- Bất kỳ lúc nào nếu biết chắc là không có thai.

+ Nếu đã quá 7 ngày từ khi bắt đầu có kinh và đã có giao hợp: cần lấy DCTC vào chu kỳ sau.

+ Nếu đã quá 7 ngày từ khi bắt đầu có kinh và không giao hợp: cần tránh giao hợp hoặc sử dụng thêm BPTT hỗ trợ trong 7 ngày kế tiếp. Nếu DCTC chính là biện pháp hỗ trợ: cần lấy DCTC vào chu kỳ sau.

- Nếu vô kinh hoặc ra máu bất thường: xem hướng dẫn dành cho phụ nữ vô kinh.

3.3.5. Các mũi tiêm lần sau.

- Khoảng cách giữa hai lần tiêm: 3 tháng với DMPA và 2 tháng với NET-EN.

- Nếu mũi tiêm lần sau được thực hiện trễ hơn hạn chích (xem phần 4.1 Chậm ngày tiêm).

- Chuyển đổi giữa thuốc tiêm tránh thai và NET-EN

+ Không khuyến cáo chuyển đổi giữa thuốc tiêm tránh thai và NET-EN.

+ Nếu nhất thiết phải chuyển đổi cần tiêm vào thời điểm mũi tiêm lặp lại.

- Nếu cần tiêm lặp lại mà loại thuốc và thời điểm tiêm lần trước không rõ:

+ Có thể tiêm nếu biết chắc là không có thai, cần tránh giao hợp hoặc sử dụng thêm BPTT hỗ trợ trong 7 ngày kế tiếp, kể cả xem xét sử dụng BPTT khẩn cấp.

3.4. Kỹ thuật tiêm

- Cần bảo đảm vô khuẩn và tuân thủ những quy định của Phòng ngừa chuẩn khi thực hiện thủ thuật.

- Sát khuẩn vùng tiêm (cơ delta bả vai hoặc mông).

- Dùng bơm kim tiêm một lần.

- Kiểm tra thuốc có còn hạn, lắc đều lọ thuốc trước khi hút thuốc ra bơm tiêm.

- Tiêm sâu, đẩy bơm tiêm từ từ cho thuốc vào hết để bảo đảm đủ 150 mg thuốc tiêm tránh thai được đưa vào cơ thể.

- Sau khi rút kim không xoa vùng tiêm để tránh thuốc lan tỏa sớm và nhanh.

3.5. Theo dõi sau tiêm.

- Theo dõi tại cơ sở y tế ít nhất 30 phút sau tiêm.

- Viêm nhiễm tại chỗ, đau, đỏ vùng tiêm.

- Áp xe.

  1. Những vấn đề khó khăn khi sử dụng, và cách xử trí.

4.1. Chậm ngày tiêm.

- Nếu khách hàng trễ hơn thời hạn tiêm trong vòng trong vòng 2 tuần (đối với NET-EN) và trong vòng 4 tuần (đối với DMPA): vẫn có thể tiêm thuốc mà không cần sử dụng BPTT hỗ trợ.

- Nếu khách hàng trễ hơn thời hạn tiêm sau hơn 2 tuần (đối với NET-EN) và sau 4 tuần (đối với DMPA): vẫn có thể tiêm thuốc nhưng cần tránh giao hợp hoặc sử dụng thêm BPTT hỗ trợ trong 7 ngày kế tiếp, kể cả cân nhắc sử dụng BPTT khẩn cấp, nếu:

+ Khách hàng đã không giao hợp trong vòng 2 tuần tính từ ngày đáng lẽ phải được tiêm mũi lặp lại, hoặc

+ Khách hàng đã sử dụng BPTT hỗ trợ hoặc BPTT khẩn cấp ở mỗi lần giao hợp không được bảo vệ trong vòng 2 tuần tính từ ngày đáng lẽ phải được tiêm mũi lặp lại, hoặc

+ Khách hàng cho con bú hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn và vừa sinh trong vòng 6 tháng

- Nếu khách hàng trễ hơn thời hạn tiêm sau hơn 2 tuần (đối với NET-EN) và sau 4 tuần (đối với DMPA) và không thỏa những điều kiện trên: vẫn có thể tiêm thuốc nếu biết chắc là không có thai. Cần tránh giao hợp hoặc sử dụng thêm BPTT hỗ trợ trong 7 ngày kế tiếp, kể cả cân nhắc sử dụng BPTT khẩn cấp và phải thử thai trước khi chích lặp lại mũi thuốc lần sau.

- Cần thảo luận với khách hàng về lý do trễ hạn tiêm và lựa chọngiải pháp thích hợp. Nhắc nhở thời hạn tiêm và thảo luận thêm các BPTT hỗ trợ hoặc gợi ý BPTT khác trong trường hợp khách hàng không thể đến đúng hẹn.

4.2. Rối loạn kinh nguyệt.

4.2.1 Vô kinh.

- Giải thích rằng vô kinh là thường gặp khi dùng thuốc tiêm tránh thai.

- Nếu khách hàng không chấp nhận vô kinh: hướng dẫn sử dụng BPTT khác.

4.2.2. Ra máu thấm giọt hoặc kinh nguyệt không đều.

- Trấn an khách hàng rằng nhiều phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai bị kinh nguyệt không đều, tình trạng này sẽ giảm và hết sau vài tháng sử dụng thuốc.

- Xử trí tình trạng rối loạn kinh nguyệt: Sử dụng ibuprofen hoặc các thuốc kháng viêm không steroid khác.

- Nếu tình trạng rối loạn kinh nguyệt xuất hiện sau vài tháng có kinh bình thường hoặc sau một thời gian vô kinh hoặc tiếp tục không hết hoặc nghi ngờ có nguyên nhân bệnh lý khác: cần khám toàn diện để tìm nguyên nhân. Nếu bị viêm vùng chậu hoặc NKLTQĐTD: có thể tiếp tục sử dụng thuốc cấy trong thời gian điều trị bệnh.

4.2.3. Ra máu hoặc ra máu quá nhiều (từ gấp đôi bình thường trở lên) hoặc kéo dài (từ 8 ngày trở lên).

- Đây là tình trạng hiếm gặp, nhưng cần được chú ý đặc biệt. Cần trấn an khách hàng rằng tình trạng này đôi khi cũng xảy ra ở nhiều phụ nữ sử dụng thuốc tiêm tránh thai; tình trạng này sẽ giảm và hết sau vài tháng sử dụng thuốc.

- Có thể xử trí ban đầu như những khách hàng bị kinh nguyệt không đều hoặc sử dụng mỗi ngày01 viên tránh thai kết hợp hoặc 50mcg ethinyl estradion mỗi ngày, trong 21 ngày.

- Nếu tình trạng ra máu nhiều làm ảnh hưởng đến sức khỏe: thảo luận với khách hàng chọn BPTT khác.

- Khuyên khách hàng uống viên sắt hoặc ăn các thực phẩm giàu chất sắt.

- Nếu tình trạng ra máu nhiều xuất hiện sau vài tháng có kinh bình thường hoặc sau một thời gian vô kinh hoặc tiếp tục không hết hoặc nghi ngờ có nguyên nhân bệnh lý khác: cần khám toàn diện để tìm nguyên nhân.

4.2.4 Ra máu âm đạo bất thường.

- Khám toàn diện để tìm nguyên nhân.

- Có thể ngừng sử dụng thuốc tiêm nhằm giúp chẩn đoán thuận tiện hơn, trong thời gian này khách hàng có thể sử dụng BPTT khác (không nên là DCTC hoặc que cấy).

- Nếu nguyên nhân ra máu là viêm vùng chậu hoặc NKLTQĐTD thì khách hàng vẫn có thể tiếp tục sử dụng thuốc tiêm trong thời gian điều trị bệnh.

4.3. Một số vấn đề khác.

4.3.1. Nhức đầu.

- Có thể kê đơn một trong các loại thuốc giảm đau như ibuprofen hoặc paracetamol…

- Khám toàn diện nếu tình trạng nhức đầu không giảm hoặc trầm trọng hơn.

- Ngừng thuốc tiêm nếu khách hàng bị nhức đầu kèm mờ mắt.

4.3.2. Xuất hiện các dấu hiệu của bệnh lý nội khoa (như tắc mạch sâu ở chân hoặc phổi, thiếu máu cơ tim hoặc đột quỵ hoặc ung thư vú…).

- Ngừng thuốc tiêm và yêu cầu khách hàng sử dụng các BPTT hỗ trợ khác trong thời gian chẩn đoán bệnh.

4.3.3. Nghi ngờ có thai.

- Xác định tình trạng thai.

- Yêu cầu khách hàng ngưng thuốc tránh thai nếu chắc chắn có thai. Không có bằng chứng về nguy cơ lên thai khi sử dụng thuốc tránh thai trong lúc mang thai.

  1. Đối với khách hàng HIV(+).

- Khách hàng HIV(+) hoặc đang điều trị thuốc kháng virus có thể sử dụng thuốc tiêm tránh thai.

- Yêu cầu khách hàng sử dụng bao cao su kèm theo giúp ngăn ngừa lây nhiễm HIV và các NKLTQĐTD.

 

THUỐC CẤY TRÁNH THAI

Thuốc cấy tránh thai là BPTT tạm thời có chứa progestin. Hiện nay thuốc cấy tránh thai có hai loại: (i) Loại một nang (que) mềm, hình trụ, vỏ bằng chất dẻo sinh học,(Ví dụ: Implanon chứa 68 mg etonogestrel, có tác dụng tránh thai trong 3 năm), và (ii) Loại 2 nang, (Ví dụ: Femplant, mỗi que chứa 75mg hoạt chất Levonorgestrel, tổng hàm lượng hoạt chất Levonogestrel của 2 que là 150mg), có tác dụng tránh thai trong 4 năm. Khách hàng nhiễm HIV hay có bạn tình nhiễm HIV có thể sử dụng thuốc cấy tránh thai nhưng cần lưu ý là BPTT này không giúp ngăn ngừa NKLTQĐTD và HIV/AIDS.

  1. Chỉ định.

Phụ nữ muốn sử dụng một BPTT dài hạn và có hồi phục.

  1. Chống chỉ định.

2.1. Chống chỉ định tuyệt đối.

- Có thai.

- Đang bị ung thư vú.

2.2. Chống chỉ định tương đối.

- Đang bị thuyên tắc tĩnh mạch sâu, thuyên tắc phổi.

- Đang bị lupus ban đỏ hệ thống và có kháng thể kháng phospholipid (hoặc không làm xét nghiệm).

- Ra máu âm đạo bất thường chưa được chẩn đoán nguyên nhân.

- Đã từng bị ung thư vú và không có biểu hiện tái phát trong vòng 5 năm trở lại.

- Có tiền sử vô kinh hoặc kỳ kinh bất thường. Phụ nữ có tiền sử kinh nguyệt không đều hoặc trên 45 tuổi không nên dùng Femplant.

Cần cân nhắc với các trường hợp:

- Có khối u ở vú.

- Bệnh tiểu đường, huyết áp cao.

- Có bệnh về mật, tim, hoặc thận.

- Có tiền sử huyết khối, bệnh tim hoặc đột quỵ.

- Trầm cảm.

- Đau nửa đầu.

Những trường hợp này cần được kiểm tra sức khỏe thường xuyên hơn nếu muốn sử dụng.

  1. Quy trình thực hiện.

3.1. Tư vấn.

- Tìm hiểu nhu cầu của khách hàng về thuốc cấy tránh thai.

- Hiệu quả, ưu, nhược điểm (có thể khó lấy ra).

- Các tác dụng phụ có thể gặp, đặc biệt là ra máu bất thường.

- Không có tác dụng phòng tránh NKLTQĐTD và HIV/AIDS.

- Khách hàng có thể đến khám lại bất cứ lúc nào khi có vấn đề hoặc muốn tháo que cấy tránh thai.

3.2. Thăm khám đánh giá trước khi áp dụng biện pháp.

- Hỏi kỹ tiền sử để phát hiện chống chỉ định.

- Thăm khám để loại trừ có thai, ra máu không rõ nguyên nhân.

3.3. Thời điểm thực hiện.

3.3.1. Khách hàng chưa sử dụng BPTT.

- Ngay khi đang có kinh hoặc trong 7 ngày đầu (hoặc trong vòng 5 ngày đầu đối với Implanon) của chu kỳ kinh.

- Ở bất cứ thời điểm nào nếu biết chắc là không có thai. Nếu đã quá 7 ngày (hoặc nếu quá 5 ngày đối với Implanon) từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh cần tránh giao hợp hoặc sử dụng thêm BPTT hỗ trợ trong 7 ngày kế tiếp.

- Vô kinh: bất kỳ thời điểm nào nếu có thể khẳng định không có thai, cần tránh giao hợp hoặc sử dụng thêm BPTT hỗ trợ trong 7 ngày kế tiếp.

- Sau sinh và cho con bú:

+ Trong vòng 6 tuần sau sinh và đang cho con bú: Chỉ sử dụng thuốc cấy một khi không còn BPTT nào khác.

+ Từ 6 tuần đến 6 tháng, vô kinh:

  • Bất kỳ lúc nào.
  • Nếu có kinh lại sau 6 tuần: như trường hợp kinh nguyệt bình thường.

+ Sau 6 tháng sau sinh:

  • Nếu chưa có kinh lại bất kỳ lúc nào nếu chắc chắn là không có thai, khách hàng cần tránh giao hợp hoặc sử dụng biện pháp tránh thai hỗ trợ trong 7 ngày kế tiếp.
  • Nếu có kinh lại: như trường hợp kinh nguyệt bình thường.

- Sau sinh, không cho con bú:

+ Bất kỳ thời điểm nào nếu có thể khẳng định không có thai, cần tránh giao hợp hoặc sử dụng thêm BPTT hỗ trợ trong 7 ngày kế tiếp.

+ Nếu đã có kinh trở lại: như trường hợp có kinh nguyệt bình thường.

- Ngay sau phá thai hoặc sẩy thai:

+ Trong vòng 7 ngày sau phá thai, sẩy thai: có thể cấy thuốc ngay lập tức.

+ Sau 7 ngày: bất kỳ thời điểm nào nếu có thể khẳng định không có thai, cần tránh giao hợp hoặc sử dụng thêm BPTT hỗ trợ trong 7 ngày kế tiếp.

- Sau sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp:

+ Sử dụng thuốc cấy trong vòng 7 ngày đầu của kỳ kinh kế tiếp (vào trong vòng 5 ngày đối với Implanon) hoặc bất kỳ thời điểm nào nếu chắc chắn là không có thai, nhưng phải sử dụng một BPTT trong vòng 7 ngày sau khi cấy thuốc.

+ Cung cấp các BPTT hỗ trợ hoặc thuốc tránh thai uống bắt đầu từ ngay sau ngày uống thuốc tránh thai khẩn cấp, trong thời gian chờ đợi đến thời điểm cấy thuốc

- Ngay sau khi tháo nang thuốc cấy, nếu muốn tiếp tục sử dụng thuốc cấy tránh thai.

3.3.2. Khách hàng đang sử dụng BPTT nội tiết sẽ được cấy thuốc.

- Ngay lập tức nếu đang sử dụng liên tục và đúng cách hoặc nếu biết chắc là không có thai, vào thời điểm lặp lại mũi tiêm.

3.3.3. Khách hàng đang sử dụng BPTT không nội tiết (không phải DCTC) sẽ được cấy thuốc:

- Ngay lập tức nếu đang sử dụng liên tục và đúng cách hoặc nếu biết chắc là không có thai.

Nếu đã quá 7 ngày kể từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh cần tránh giao hợp hoặc sử dụng thêm BPTT hỗ trợ trong 7 ngày kế tiếp.

3.3.4. Khách hàng đang sử dụng DCTC (kể cả DCTC giải phóng levonorgestrel) sẽ được cấy thuốc:

- Trong vòng 7 ngày đầu tiên của chu kỳ kinh, có thể lấy DCTC ở thời điểm này.

- Nếu đã quá 7 ngày kể từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh: lấy DCTC ít nhất 7 ngày sau khi cấy thuốc.

- Nếu vô kinh hoặc ra máu không theo chu kỳ: xem hướng dẫn dành cho phụ nữ vô kinh.

- Nếu vô kinh hoặc ra máu không theo chu kỳ: xem hướng dẫn dành cho phụ nữ vô kinh.

3.4. Kỹ thuật cấy.

- Cần đảm bảo vô khuẩn.Sát khuẩn da vùng định cấy: thường ở khoảng giữa mặt trong cánh tay không thuận.

- Trải vải có lỗ vùng định cấy.

- Gây tê vùng định cấy bằng lidocain 1% dọc đường cấy.

- Cấy que thuốc nông dưới da (1 que với Implanon, 2 que với Femplant).

- Kiểm tra nang thuốc đã được cấy.

- Băng ép bằng gạc vô khuẩn.

3.5. Kỹ thuật tháo

- Sát khuẩn.

- Trải vải.

- Gây tê.

- Rạch da khoảng 2 mm phía đầu que cấy…

- Dùng tay nắn cho đầu nang lộ ra chỗ rạch.

- Dùng 1 kẹp nhỏ kẹp đầu nang cấy, kéo nhẹ ra.

- Sau khi tháo hết, sát khuẩn, băng lại.

  1. Những vấn đề khó khăn khi sử dụng, và cách xử trí.

4.1. Rối loạn kinh nguyệt.

4.1.1 Vô kinh.

- Giải thích rằng vô kinh là bình thường khi dùng thuốc cấy tránh thai.

- Nếu khách hàng không chấp nhận vô kinh: tháo hoặc chuyển đến cơ sở có thể tháo, và hướng dẫn sử dụng BPTT khác.

4.1.2. Ra máu thấm giọt hoặc kinh nguyệt không đều.

- Trấn an khách hàng rằng nhiều phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai bị kinh nguyệt không đều; tình trạng này sẽ giảm và hết sau vài tháng sử dụng thuốc.

- Xử trí tình trạng rối loạn kinh nguyệt:

+ Sử dụng:

  • Ibuprofen (hoặc các thuốc kháng viêm không steroid khác),
  • Thuốc tránh thai kết hợp trong 21 ngày nếu không có chống chỉ định estrogen.

- Nếu tình trạng rối loạn kinh nguyệt xuất hiện sau vài tháng có kinh bình thường hoặc sau một thời gian vô kinh hoặc tiếp tục không hết hoặc nghi ngờ có nguyên nhân bệnh lý khác: cần khám toàn diện để tìm nguyên nhân. Nếu bị viêm vùng chậu hoặc NKLTQĐTD: có thể tiếp tục sử dụng thuốc cấy trong thời gian điều trị bệnh.

4.1.3. Ra máu hoặc ra máu quá nhiều (từ gấp đôi bình thường trở lên) hoặc kéo dài (từ 8 ngày trở lên).

- Đây là tình trạng hiếm gặp, nhưng cần được chú ý đặc biệt. Cần trấn an khách hàng rằng tình trạng này đôi khi cũng xảy ra ở nhiều phụ nữ sử dụng que cấy tránh thai; tình trạng này sẽ giảm và hết sau vài tháng sử dụng thuốc.

- Có thể xử trí ban đầu như những khách hàng bị kinh nguyệt không đều hoặc sử dụng mỗi ngày 01 viên tránh thai kết hợp hoặc 50mcg ethinyl estradion mỗi ngày, trong 21 ngày.

- Có thể kết hợp a xít Tranexamic (Transamin) trong 5 ngày.

- Khuyên khách hàng uống viên sắt hoặc ăn các thực phẩm giàu chất sắt.

- Nếu tình trạng ra máu nhiều xuất hiện sau vài tháng có kinh bình thường hoặc sau một thời gian vô kinh hoặc tiếp tục không hết hoặc nghi ngờ có nguyên nhân bệnh lý khác: cần khám toàn diện để tìm nguyên nhân. Trong quá trình khám, khách hàng vẫn có thể tiếp tục sử dụng thuốc tránh thai.

4.2. Đau hạ vị.

Cần loại trừ nang và khối u buồng trứng, viêm ruột thừa, viêm vùng chậu, thai ngoài tử cung hoặc u gan vỡ.

- Thai ngoài tử cung: điều trị hoặc chuyển tuyến, tháo thuốc cấy.

- Nang cơ năng buồng trứng: giải thích nang thường tự biến mất, nếu có thể khám lại sau 3 tuần.

- Đau do các nguyên nhân khác: không cần tháo thuốc cấy.

4.3. Tại vị trí cấy.

4.3.1. Đau sau khi cấy.

- Hướng dẫn cho khách hàng.

+ Đảm bảo băng ép không quá chặt.

+ Thay băng ép mới.

+ Tránh đè mạnh vào vùng cấy trong vài ngày và tránh ép vào nếu sưng đau.

+ Sử dụng các thuốc giảm đau nhóm non-steroid.

4.3.2. Nhiễm khuẩn vị trí cấy (đau, nóng, đỏ) hoặc áp xe (có mủ).

- Viêm:

+ Không tháo que cấy.

+ Rửa sạch vùng cấy bằng thuốc sát khuẩn hoặc nước xà phòng.

+ Sử dụng kháng sinh và yêu cầu khách hàng khám lại sau 1 tuần. Nếu không đỡ, tháo que cấy hoặc chuyển tuyến.

- Áp xe:

+ Rửa sạch vùng viêm bằng thuốc sát khuẩn, rạch da và tháo mủ

+ Nếu nhiễm khuẩn da nhiều: Sử dụng kháng sinh.

+ Điều trị vết thương.

+ Tháo que cấy hoặc chuyển tuyến để tháo (nếu tình trạng không ổn định).

4.4. Một số vấn đề khác.

4.4.1. Nhức đầu.

- Có thể kê đơn một trong các loại thuốc giảm đau như aspirin, ibuprofen hoặc paracetamol…

- Khám toàn diện nếu tình trạng nhức đầu không giảm hoặc trầm trọng hơn.

- Tháo que cấy và khuyên khách hàng sử dụng BPTT không có nội tiết nếu khách hàng bắt đầu bị nhức nửa đầu (migrain) có kèm mờ mắt hoặc bị nặng lên sau khi cấy, đặc biệt đi kèm nhìn mờ, mất thị giác thoáng qua, mắt nổ đom đóm hoặc thấy các đường díc dắc, rối loạn ngôn ngữ hoặc vận động. Trường hợp nhức nửa đầu không kèm mờ mắt vẫn có thể tiếp tục sử dụng que cấy nếu muốn.

- Chuyển tuyến để điều trị bệnh tương ứng.

4.4.2. Căng ngực.

- Khuyên khách hàng thử chườm ngực bằng khăn lạnh hoặc ấm.

- Có thể kê đơn một trong các loại thuốc giảm đau nhóm non-steroid (Ví dụ: ibuprofen hoặc paracetamol…).

4.4.3. Khách hàng bắt đầu sử dụng các thuốc ngừa co giật hoặc rifampicin (các thuốc này có thể làm giảm tác dụng của thuốc ngừa thai).

- Nếu khách hàng sử dụng thuốc ngừa co giật hoặc rifampicin kéo dài: cần chuyển sang BPTT khác.

- Nếu khách hàng sử dụng thuốc ngừa co giật hoặc rifampicin trong thời gian ngắn: có thể tiếp tục sử dụng thuốc tránh thai kèm với các BPTT hỗ trợ.

4.4.4. Xuất hiện các dấu hiệu của bệnh lý nội khoa (như tắc mạch sâu ở chân hoặc phổi, thiếu máu cơ tim hoặc đột quỵ hoặc ung thư vú…)

- Tháo que cấy hoặc chuyển tuyến để tháo và yêu cầu khách hàng sử dụng các BPTT hỗ trợ khác trong thời gian chẩn đoán bệnh.

4.4.5. Nghi ngờ có thai.

- Xác định tình trạng thai.

- Yêu cầu khách hàng ngừng thuốc tránh thai nếu chắc chắn có thai. Không có bằng chứng về nguy cơ đối với thai nhi khi sử dụng thuốc tránh thai trong lúc mang thai.

  1. Đối với khách hàng HIV(+).

- Khách hàng HIV(+) hoặc AIDS hoặc đang điều trị thuốc kháng virus có thể sử dụng thuốc cấy tránh thai.

 

  • Sử dụng kháng sinh trong sản khoa
  • CHĂM SÓC TRƯỚC KHI CÓ THAI VÀ TRƯỚC KHI SINH TƯ VẤN, CHĂM SÓC TRƯỚC KHI CÓ THAI
  • Hỏi bệnh đối với thai phụ
  • Khám toàn thân cho thai phụ
  • Khám sản khoa
  • Giáo dục sức khỏe trong thai kỳ
  • Ghi chép sổ khám thai
  • Dặn dò sau khám thai
  • Tư vấn cho phụ nữ có thai
  • TƯ VẤN CHO SẢN PHỤ TRONG CHUYỂN DẠ VÀ NGAY SAU ĐẺ
  • Chẩn đoán chuyển dạ
  • KỸ NĂNG SỐNG LIÊN QUAN ĐẾN SỨC KHỎE SINH SẢN/SỨC KHỎE TÌNH DỤC CỦA VỊ THÀNH NIÊN VÀ THANH NIÊN
  • TÌNH DỤC AN TOÀN VÀ ĐỒNG THUẬN
  • KINH NGUYỆT VÀ XUẤT TINH Ở VỊ THÀNH NIÊN
  • Mãn dục nam
  • CHĂM SÓC TRƯỚC SINH
  • Quản lý thai
  • Đái tháo đường thai kỳ
  • Bệnh lý lành tính tuyến vú
  • U xơ tử cung
  • space
    Tài liệu đào tạo liên tục
    1-hình 1
    Giang mai bẩm sinh

    5186/QĐ-BYT.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    Nguyên tắc lựa chọn test sử dụng để sàng lọc bệnh

    DỰ ÁN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NHÂN LỰC Y TẾ PHỤC VỤ CẢI CÁCH HỆ THỐNG Y TẾ.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    Mô mềm vùng ngực

    CME.....(xem tiếp)

    Kiến thức nhanh
    Dinh dưỡng cho bệnh nhân xơ gan
    Tăng huyết áp trong bệnh thận mạn
    trong bệnh vẩy nến có dễ bị nhiễm trùng da không?
    

    Phụ trách admin BS Trần Cao Thịnh Phước (phuoctct@pnt.edu.vn)

    Phụ trách chuyên môn TS Võ Thành Liêm (thanhliem.vo@gmail.com)

    space