Ngứa và đau là 2 vấn đề chính liên quan đến thụ thể cảm giác tại da, là biểu hiện của tình trạng bệnh lý tại da và bệnh lý toàn thân. Việc nắm bắt được cơ chế bệnh sinh của ngứa và đau giúp nhiều trong tiếp cận chẩn đoán và điều trị.
Về mặt bản chất, cả ngứa và đau là tương đồng về cơ chế bệnh sinh, cùng được dẫn truyền bằng một dây thần kinh cảm giác, tuy nhiên 2 triệu chứng này lại gây phản ứng khác nhau: ngứa kích thích phản ứng gãi da gây tổn thương tại da để quên cảm giác ngứa; trong khi đó, đau lại gây phản xạ rút lui ra khỏi vùng có yếu tố kích thích (ví dụ như tay bị kim đâm, bị phỏng lửa)1. Điều này cho thấy có sự tham gia của thần kinh trung ương để diễn giải tín hiệu thần kinh cảm giác truyền từ ngoại biên. Do vậy, việc đánh giá triệu chứng ngứa – đau cần phải tính đến yếu tố chủ quan của từng bệnh nhân, và phân tích trong mối tương quan với các triệu chứng khác.
Về mặt cơ chế bệnh sinh giải thích triệu chứng ngứa, theo tác giả Twycross, có thể được phân làm 4 nhóm cơ chế khác nhau2:
- - Ngứa do thụ thể ngứa (pruritoceptive itch). Nguyên nhân của ngứa nằm tại da, do tình trạng viêm, khô da hoặc bất kỳ tổn thương da và kích thích tại thụ thể cảm giác da gây ra triệu chứng ngứa – dị cảm tại da. Các kích thích cảm giác này được truyền theo bó thần kinh C. Ngứa do chàm da, ghẻ, mề đay nằm trong nhóm này.
- - Ngứa do cơ chế thần kinh (neurogenic itch). Nguyên nhân ngứa do kích thích các thụ thể thần kinh trung ương tại ngoại biên, không có tổn thương cấu trúc thần kinh liên quan. Cụ thể điển hình của loại này là ngứa do nguyên nhân viêm gan tắc mật, các peptide hướng thần kinh tác động vào thụ thể µ-opioid.
- - Ngứa do bệnh lý thần kinh (neuropathic itch). Ngứa có nguyên nhân là tổn thương, bệnh lý trên hệ thống thần kinh, dây thần kinh. Điển hình của nhóm này là ngứa do viêm dây thần kinh sau bệnh giời leo (Herpes Zoster) hoặc ngứa liên quan đến bệnh xơ cứng da, bệnh bướu thần kinh trung ương.
- - Ngứa do cơ chế tâm lý (psychogenic itch): đây là tình trạng ảo giác về xúc giác, thể hiện rối loạn ở thần kinh trung ương (não) trong diễn giải tính hiệu cảm giác truyền từ ngoại biên về thần kinh trung ương. Như vậy nhóm này không có bệnh lý thực thể.
Việc phân loại theo 4 nhóm cơ chế bệnh sinh có liên đới ít nhiều đến các thể lâm sàng về ngứa mà chúng ta sẽ bàn trong phần kế tiếp. Điểm lưu ý là trong thực tế, trên bệnh cảnh cụ thể, có thể có nhiều cơ chế cùng xuất hiện tham gia gây ra triệu chứng ngứa. Ví dụ như trường hợp bệnh nhân có bệnh lý loét thiểu dưỡng do thuyên tắc tĩnh mạch chi dưới, triệu chứng dị cảm – ngứa vùng chân có thể nằm trong bệnh cảnh viêm đa dây thần kinh ngoại biên do thiểu dưỡng (neuropathic itch) và do tình trạng viêm da tại chổ (pruritoceptive itch).
|