Cơ chế chủ yếu của bệnh là tình trạng xơ hoá tiến triển của nhu mô gan. Ở một gan bình thường, các collagen vùng gian bào (týp I, III) tập trung tại khoảng cửa và xung quanh tĩnh mạch trung tâm và đôi khi gặp trong khoảng Disse. Mô lưới nâng đỡ cấu trúc gan được tạo bởi những bó collagen týp II
Trong bệnh xơ gan, collagen týp I, III lắng đọng ở tất cả các phần của tiểu thùy, dẫn đến sự gián đoạn trầm trọng dòng máu và ngăn cản sự tiếp xúc của huyết tương với tế bào gan. Bên cạnh đó xuất hiện các sợi collagen týp IV mảnh chạy dọc theo tế bào gan kèm sự hoá sợi khoảng Disse dẫn đến sự mất các cửa sổ trong tế bào nội mô của xoang, làm suy giảm hoạt động trao đổi chất giữa tế bào gan và máu, mà cụ thể là giảm sản xuất albumine, các yếu tố đông máu, các lypoprotein, chức năng giải độc thoái biến và đào thải các chất…Bên cạnh đó ngăn cản dòng máu trong gan gây tăng kháng trở mạch máu đưa đến tăng áp tĩnh mạch cửa.
Hình 1 - 2. Tế bào Ito trong khoảng Disse
Nguồn gốc các collagen tăng sinh là do các tế bào Ito, còn gọi là tế bào hình sao (stellae cells, cellule étoillée), trong bào tương chứa các ester retinyl là dạng dự trữ của vitamine A. Khi xơ gan, các tế bào Ito trở nên hoạt động, không dự trữ ester retinyl mà trở nên tăng tiết collagen như nguyên bào sợi. Các cơ chế kích thích sự tăng sản xuất và ứ đọng collagen bao gồm:
- Các phản ứng viêm mãn tính với các yếu tố viêm như TNF (tumer necrotic factor), yếu tố chuyển dạng TGF- (transforming growth factor – ), interleukin I.
- Gia tăng các Cytokin do các tế bào kích thích nội tại: tế bào Kupffer, tế bào nội mạc, tế bào gan, tế bào nội mạc đường mật.
- Các tổn thương khoảng gian bào
- Kích thích trực tiếp các tế bào Ito bởi độc chất
- Sự tập trung các sợi tơ cơ của tế bào Ito quanh xoang và sự chuyển dạng nguyên bào sợi cơ gây ra tăng đề kháng thành mạch trong nhu mô gan dẫn đến tăng áp tĩnh mạch cửa
Trong tiến trình huỷ hoại nhu mô gan, các tế bào bị kích thích thoái hóa và tăng sinh dạng nốt trong một bao sợi, gây đảo lộn cấu trúc bè gan, mất sự tiếp xúc giữa bè gan và dòng máu dẫn đến mất chức năng gan, tăng áp cửa. Sự thay đổi cấu trúc này làm bít tắc các mao quản mật gây vàng da tắc mật
|