Logo Xem trang đào tạo trực tuyến arrow1
space


Thiết lập các mục tiêu tự quản lý sức khỏe

(Tham khảo chính: Võ Thành Liêm )

Thông thường, đứng trước câu hỏi về thay đổi hành vi sức khỏe, bệnh nhân thường đặt những mục tiêu dài hạn và thường là mơ hồ. Ví dụ như: tôi sẽ ngưng thuốc là trong 3 tháng, tôi sẽ chạy bộ 1 giờ mỗi ngày, tôi sẽ giảm cân thật nhiều trong thời gian tới... Các trường hợp bệnh nhân đặt mục tiêu dạng như vậy thường có tỷ lệ thành công không cao. Lý do là bệnh nhân đặt mình vào mục tiêu quá khó để bắt đầu. Do vậy những khó khăn ban đầu sẽ nhanh chóng làm cho bệnh nhân nản và bỏ cuộc giữa chừng.
Để hỗ trợ giai đoạn quan trọng này, bác sĩ và các nhân viên y tế khác trong ê kíp chăm sóc có thể giúp bệnh nhân xác định các mục tiêu thay đổi hành vi từng chút một, có tính khả thi cao và hướng dần đến mục tiêu sau cùng.  
Nhằm bắt đầu thảo luận một cách hiệu quả và đặt bệnh nhân vào trọng tâm của vấn đề, chúng ta có thể bắt đầu bằng câu hỏi “anh chị định bắt đầu làm điều gì trong tuần này để có thể cải thiện sức khỏe”. Câu hỏi này sẽ giúp bệnh nhân xác định mục tiêu cụ thể trong ngắn hạn (một tuần), mang tính khả thi cao (bắt đầu làm điều gì) và hướng đến mục đích dài hạn (cải thiện sức khỏe). Thông thường, đối với các câu hỏi dạng này, người bệnh sẽ định hình nhanh hàng loạt các hoạt động đơn giản, cụ thể và có thể thực hiện được liền như: tôi nghĩ rằng tôi sẽ tập thể dục thêm 15 phút mỗi buổi sáng, tôi sẽ bớt ăn thêm nước chấm vào mỗi buổi cơm, tôi sẽ giảm bớt 2 điếu thuốc/ngày ngay trong tuần này.... Các mục tiêu dạng như vậy sẽ hiệu quả hơn, dễ dàng thực hiện hơn và đương nhiên là tỷ lệ thành công hơn là các mục tiêu “dài hơi” và thiếu “thực tế”. Một số yếu tố sau cần chú ý khi giúp bệnh nhân xây dựng kế hoạch thay đổi:
Chi tiết: đối với tình huống bệnh nhân chỉ vạch ra mục tiêu còn mơ hồ như “tôi sẽ tập thể dục nhiều hơn”, bác sĩ cần khuyến khích bệnh nhân cụ thể thêm các hoạt động. Chúng ta có thể yêu cầu bệnh nhân nêu ví dụ một hoạt động thể thao nào mà bệnh nhân thích bắt đầu, trong bao lâu mỗi ngày và bằng cách nào... Các câu hỏi nhỏ sẽ giúp bệnh nhân định hình rõ hơn hành động sẽ thực hiện sớm, những nguồn lực cần sử dụng, kế hoạch cụ thể trong thời gian tới để thực hiện thay đổi. Các nội dung này càng cụ thể, khả năng bệnh nhân thực hiện thành công càng cao. Ví dụ như một kế hoạch “tôi sẽ đi bộ một vòng quanh khu phố nhà tôi 3 lần một tuần với chồng” là rất cụ thể và khả thi.
Giới hạn: mục tiêu cần được xây dựng cho khoảng thời gian 1-2 tuần là phù hợp. Nếu hoạch định kế hoạch cho khoảng thời gian quá dài, bệnh nhân thường khó có thể định hình rõ mục tiêu và chi tiết hóa hoạt động. Các mục tiêu thay đổi hành vi có thể được củng cố và hiệu chỉnh qua mỗi lần thăm khám khác nhau.
Khả thi: một mục tiêu xây dựng hay nhưng vượt quá khả năng của bệnh nhân thì cũng không được xem là tốt. Ví dụ như chúng ta yêu cầu một người đang bị di chứng thần kinh sau tai biến phải tập thể dục bằng cách chạy bộ 3km một ngày thì hoàn toàn phi thực tế. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể hướng dẫn tập thể dục thụ động tại chổ bằng cách sử dụng dụng cụ. Có những trường hợp bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối nặng, vì mục tiêu giảm cân, bác sĩ đã hướng dẫn bệnh nhân cần phải đi bộ thể dục 2 lần mỗi ngày. Kết quả đương nhiên là bệnh nhân không thể đi bộ vì cả hai khớp gối đều bị đau khi đi. Trong giai đoạn đầu, việc xác định mục tiêu khả thi, thích ứng với việc mới bắt đầu thay đổi hành vi là rất quan trọng. Nếu bệnh nhân hoàn thành tốt mục tiêu ban đầu, họ sẽ được mong muốn duy trì quá trình thay đổi hành vi và hướng đến các mục tiêu xa hơn, khó hơn.
Lượng giá được: mục tiêu cần xây dựng trên những tiêu chí có thể lượng giá dễ dàng bởi bệnh nhân và cả nhân viên y tế. Chúng ta có thể lượng giá thông qua kết quả hành động (giảm cân nặng) hoặc bản thân của chính hành động (tập thể dục mỗi ngày). Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho bệnh nhân theo dõi, chúng ta nên đề nghị mục tiêu theo hành động. Ví dụ như mục tiêu là cần hạ huyết áp tâm thu xuống dưới 140mmHg hoặc cần giảm được 10kg cân nặng là những mục tiêu có thể dễ dàng đo đạt – đánh giá được. Tuy nhiên, do kết quả phụ thuộc vào nhiều thông số khác nhau chứ không phải chỉ do hành động, bệnh nhân sẽ khó lượng giá khối lượng hoạt động cần thực hiện để đạt mục tiêu. Chính vì lý do đó, các mục tiêu dựa trên kết quả thường khó đạt được, khó thực hiện. Do vậy, để tăng tính khả thi, mục tiêu cần tập trung vào các hoạt động cần thực hiện (ví dụ như dùng đều 3 lần mỗi ngày, vận động nhẹ 15 phút mỗi buổi sáng), điều này sẽ giúp bệnh nhân dễ dàng hoàn thành mục tiêu, khích lệ bệnh nhân tiếp tục các mục tiêu thay đổi hành vi khác.
Trên cơ sở cùng thảo luận với bệnh nhân để xác định các mục tiêu thay đổi hành vi khác nhau, bác sĩ cần tranh thủ củng cố niềm tin và khích lệ các kết quả đạt được. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng ngay cả bệnh nhân còn trong giai đoạn chần chừ, việc xác định mục tiêu thay đổi hành vi với bác sĩ sẽ giúp thực hiện tốt các mục tiêu đề ra5,6

  • Chia sẻ mối bận tâm của cả 2 bên
  • Phương pháp hỏi-nói-hỏi
  • Hỗ trợ sự sẵn sàng thay đổi
  • Thiết lập các mục tiêu tự quản lý sức khỏe
  • Khép vòng lặp (closing the loop)
  • space
    Tài liệu đào tạo liên tục
    1-hình 1
    Chẩn đoán, điều trị, kê đơn thuốc kháng HIV điều trị ngoại trú cho người nhiễm HIV, người phơi nhiễm với HIV

    28/2018/TT-BYT.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    Nguyên nhân

    5331/QĐ-BYT.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    Hội chứng xuất huyết

    Trần Thị Mộng Hiệp.....(xem tiếp)

    Kiến thức nhanh
    khám sàng lọc trước tiêm chủng đối với trẻ em.
    Điều trị tương ứng với tình trạng bệnh
    AMPICILIN
    

    Phụ trách admin BS Trần Cao Thịnh Phước (phuoctct@pnt.edu.vn)

    Phụ trách chuyên môn TS Võ Thành Liêm (thanhliem.vo@gmail.com)

    space