1. Khuẩn hệ âm đạo bình thường
1.1. Thành phần và vai trò của khuẩn hệ âm đạo bình thường
Khuẩn hệ âm đạo (vaginal microbiome hay vaginal microbiota) ở phụ nữ ở độ tuổi sinh sản bao gồm các loại vi khuẩn kỵ khí và hiếu khí thường trú. Các vi khuẩn này tồn tại trong một mối quan hệ cộng sinh giữa vật chủ là môi trường âm đạo và bản thân chúng là các ký sinh vật. Biểu mô lát tầng và một số tuyến âm đạo cung cấp dưỡng chất cho vi sinh vật, đảm bảo sự phát triển của cộng đoàn vi sinh vật. Ngược lại, hệ vi sinh vật đóng vai trò quan trọng trong cơ chế bảo vệ vật chủ bằng cách ngăn ngừa sự trú đóng (colonization) của các vi khuẩn gây bệnh. Rối loạn của khuẩn hệ âm đạo ảnh hưởng mạnh đến tình trạng sức khỏe và bệnh tật của vật chủ.
Ở khoảng ¾ số người phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, bình thường và khỏe mạnh, Lactobacillus sp là vi khuẩn hình que, Gram dương, kị khí chiếm ưu thế trong khuẩn hệ. Lactobacilli bảo vệ vật chủ thông qua việc lên men glycogen trong biểu mô âm đạo để chuyển thành lactic acid, qua đó duy trì một pH thấp của âm đạo, trong khoảng từ
3.5 đến 4.5.
Có khoảng ¼ số người phụ nữ bình thường, có kiểu trạng thái hệ khuẩn mà Lactobacilli không chiểm ưu thế. Trong kiểu trạng thái khuẩn hệ này, tính đa dạng trong cấu tạo của khuẩn hệ cho phép duy trì một môi trường chức năng. Người phụ nữ với trạng thái khuẩn hệ này phải được xem là bình thường và khỏe mạnh, cho dù thành phần và đặc tính của khuẩn hệ giống như viêm âm đạo do vi khuẩn. Những cá thể này có một pH âm đạo cao, có thể đến 5. Đây là một thách thức thật sự với hiểu biết cổ điển về khuẩn hệ rằng một khuẩn hệ bình thường có pH dưới 4.5 và Lactobacilli ưu thế.
1.2. Thay đổi của khuẩn hệ âm đạo
Thành phần của khuẩn hệ thay đổi theo giai đoạn hoạt động nội tiết trong cuộc
đời người nữ.
Ở bé gái chưa dậy thì và phụ nữ đã kinh, do âm đạo không nhận được estrogen từ buồng trứng, nên môi trường âm đạo là môi trường nghèo glycogen. Hệ quả là khuẩn hệ âm đạo ở các cá thể này có ít khuẩn Lactobacillus thường trú hơn so với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
Ở phụ nữ độ tuổi sinh sản, hiện diện của lactic acid làm pH âm đạo được duy trì ở mức
3.5 - 4.7. Trong khi đó, pH của âm đạo ở trẻ chưa dậy thì và người đã kinh là 6 - 8.
Sự khác biệt trong cấu trúc khuẩn hệ này không đồng nghĩa với bệnh lý. Khuẩn hệ sẽ có các điều chỉnh về phân bố để thích ứng với biến đổi do môi trường.
Khi khuẩn hệ âm đạo bị đối mặt với các tác nhân trường diễn hay cấp diễn gây bởi hành vi của con người như dùng kháng sinh, dùng thuốc tránh thai nội tiết và các biện pháp kiểm soát sinh sản khác, thói quen hoạt động tình dục, dùng chất bôi trơn,
thói quen thụt rửa âm đạo… nó sẽ có những điều chỉnh để đối phó lại các biến động khuẩn hệ.
Khi khuẩn hệ thất bại trong điều chỉnh, thì chức năng bảo vệ dựa trên đáp ứng miễn dịch vật chủ, gồm cả miễn dịch bẩm sinh và miễn dịch thích nghi sẽ bị ảnh hưởng. Chính sự sụp đổ của tính bình ổn của môi trường âm đạo là yếu tố gây ra sự phát triển của các tác nhân gây bệnh.
Như vậy, hiểu biết thấu đáo về một khuẩn hệ lành mạnh cần phải dựa trên chức năng thật sự của khuẩn hệ, chứ không chỉ đơn thuần dựa trên thành phần vi sinh của khuẩn hệ. Quan điểm này sẽ giúp đỡ tốt hơn cho việc thực hiện chẩn đoán và phát triển các biện pháp điều trị thích hợp.
2. Thành phần sinh lý của dịch tiết vùng âm đạo
Dịch tiết âm đạo có nguồn gốc từ nhiều nơi. Một lượng lớn dịch là chất nhầy từ cổ tử cung; lượng ít hơn từ dịch nội mạc tử cung; một phần nhỏ từ các tuyến phụ như tuyến Skene và các tuyến Bartholin. Đó là các dịch tiết bình thường của âm đạo. Các tế bào vẩy bị bong ra từ thành âm đạo tạo nên từ màu trắng đến không màu cho dịch tiết.
Các thành phần từ dịch tiết âm đạo cung cấp một môi trường bôi trơn sinh lý, ngăn
ngừa triệu chứng khô và sự kích thích tại chỗ.
Số lượng và tính chất bình thường của dịch tiết có thể thay đổi dưới ảnh hưởng của các yếu tố như nội tiết tố, tình trạng dịch, thai kỳ, suy giảm miễn dịch, thụt rửa hay hoạt động tình dục.
Đặc tính chung của dịch tiết âm đạo sinh lý là: màu trắng hoặc trong, không có mùi khó chịu, không kèm kích thích tại chỗ như ngứa, rát…, số lượng thay đổi nhưng thường không quá nhiều.
|