Như đã trình bày ở mục đầu tiên, đa niệu thẩm thấu có bệnh cảnh đặc thù và cần được loại trừ đầu tiên. Cơ chế bệnh sinh của nhóm này là do có tình trạng tăng áp lực thẩm thấu của nước tiểu do tăng nồng độ những chất tan trong nước, hiện diện trong nước tiểu do thận không hấp thu, đưa đến kéo nước ra khỏi thận và gây tình trạng đa niệu.
Các nguyên nhân chính của bệnh cảnh đa niệu thẩm thấu là:
1 Đa niệu do đường niệu
Là đặc trưng của bệnh đái tháo đường không được kiểm soát tốt, và cũng là nguyên nhân của phần lớn trường hợp bệnh đái tháo nhạt do thẩm thấu trong bối cảnh ngoại trú.
Đối với bệnh đái tháo đường type 1 lệ thuộc hoàn toàn insulin, nồng độ đường trong máu tăng cao vượt quá ngưỡng hấp thu của thận. Hậu quả là đường sẽ xuất hiện trong nước tiểu gây tăng nồng độ thẩm thấu của nước tiểu và gây đa niệu. Bệnh nhân sẽ có tăng cả áp lực thẩm thấu của máu (do tăng glucose máu, do mất nước) và của nước tiểu, gây cảm giác khát và uống nước nhiều. Đây chính là cơ chể giải thích bệnh cảnh điển hình của đái tháo đường type I là ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều và gầy nhiều.
Đối với đái tháo đường type II, chỉ ở trường hợp đường huyết chưa được kiểm soát tốt mới có biểu hiện đa niệu. Cơ chế cũng tương tự như đái tháo đường type I.
Lưu ý, với trường hợp bệnh nhân có đái tháo nhạt trung ương nhưng được cho truyền dịch với lượng lớn dextrose thì cũng có thể gây tình trạng đa niệu với đường trong nước tiểu[1].
2 Đa niệu do tăng ure
Bản thân urê là một chất gây tăng độ thẩm thấu, đồng thời là chất được thận đào thải qua nước tiểu. Do vậy, sẽ có triệu chứng đa niệu nếu có tăng urê máu, gặp trong các tình huống sau:
- Giai đoạn hồi phục sau bệnh tăng urê máu (bệnh suy thận cấp, bệnh cầu thận cấp)
- Thoái dưỡng mô và đạm (gặp trong chấn thương), làm tăng sản xuất urê máu
- Tăng sử dụng đạm (qua ăn uống hoặc qua truyền thuốc) làm tăng sản xuất urê máu.
3 Đa niệu do thải muối
Truyền dịch lượng nhiều (Normal saline) hoặc ở giai đoạn hồi phục sau thuyên tắc đường niệu hoàn toàn (sỏi niệu quản 2 bên, sỏi bàng quang, bướu tiền liệt tuyến…) có thể gây tình trạng đa niệu thải muối. Bệnh cảnh này có thể phân biệt với đái tháo nhạt thông qua bệnh sử chi tiết. Trong trường hợp khó, xét nghiệm nước tiểu có nồng độ thẩm thấu >300 mosmol/L giúp loại trừ đái tháo nhạt. Một điểm lưu ý là tổng lượng chất hòa tan và thải ra trong nước tiểu trong 24h nằm trong khoảng giới hạn sinh lý từ 600 mosmol đối với chế độ dinh dưỡng bình thường. Thông qua đó, chúng ta có thể gợi ý chẩn đoán đa niệu do thải muối.
|