- ĐẠI CƯƠNG
Nhọt là tình trạng viêm cấp tính gây hoại tử nang lông và tổ chức xung quanh, thường gặp ở trẻ em. 2. NGUYÊN NHÂN Nguyên nhân gây bệnh là tụ cầu vàng (Staphylococcus aereus). Bình thường, vi khuẩn này sống ký sinh trên da, nhất là các nang lông ở các nếp gấp như rãnh mũi má, rãnh liên mông…hoặc các hốc tự nhiên như lỗ mũi. 3. CHẨN ĐOÁN 3.1. Lâm sàng - Ban đầu là sẩn nhỏ, màu đỏ, sưng nề, chắc, tấy đỏ ở nang lông. Sau 2 ngày đến 3 ngày, tổn thương lan rộng hóa mủ tạo thành ổ áp xe, ở giữa hình thành ngòi mủ. Đau nhức là triệu chứng cơ năng thường gặp, nhất là khi nhọt khu trú ở mũi, vành tai. Vị trí thường gặp là ở đầu, mặt, cổ, lưng, mông và chân, tay. Số lượng tổn thương có thể ít hoặc nhiều, kèm theo các triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi, hội chứng nhiễm trùng. - Biến chứng nhiễm khuẩn huyết có thể gặp, nhất là ở những người suy dinh dưỡng. Nhọt ở vùng môi trên, ở má có thể dẫn đến viêm tĩnh mạch xoang hang và nhiễm khuẩn huyết. - Nhọt cụm còn gọi là nhọt bầy hay hậu bối gồm một số nhọt xếp thành đám. Bệnh thường gặp ở những người suy dinh dưỡng, giảm miễn dịch hoặc mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, hen phế quản, lao phổi. - Chẩn đoán chủ yếu dựa vào lâm sàng. Ở giai đoạn sớm cần chẩn đoán phân biệt với viêm nang lông, herpes da lan tỏa, trứng cá và viêm tuyến mồ hôi mủ. 3.2. Cận lâm sàng - Tăng bạch cầu trong máu ngoại vi. - Nuôi cấy mủ có tụ cầu vàng. 4. ĐIỀU TRỊ 4.1. Nguyên tắc chung - Vệ sinh cá nhân - Điều trị chống nhiễm khuẩn toàn thân và tại chỗ - Nâng cao thể trạng 4.2. Điều trị cụ thể - Vệ sinh cá nhân: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, tránh tự lây nhiễm ra các vùng da khác. - Điều trị tại chỗ + Ở giai đoạn sớm, chưa có mủ: không nặn, kích thích vào thương tổn; bôi dung dịch sát khuẩn ngày 2-4 lần + Giai đoạn có mủ: cần phẫu thuật rạch rộng làm sạch thương tổn. + Dung dịch sát khuẩn: Povidon-iodin 10%, Hexamidin 0,1%, Chlorhexidin 4% + Thuốc kháng sinh tại chỗ: Kem hoặc mỡ axít fucidic 2% bôi 1- 2 lần ngày, mỡ mupirocin 2% bôi 3 lần/ngày, mỡ neomycin, bôi 2- 3 lần/ngày, kem silver sulfadiazin 1% bôi 1-2 lần/ngày. Bôi thuốc sau khi sát khuẩn, thời gian điều trị từ 7-10 ngày. - Kháng sinh toàn thân: + Nhóm betalactam . Cloxacilin: Trẻ em cứ 6 giờ dùng 12,5-25mg/kg. Người lớn cứ mỗi 6 giờ dùng 250-500mg. Chống chỉ định đối với trường hợp mẫn cảm với penicilin. Thận trọng khi dùng cho trẻ sơ sinh và phụ nữ có thai, cho con bú. . Augmentin (amoxillin phối hợp với axít clavulanic): trẻ em dùng liều 80mg/kg/ngày chia ba lần, uống ngay khi ăn. Người lớn 1,5-2 g/ngày chia ba lần, uống ngay trước khi ăn. Chống chỉ định đối với những người bệnh dị ứng với nhóm betalactam. + Nhóm macrolid . Roxithromycin: Trẻ em dùng liều 5-8mg/kg/ngày chia hai lần. Người lớn 2viên/ngày chia hai lần, uống trước bữa ăn 15 phút. . Azithromycin: Trẻ em 10mg/kg/ngày trong 3 ngày. Người lớn uống 500mg trong ngày đầu tiên, sau đó 250mg/ngày trong 4 ngày tiếp theo, uống trước bữa ăn 1 giờ hoặc sau bữa ăn 2 giờ. Thời gian điều trị kháng sinh từ 7- 10 ngày. 5. PHÒNG BỆNH - Vệ sinh cá nhân sạch sẽ: cắt móng tay, rửa tay hàng ngày. - Tránh sử dụng các sản phẩm gây kích ứng da. - Nâng cao thể trạng.
- TÀI LIỆU THAM KHẢO
Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh da liễu số 75/QĐ-BYT năm 2015.
|