4.4.1 Nghiên cứu giải pháp đã có
Khi mà chúng ta chưa có kinh nghiệm về giảng dạy trực tuyến, số lượng các giải pháp kỹ thuật đang có hiện nay có thể làm cho chúng ta bối rối. Thông thường, khởi đầu một dự án hay bắt đầu một chương trình học luôn luôn khó khăn (vạn sự khởi đầu nan). Chúng ta phải trả lời đồng thời nhiều câu hỏi khác nhau: Bắt đầu bằng cái gì? Sử dụng kỹ thuật nào cho phù hợp? Vận dụng như thế nào vào bài giảng?… Để vượt qua khó khăn ban đầu này, chúng ta có thể bắt đầu bằng việc hỏi ý kiến – kinh nghiệm của đồng nghiệp, các mô hình thành công có trong đơn vị. Và nếu cần, Internet là kho tư liệu rất lớn phục vụ hầu như tất cả các nhu cầu; vậy tại sao chúng ta không thử vận dụng ngay chính internet để tìm kiếm – tham khảo những sản phẩm đã làm bởi các đồng nghiệp khác. Một số trang web phục vụ nhu cầu tìm kiếm bài giảng như: slideshare.net, Wikipedia.com, youtube.com, uptodate.com, coursera.com …
4.4.2 Bắt đầu từ những điều đơn giản
Đối với những giảng viên chưa có nhiều kinh nghiệm soạn giáo trình cho chương trình đào tạo trực tuyến, một số điểm sau có thể hữu ích khi mới bắt đầu:
• Bắt đầu bằng những mục cơ bản trước: Đôi khi quá quan tâm sử dụng – phát triển các tính năng mới của công cụ – phần mềm, chúng ta có thể sẽ mất nhiều thời gian vào chuẩn bị và làm giảng chất lượng bài giảng. Điều quan trọng là bắt đầu bằng một kỹ thuật đơn giản và thử hoàn thiện với nó. Một khi thực hiện thành thục kỹ thuật này và học viên chấp nhận tốt, chúng ta sẽ tích hợp các kỹ thuật mới khác cao hơn, phức tạp hơn.
• Sử dụng công cụ – kỹ thuật đã thành thạo: Ví dụ nhưng chúng ta có thể bắt đầu bằng sử dụng những công cụ – kỹ thuật mà chúng ta đã được huấn luyện, đã sử dụng thành thạo trước đây.
• Thử tập luyện nhuần nhuyễn với kỹ thuật mới trước khi bắt đầu khóa học: Điều này cho phép chúng ta dự tính được hết các tình huống không mong muốn, các vấn đề kỹ thuật về xây dựng và sử dụng nội dung bài giảng. Học viên có thể sẽ gặp khó khăn khi sử dụng. Họ sẽ đặt câu hỏi với giảng viên hướng dẫn. Nếu chúng ta có thể giải quyết thấu đáo – nhanh chóng thì sẽ nâng cao hình ảnh chuyên nghiệp.
• Giới hạn số kỹ thuật – phương tiện sử dụng cho mỗi lớp: Dùng nhiều kỹ thuật trực tuyến khác nhau cùng lúc có thể làm cho học viên cảm thấy “lạc đường” và bị quá tải về công nghệ. Ví dụ như sử dụng nhiều mật khẩu khác nhau, nhiều chương trình khác nhau, nhiều tính năng đan chéo qua lại, nhiều thông tin tổng hợp trên 1 trang web, di chuyển qua lại giữa nhiều chương trình khác nhau…hoặc chỉ đơn giản là chương trình trực tuyến cho phép có nhiều hình ảnh khác nhau gây sao nhãng – mất tập trung vào nội dung bài giảng. Điểm quan trọng cần cân nhắc là chỉ sử dụng hoạt động – kỹ thuật – phương tiện nào mang lại lợi ích cho bài giảng.
4.4.3 Tập huấn sử dụng và hỗ trợ kỹ thuật
Có thể học viên ngày này đã ít nhiều tiếp xúc với công nghệ thông tin ngay trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta có thể điểm qua những ứng dụng kỹ thuật số ngày nay như điện thoại thông minh, sử dụng thư trực tuyến email, xem báo trực tuyến, đàm thoại trực tuyến… đến những ứng dụng có tính chất công việc như văn phòng ảo, ngân hàng ảo, siêu thị ảo, … Điều đó không có nghĩa là học viên luôn sử dụng thành thục chương trình đào tạo trực tuyến để phục vụ việc học tập. Với vai trò là giảng viên, chúng ta phải lưu ý một số điểm sau:
• Giải thích cho học viên hiểu vì sao chúng ta sử dụng hình thức giảng dạy trực tuyến. Việc này cần phải được thực hiện vào đầu khóa học, và lặp lại mỗi khi bắt đầu khóa học mới. Chúng ta có thể giải thích những lợi ích có được từ giải pháp đào tạo trực tuyến phục vụ cho việc học tập của học viên (xem phần lợi ích của đào tạo trực tuyến), và nêu rõ những mục tiêu học tập cần đạt.
• Giới thiệu cách thức sử dụng và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật khi cần. Chúng ta không thể giả định rằng tất cả học viên đều sử dụng công nghệ thành thạo. Do vậy, giới thiệu cách thức sử dụng chương trình – hệ thống trực tuyến cho học viên là đều không thể thiếu. Bên cạnh đó, cần cung cấp nguồn lực hỗ trợ về kỹ thuật để học viên có thể tham khảo khi cần thiết. Sử dụng hình thức diễn đàn hỏi – đáp cho phép giải quyết hiệu quả các thắc mắc kỹ thuật của học viên.
• Huy động học viên tham gia hoạt động hỗ trợ kỹ thuật trong điều kiện có thể. Học viên sẽ tham gia tích cực hơn vào bài giảng, hỗ trợ học viên khác nhanh chóng – hiệu quả hơn là đợi giảng viên.
|