Logo Xem trang đào tạo trực tuyến arrow1
space


THĂM KHÁM SỨC KHỎE SINH SẢN VÀ HƯỚNG DẪN CÁC BIỆN PHÁP TRÁNH THAI CHO VỊ THÀNH NIÊN

(Tham khảo chính: 4128/QĐ-BYT )

THĂM KHÁM SỨC KHỎE SINH SẢN CHO VỊ THÀNH NIÊN

Thăm khám cho VTN/TN nhằm 2 mục đích: giải quyết được lý do mà VTN đến cơ sở cung cấp dịch vụ và sàng lọc nhằm phát hiện sớm các bệnh lý, các vấn đề bất thường, bị lạm dụng hay có các hành vi nguy cơ.

  1. Các lý do khiến VTN tới cơ sở y tế

1.1. VTN nữ

- Phát triển khác thường về thể chất và kinh nguyệt.

- Có thai hoặc nghi ngờ có thai.

- Ra khí hư bất thường, các vết loét, sùi…

- Nhiễm khuẩn đường sinh sản.

- Bị bạo hành hoặc lạm dụng tình dục.

- Muốn được hướng dẫn phòng tránh thai và phòng tránh NKLTQĐTD.

- Có những băn khoăn, những điều muốn được giải đáp, muốn được hiểu thêm về bạn tình, về hành vi tình dục…

1.2. VTN nam

- Phát triển khác thường về thể chất.

- Thủ dâm.

- Mộng tinh, di tinh, xuất tinh sớm.

- Tiết dịch niệu đạo.

- NKLTQĐTD.

- Muốn được hướng dẫn phòng tránh thai và phòng tránh NKLTQĐTD.

- Đưa bạn tình đến phá thai/tư vấn khi mang thai, muốn được tư vấn để biết cách giải quyết các vấn đề SKSS liên quan đến bạn tình.

1.3. Một số vấn đề cơ bản cần sàng lọc

- Phát triển tâm sinh lý có phù hợp với lứa tuổi không?

- Hành vi tình dục có an toàn không? Có nguy cơ gì không?

- Có lạm dụng các chất gây nghiện không?

- Có bị lạm dụng về thể chất và tình dục không?

- Tình trạng dinh dưỡng, thị lực, bệnh lý (như lao phổi…)?

  1. Hỏi

Dựa vào lý do đến khám của VTN mà lựa chọn những câu hỏi phù hợp:

- VTN nữ: tiền sử kinh nguyệt (kinh nguyệt lần đầu, chu kỳ kinh, tính chất kinh nguyệt và dấu hiệu bất thường), tiền sử sản khoa (đã sinh đẻ, có thai, sảy thai hoặc đã đi phá thai), tiền sử phụ khoa (khí hư, tính chất khí hư, bệnh lý phụ khoa).

- VTN nam: xuất tinh (xuất tinh lần đầu, tính chất các lần xuất tinh) và những thay đổi sinh lý cơ thể.

- Những biểu hiện liên quan đến hội chứng NKĐSS.

- Tiền sử tình dục và hôn nhân: quan hệ tình dục, số bạn tình, biện pháp tránh thai, tình trạng hôn nhân, xâm hại tình dục, kiến thức, thái độ và hành vi tình dục.

- Tiền sử tâm lý-gia đình-xã hội: thông tin về nơi ở, gia đình và nhà trường, sử dụng chất gây nghiện, trầm cảm hoặc stress, bạo hành trong gia đình, tiền sử sức khỏe của gia đình (cha, mẹ, anh, chị, em), quan hệ bạn bè.

  1. Các biện pháp làm giảm căng thẳng khi khám thực thể cho VTN

- Giải thích tại sao việc khám thực thể lại cần thiết.

- Giải thích những việc cần làm trước mỗi bước khám.

- Đảm bảo sự kín đáo khi khám thực thể. Bộc lộ tối thiểu các bộ phận cần khám.

- Làm yên lòng VTN rằng các kết quả khám sẽ được giữ bí mật.

- Duy trì việc giao tiếp giữa người cung cấp dịch vụ và VTN để tạo dựng niềm tin. Giảm căng thẳng và lo sợ của VTN khi nhìn thấy các dụng cụ y tế hoặc nghe thấy các tiếng động gây ra do dụng cụ bằng cách giải thích về các dụng cụ, che phủ các dụng cụ y tế một cách tối đa, nhẹ nhàng trong thao tác…

- Luôn động viên, an ủi VTN trong suốt thời gian khám.

- Cần được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ VTN trước khi thăm khám.

- Nếu có thể, hãy phân công người khám cùng giới với VTN hoặc đảm bảo có một người cùng giới ở cùng phòng lúc tiến hành khám, đặc biệt nếu người cung cấp dịch vụ là nam giới khám cho VTN nữ.

- Nếu có thể, khu vực khám cho VTN nên trang trí nhẹ nhàng, màu sắc thân thiện, có nhạc nhẹ… để giảm căng thẳng của VTN khi nhận dịch vụ.

  1. Khám thực thể vị thành niên nữ

4.1. Trình tự khám

- Quan sát toàn thân, đo chiều cao, cân nặng để đánh giá sự phát triển cơ thể phù hợp lứa tuổi. Tính chỉ số BMI để sàng lọc béo phì và suy dinh dưỡng; quan sát và thăm khám tuyến giáp nếu có thể.

- Khám vú (khi cần thiết), quan sát bộ phận sinh dục ngoài: âm hộ, môi lớn, môi bé, màng trinh, tính chất khí hư…

- Thăm khám âm đạo và đặt mỏ vịt chỉ thực hiện khi có yêu cầu chẩn đoán (nghi ngờ có thai hoặc NKLTQĐTD), được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ và của VTN. Nếu không đồng ý, cần giải thích lý do và gợi ý có thể thay bằng thăm trực tràng.

4.2. Cận lâm sàng

- Nghi có thai: thử hCG nước tiểu hoặc siêu âm.

- Siêu âm trong các trường hợp cần xác định sự phát triển bình thường hay bất thường của hệ sinh sản (tử cung, buồng trứng..)

- Khí hư: soi tươi, nhuộm Gram.

- Thiếu máu: định lượng huyết sắc tố.

4.3. Xử trí

- Tư vấn, giải thích cho VTN tình trạng sức khỏe hiện tại, cách điều trị và dự phòng.

- Nếu có rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh: xem bài “Kinh nguyệt và xuất tinh ở vị thành niên”.

- Nếu có thai: xem bài “Mang thai ở VTN/TN”.

- Nếu có tiết dịch, các vết loét, sùi sinh dục: xem phần VI “NKĐSS và nhiễm khuẩn LTQĐTD”.

  1. Thăm khám VTN nam

5.1. Trình tự khám

- Quan sát toàn thân, đo chiều cao, cân nặng để đánh giá sự phát triển cơ thể phù hợp lứa tuổi.

- Thăm khám bộ phận sinh dục chỉ thực hiện khi có yêu cầu chẩn đoán và phải được sự đồng ý của VTN.

- Khám bộ phận sinh dục: tinh hoàn, dương vật, lông mu và khám hậu môn khi cần thiết.

5.2. Cận lâm sàng

- Xét nghiệm chất tiết niệu đạo.

- Siêu âm tinh hoàn, tiền liệt tuyến và các xét nghiệm khác (nếu cần).

5.3. Xử trí

- Tư vấn, giải thích cho VTN tình trạng sức khỏe hiện tại của họ, cách điều trị và dự phòng.

- Tiết dịch niệu đạo, các vết loét, sùi sinh dục: xem phần VI “NKĐSS và nhiễm khuẩn LTQĐTD”.

- Điều trị nhiễm khuẩn khi bị viêm bao quy đầu.

- Các bất thường khác: chuyển tuyến hoặc chuyển chuyên khoa thích hợp.

 

CÁC BIỆN PHÁP TRÁNH THAI CHO VỊ THÀNH NIÊN VÀ THANH NIÊN

Hầu hết các BPTT đều có thể sử dụng an toàn và hiệu quả đối với VTN/TN. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng các BPTT thường thấp hơn so với người trưởng thành bởi vì VTN/TN thường hay quên, hay giấu diếm sợ người khác biết, thường không chủ động khi sử dụng BPTT, lo ngại về các tác dụng phụ của BPTT…

  1. Một số điểm cần lưu ý khi cung cấp biện pháp tránh thai cho VTN/TN

- Khi cung cấp một BPTT cho VTN/TN, cần cung cấp thông tin về các BPTT dự phòng khác.

- Những tác dụng phụ của các BPTT đối với VTN/TN cần được tư vấn kỹ hơn.

- VTN/TN thường hay quên, không uống thuốc đều đặn, vì thế cần hướng dẫn cách thức uống thuốc để khỏi quên.

- VTN/TN thường ngại sử dụng BPTT và có niềm tin sai lầm rằng họ không thể mang thai trong lần quan hệ đầu tiên.

- VTN/TN thường hiểu lầm về ảnh hưởng của các BPTT đến sức khỏe.

- VTN/TN thường khó hoặc ngại thảo luận với bạn tình về việc sử dụng BPTT, do vậy cần hỗ trợ họ cả những kỹ năng sống như kỹ năng thương thuyết với bạn tình, kỹ năng từ chối… để lựa chọn và sử dụng BPTT phù hợp và hiệu quả.

  1. Các biện pháp tránh thai cho VTN/TN

2.1. Kiêng giao hợp (tình dục không xâm nhập)

Là thực hiện các hành vi tình dục mà không có sự tiếp xúc giữa dương vật và âm đạo. Nếu chỉ có sự va chạm bên ngoài giữa dương vật và âm hộ thường sẽ không có thai, nhưng vẫn có nguy cơ mắc một số NKLTQĐTD bao gồm cả HIV.

2.2. Bao cao su

- Là biện pháp thích hợp với VTN/TN vì vừa phòng tránh thai vừa phòng tránh NKLTQĐTD. Có hai loại bao cao su (BCS) tránh thai dành cho nam và nữ.

- VTN/TN nữ thường khó chủ động thuyết phục bạn tình sử dụng BCS, vì vậy cần tuyên truyền vận động VTN/TN nam chủ động sử dụng BCS.

- Tham khảo bài “Bao cao su”, phần KHHGĐ.

2.3. Viên thuốc uống tránh thai kết hợp

- Là biện pháp tránh thai phù hợp với VTN/TN có quan hệ tình dục nhưng không có nguy cơ mắc NKLTQĐTD.

- Hiệu quả cao nếu sử dụng đúng, giúp kinh nguyệt đều và giảm đau bụng kinh, giảm mụn trứng cá… là những biểu hiện thường gặp ở tuổi VTN/TN.

- Do phải uống thuốc hàng ngày, VTN/TN thường ngại vì gia đình có thể nhìn thấy vỉ thuốc.

- Tham khảo bài “Viên thuốc tránh thai kết hợp”, phần KHHGĐ.

2.4. Viên thuốc uống tránh thai chỉ có progestin

- Sử dụng cho VTN/TN đã có con và đang cho con bú hoặc có chống chỉ định sử dụng loại thuốc có estrogen.

- Tham khảo bài “Viên thuốc tránh thai chỉ có progestin”, phần KHHGĐ.

2.5. Thuốc tránh thai khẩn cấp

- Là thuốc sử dụng sau lần quan hệ tình dục không được bảo vệ trong vòng 5 ngày, càng uống sớm hiệu quả càng cao.

- Phù hợp cho VTN/TN có quan hệ tình dục không được bảo vệ, là BPTT đường uống duy nhất có thể sử dụng sau khi đã có quan hệ tình dục.

- Tham khảo bài “Biện pháp tránh thai khẩn cấp”, phần KHHGĐ.

2.6. Dụng cụ tránh thai trong tử cung

- Là biện pháp tránh thai sử dụng cho VTN/TN đã sinh con và có nhu cầu tránh thai lâu dài. Không nên áp dụng cho VTN có nhiều bạn tình, VTN/TN có nguy cơ cao mắc các NKLQĐTD.

- Cần thực hiện ở cơ sở y tế, chỉ sử dụng được cho VTN/TN đã sinh con.

- Tham khảo bài “Dụng cụ tránh thai trong tử cung”, phần KHHGĐ.

2.7. Thuốc tiêm và thuốc cấy tránh thai

- Áp dụng cho VTN/TN có nhu cầu tránh thai thường xuyên và lâu dài.

- Tham khảo bài “Thuốc tiêm tránh thai” và “Thuốc cấy tránh thai”, phần KHHGĐ.

2.8. Biện pháp tránh thai tự nhiên (tính vòng kinh, xuất tinh ngoài âm đạo).

- Hiệu quả thấp, đặc biệt ở lứa tuổi VTN/TN (vì kinh nguyệt của VTN/TN thường không đều, quan hệ tình dục khó chủ động…).

- Không phòng tránh được NKLTQĐTD.

- Tham khảo bài “Các biện pháp tránh thai truyền thống (tự nhiên)”, phần KHHGĐ.

  • Sử dụng kháng sinh trong sản khoa
  • CHĂM SÓC TRƯỚC KHI CÓ THAI VÀ TRƯỚC KHI SINH TƯ VẤN, CHĂM SÓC TRƯỚC KHI CÓ THAI
  • Hỏi bệnh đối với thai phụ
  • Khám toàn thân cho thai phụ
  • Khám sản khoa
  • Giáo dục sức khỏe trong thai kỳ
  • Ghi chép sổ khám thai
  • Dặn dò sau khám thai
  • Tư vấn cho phụ nữ có thai
  • TƯ VẤN CHO SẢN PHỤ TRONG CHUYỂN DẠ VÀ NGAY SAU ĐẺ
  • Chẩn đoán chuyển dạ
  • KỸ NĂNG SỐNG LIÊN QUAN ĐẾN SỨC KHỎE SINH SẢN/SỨC KHỎE TÌNH DỤC CỦA VỊ THÀNH NIÊN VÀ THANH NIÊN
  • TÌNH DỤC AN TOÀN VÀ ĐỒNG THUẬN
  • KINH NGUYỆT VÀ XUẤT TINH Ở VỊ THÀNH NIÊN
  • Mãn dục nam
  • CHĂM SÓC TRƯỚC SINH
  • Quản lý thai
  • Đái tháo đường thai kỳ
  • Bệnh lý lành tính tuyến vú
  • U xơ tử cung
  • space
    Tài liệu đào tạo liên tục
    1-hình 1
    2.3. Cận lâm sàng

    5186/QĐ-BYT.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    Phù phổi cấp huyết động

    DỰ ÁN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NHÂN LỰC Y TẾ PHỤC VỤ CẢI CÁCH HỆ THỐNG Y TẾ.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    Tình huống 2

    ICPC.....(xem tiếp)

    Kiến thức nhanh
    NÁM DA (MELASMA, CHLOASMA)
    Quy định danh mục trang thiết bị tối thiểu của trạm y tế tuyến xã
    chẩn đoán và điều trị bệnh chlamydia trachomatis
    

    Phụ trách admin BS Trần Cao Thịnh Phước (phuoctct@pnt.edu.vn)

    Phụ trách chuyên môn TS Võ Thành Liêm (thanhliem.vo@gmail.com)

    space