Logo Xem trang đào tạo trực tuyến arrow1
space


Ung thư

(Tham khảo chính: Võ Thành Liêm )

Cấu trúc phôi thai học buồng trứng giúp hiểu rõ và vận dụng vào phân loại các khối u buồng trứng. Khối u buồng trứng được chia thành hai nhóm cấu trúc: U có cấu trúc cơ năng và U có cấu trúc tân sinh (Ung thư buồng trứng – UTBT). Các cấu trúc cơ năng của buồng trứng bao gồm: u nang noãn, nang hoàng thể, nang hoàng tuyến… Các cấu trúc tân sinh của buồng trứng được phân loại dựa trên cấu trúc phôi thai học. Phân loại như vậy giúp hệ thống hóa các tân sinh cũng như hiểu rõ bản chất phôi thai và tiên lượng của chúng. Sự phân loại bao gồm 3 nhóm chính:

Các khối u xuất phát từ thượng mô khoang cơ thể và mô đệm.
Các khối u xuất phát từ mô đệm sinh dục chuyên biệt.
Các khối u có nguồn gốc từ tế bào mầm.
Ngoài ra, một khối u buồng trứng còn có nguồn gốc từ:

Các khối u xuất phát từ trung mô
Các khối u di căn tới buồng trứng
 

 

Giải phẫu bệnh học: Bệnh lý buồng trứng

Hình 1.4. Phân loại u tân sinh buồng trứng

(Nguồn: https://healthvietnam.vn/thu-vien/tai-lieu-tieng-viet/san-phu-khoa/bai-giang-phoi-thai-hoc-va-mo-hoc-cua-buong-trung)

Dịch tễ học
Ở các nước phát triển, tỷ lệ UTBT ghi nhận có cao hơn so với các nước đang phát triển, tỉ lệ tử vong chiếm 5%, đứng hàng thứ 5 trên tổng tử vong chung ở phụ nữ do ung thư trên toàn thế giới10. Tỉ lệ mắc ung thư buồng trứng ở Mỹ trong khoảng thời gian 2013 – 2017 là 10,9 trên 100.000 dân, còn tỉ lệ tử vong là 6,7 trên 100.000 dân, có nghĩa là hơn phân nữa những bệnh nhân mắc ung thư buồng trứng sẽ tử vong. Ung thư buồng trứng chủ yếu được phát hiện ở phụ nữ lớn tuổi, theo thống kê hơn một nữa phụ nữ mắc ung thư buồng trứng được chẩn đoán khi ở độ tuổi lớn hơn 632. Tại Hoa Kỳ, theo số liệu mới nhất của trung tâm số liệu ung thư thì năm 2021 đã xuất hiện thêm 21.410 ca mắc mới, trong đó đã có 13.770 trường hợp tử vong.

Tại Việt Nam, theo kết quả ghi nhận quần thể ung thư của Trung Tâm Ung Bướu năm 1997 tại TP.HCM có 4.448 trường hợp ung thư mới được chẩn đoán, trong đó UTBT là 1 trong 10 loại ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ (đứng hàng thứ 9 với tỉ lệ mắc mới chuẩn theo tuổi là 2,9/100.000 người. Trong khi đó đến năm 2000, xuất độ UTBT tại TP.HCM là 3,7 trên 100.000 người và tại Hà Nội là 4,4 trên 100.000 người. Theo số liệu GLOBOCAN 2020 tại Việt Nam, hằng năm có hơn 925 ca tử vong mới do UTBT, nếu tính trong 5 năm gần nhất thì tỷ lệ hiện mắc trên 100.000 người là 7,121.

Yếu tố nguy cơ
Tuổi
Nhóm tuổi có nguy cơ mắc UTBT nhiều nhất là 60 – 65 tuổi, kế đến là nhóm tuổi 75 – 79, ngoài ra mãn kinh muộn cũng làm tăng nguy cơ UTBT.11

Yếu tố nội tiết và tiền căn sản phụ khoa11
Có những thống kê và nghiên cứu cho thấy UTBT có liên quan đến các yếu tố nội tiết và tiền căn sản phụ khoa của bệnh nhân như sau:

Đá số các phụ nữ từng mang thai có nguy cơ mắc UTBT thấp hơn hẳn phụ nữ chưa từng mang thai trước đó.

Dậy thì sớm hoặc mãn kinh muộn cũng là một yếu tố nguy cơ của UTBT.

Dùng một số loại thuốc hỗ trợ sinh sản như kích thích hiện tượng rụng trứng, đặc biệt ở những phụ nữ sử dụng kéo dài.

Sử dụng thuốc tránh thai: một số công trình nghiên cứu cho thấy các loại thuốc tránh thai dạng uống cũng làm giảm nguy cơ mắc UTBT. Các phụ nữ thường xuyên sử dụng các loại thuốc tránh thai đường uống có nguy cơ mắc bệnh giảm đi một nữa so với nhóm còn lại.

Ngoài ra, đặc biệt là trên những phụ nữ thường xuyên mắc bệnh viêm nhiễm đường sinh dục kéo dài thì khả năng mắc UTBT cao hơn hẳn so với các phụ nữ khác11.

Cân nặng và chế độ dinh dưỡng
Ở những phụ nữ béo phì thì nguy cơ mắc bệnh UTBT cao hơn so với các phụ nữ khác do có liên quan đến việc sinh sản một số nội tiết sinh dục có nguồn gốc steroid. Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác về lối sống như hút thuốc lá hoặc chế độ ăn nhiều chất béo cũng làm tăng nguy cơ mắc UTBT11.

Môi trường
Yếu tố phơi nhiễm phóng xạ cũng được nhắc đến như là một yếu tố nguy cơ dẫn đến UTBT. Nhiễm các loại vi sinh vật, virus có liên quan đến UTBT đã được nhắc đến trong nhiều nghiên cứu nhưng chưa có những bằng chứng rõ ràng.11

Yếu tố di truyền
Yếu tố nguy cơ đặc trưng nhất của UTBT là có sự thay đổi về di truyền của 1 hoặc 2 gen được gọi là gen liên quan ung thư vú BRCA1 và BRCA212. Những gen này ban đầu được xác định ở những gia đình có nhiều trường hợp mắc ung thư vú, đó là lý do chúng được đặt tên như thế, nhưng chúng cũng có mặt ở 5 – 10% ung thư buồng trứng13.

Một bệnh di truyền khác cũng liên quan đến khả năng UTBT đó chính là hội chứng ung thư đại trực tràng di truyền không đa polyp. Những cá thể trong gia đình có hội chứng này tăng nguy cơ bị các loại ung thư khác như ung thư buồng trứng, nội mạc tử cung, dạ dày…13

Phân loại giai đoạn ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng được xếp giai đoạn theo Liên đoàn Sản Phụ Khoa Quốc Tế FIGO. Trong đó UTBT khi được chẩn đoán có thể ở 4 giai đoạn khác nhau, trong 4 giai đoạn lớn còn được chia thành nhiều phân đoạn nhỏ hơn tùy thuộc vào mức độ lan rộng và di căn của khối u14.

Phân loại mô học u buồng trứng theo Tổ chức Y Tế Thế Giới WHO15
Trong nghiên cứu của chúng tôi sử dụng tiêu chuẩn phân biệt lành tính và ác tính của khối u BT dựa vào bảng phân loại mô học u BT theo tổ chức Y Tế Thế Giới WHO được trình bày ở bảng 1.1.

 

 

Bảng 1.1. Phân loại mô học u buồng trứng theo Tổ chức Y Tế Thế Giới WHO

Phân loại

Lành tính

Ác tính

Biểu mô

U dịch trong

U dịch nhầy

U Brenner lành tính

U tế bào sáng

U tế bào gai

Ung thư biểu mô tuyến dịch trong

Ung thư biểu mô tuyến dịch nhầy

U Brenner ác tính

Ung thư tế bào sáng

Ung thư biểu mô kém biệt hóa

U dịch trong giáp biên ác

U dịch nhầy giáp biên ác

Ung thư dạng nội mạc tử cung

Carcinoma không rõ loại

Tế bào mầm

U quái trưởng thành

U quái giáp

U quái không trưởng thành

U nghịch mầm

U xoang nội bì

Ung thư biểu mô phôi

Mô đệm – sinh dục

U hạt – vỏ bào lành tính

U xơ buồng trứng

U tế bào Sertoli và Leydig

U hạt – vỏ bào ác tính

U tế bào Sertoli và Leydig ác tính

    1. Chẩn đoán lâm sàng

 

 

Do vị trí giải phẫu của buồng trứng nằm sâu trong khối xương chậu nên khi ở một số giai đoạn sớm của bệnh các triệu chứng thường xuất hiện khá mờ nhạt, không đặc trưng dẫn đến việc chẩn đoán nhầm hoặc bỏ sót. Khi bệnh tiến triển hoặc đến giai đoạn muộn các triệu chứng và rõ ràng và điển hình hơn.

Hiện nay một số dấu hiệu lâm sàng chung của bệnh ung thư buồng trứng đã được liệt kê rất rõ ràng:

Đau bụng hoặc đau bụng vùng hạ vị
Ăn không tiêu và cảm thấy đầy hơi
Thường xuyên hoặc cảm thấy phải đi tiểu, táo bón
Mệt mỏi, suy nhược cơ thể
Thay đổi nhu động ruột
Loạn kinh nguyệt


Hình 1.5. Các giai đoạn ung thư buồng trứng

(Nguồn: https://vnexpress.net/ung-thu-buong-trung-4430721.html)

Có thể dễ dàng nhận ra các triệu chứng trên đều không đặc hiệu và có thể dễ dàng gặp ở các bệnh lý khác dẫn đến việc ung thư buồng trứng không được chẩn đoán sớm. Đôi khi một số trường hợp ung thư buồng trứng cũng có thể được phát hiện sớm qua việc thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc tự phát hiện ra khi sờ thấy khối u. Mặc dù xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào nhưng trong chẩn đoán ung thư buồng trứng và thăm khám lâm sàng thì thăm khám âm đạo là thăm khám chủ yếu, nó cho phép chúng ta xác định vị trí u buồng trứng bên cạnh đó rất khó đánh giá tính chất lành hay ác tính của UBT chỉ qua thăm khám lâm sàng trừ khi đã có dấu hiệu rõ ràng của xâm lấn vùng chậu hoặc di căn xa. Vì vậy cần được khẳng định bằng các xét nghiệm cận lâm sàng bổ sung.

Cận lâm sàng
Các phương pháp hình ảnh được dùng cho khảo sát và đánh giá khối u buồng trứng gồm:

Siêu âm
Cộng hưởng từ­hạt nhân
CT scan và các phương tiện tương tự
Siêu âm
Siêu âm cung cấp chi tiết về các đặc điểm hình ảnh học của khối u tuy nhiên siêu âm không thể cung cấp các nhận định về mô bệnh học của khối u đó. Siêu âm có thể được thực hiện qua ngả bụng hay qua ngả âm đạo. Siêu âm thực hiện qua ngả bụng sử dụng sóng âm có tần số thấp nên có tầm quan sát rộng, cho phép có được nhận định tổng quát về vùng chậu, đánh giá được các khối u rất to, và đánh giá sự lan tràn của ung thư trong khoang phúc mạc. Siêu âm thực hiện qua đường âm đạo sử dụng sóng âm tần số cao, cung cấp hình ảnh có độ phân giải cao, cho phép đánh giá chi tiết cấu trúc u và giúp đánh giá khả năng lành tính của khối u là cao hay thấp. Hạn chế của siêu âm đường âm đạo là phạm vi quan sát bị giới hạn. Trong phần lớn các trường hợp với kích thước u nhỏ hay trung bình, người ta dùng siêu âm qua đường âm đạo để khảo sát và phân loại hình ảnh học một cách chi tiết.

Các đặc điểm có ý nghĩa, và thường được dùng khi siêu âm là:

Cấu trúc dạng nang hay dạng đặc
Tính chất của phản âm bên trong
Các cấu trúc vách và chồi
Tính chất tưới máu
The Radiology Assistant : Roadmap to evaluate ovarian cysts

Hình 1.6. U buồng trứng trên siêu âm

(Nguồn: https://radiopaedia.org/articles/ovarian-cyst)

Các mô tả hình ảnh phải nói được tất cả các tính chất căn bản này của khối u. Hình ảnh có được sẽ được dùng để phân định khả năng lành tính của u. Nhiều hệ thống phân loại hình ảnh được đưa ra, với các thông số giá trị gần như tương đồng. Việc chọn một hệ thống phân loại hình ảnh nào đó tùy thuộc vào cơ sở y tế quen thuộc với hệ thống phân loại nào.

CT scan - Chụp X­quang điện toán cắt lớp
So với siêu âm, giá trị dự báo ung thư của X­quang thấp hơn. X­quang điện toán cắt lớp là một khảo sát không bắt buộc, được chỉ định khi muốn đánh giá các yếu tố: (1) tổn thương trong bối cảnh đã lan tràn ở vùng chậu và (2) cấu trúc tổn thương và mối liên quan với cơ quan vùng chậu. X­quang điện toán cắt lớp cũng có thể có hữu ích khi được chụp có thuốc cản quang. Độ nhạy của CT-scan trong đánh giá nguy cơ ác tính u buồng trứng là 81% (KTC 95%: 73-85), độ đặc hiệu 87% (KTC 95%:91-94)16.

Cộng hưởng từ (MRI - Magnetic Resonance Imaging)
Tương tự như X­quang, MRI là một khảo sát không bắt buộc, được chỉ định khi muốn đánh giá các yếu tố: (1) tổn thương trong bối cảnh của một bệnh lý đã lan tràn ở vùng chậu, và (2) khảo sát cấu trúc tổn thương và mối liên quan với cơ quan vùng chậu. MRI có hiệu quả trong mục tiêu (1) mô tả các các khối u vùng bụng rất nhỏ, (2) giúp xác định vị trí khối u, cũng như khả năng dính vào các cơ quan xung quanh, và (3) các tổn thương di căn hoặc chèn ép.

SciELO - Brasil - Benign ovarian lesions with restricted diffusion Benign  ovarian lesions with restricted diffusion

Hình 1.7. Hình ảnh khối u buồng trứng trên MRI

(Nguồn: https://radiopaedia.org/articles/ovarian-cyst-2)

Độ nhạy của MRI trong đánh giá nguy cơ ác tính u buồng trứng là 81% (KTC 95%: 77-84), độ đặc hiệu 98% (KTC 95%:97-99)16.

Dấu ấn sinh học bướu
HE4 - Human Epididymis secretory protein 4
HE4 (Human Epididymis secretory protein 4) là protein mào tinh người, nó là glycoprotein có trọng lượng phân tử 11 kD. Chất chỉ điểm HE4 ban đầu được biết đến như là đặc hiệu cho mào tinh hoàn. Những phát hiện gần đây cho thấy HE4 có nồng độ thấp trong biểu mô tế bào đường hô hấp và sinh sản, nhưng HE4 hiện diện với nồng độ cao trong mô ung thư buồng trứng.

Trước đây, một trong những xét nghiệm được tin cậy trong chẩn đoán UBT nói chung và UTBT nói riêng chính là định lượng nồng độ CA-125 trong huyết thanh. Mặc dù được sử dụng khá phổ biến song CA-125 bị hạn chế trong chẩn đoán phân biệt u lành tính/ ác tính cũng như vị trí nguyên phát của ung thư và độ nhạy thấp của CA-125 đã thúc đẩy những nỗ lực tích cực trong việc tìm kiếm dấu ấn sinh học có độ nhậy và độ đặc hiệu cao hơn nhằm cải thiện hiệu quả của công tác điều trị. Việc phát hiện ra dấu ấn HE4 cho thấy có nhiều ưu điểm hơn so với CA-125 trong chẩn đoán và xác định nguy cơ của các UBT7. HE4 lần đầu tiên được tác giả Kirchhoff xác định và giới thiệu khi sàng lọc cDNA của mô mào tinh của người17. Galgano đã phân tích mô hình biểu hiện HE4 trong các mô của người bình thường và bị bệnh ác tính bằng phương pháp microarray cDNA cho thấy HE4 thể hiện ở mức tương đối cao trong khí quản và tuyến nước bọt, tuyến tiền liệt, nội mạc tử cung và vú7. HE4 ít hoặc không biểu hiện ở ruột kết, buồng trứng, gan, nhau thai, các tế bào máu ngoại vi và cơ xương bình thường. HE4 là một trong những gen bộc lộ thường xuyên nhất trong ung thư biểu mô buồng trứng.13

Năm 1999, Shummer và cộng sự chứng minh HE4 tăng cao trong UTBT. Đến năm 2003, Hellstrom và cộng sự tìm thấy HE4 trong huyết thanh của bệnh nhân UTBT. Moore và cộng sự năm 2008 đã chứng minh HE4 là xét nghiệm giúp phát hiện UTBMBT ở giai đoạn sớm. Kể từ đó, HE4 được ứng dụng rất nhiều trong công tác chẩn đoán và điều trị UBT nói chung và UTBT nói riêng. HE4 sản sinh nhiều trong UTBT có mô học dạng thanh dịch 93%, 100% ở dạng nội mạc tử cung, 50% ở tế bào sáng, UTBT tế bào mầm hay mô đệm - sinh dục hiếm khi sản sinh HE4. HE4 tăng cả ở giai đoạn sớm cũng như giai đoạn muộn nhưng xét nghiệm này có độ nhạy cao trong đánh giá nguy cơ ác tính trước phẫu thuật. Ngoài vai trò tiên lượng UTBMBT, HE4 còn được dùng để theo dõi diễn tiến và sự tái phát của bệnh giống như CA-125. Hynninen và cộng sự khảo sát thấy trong UTBT tái phát HE4 tăng 5-8 tháng trước khi CA-125 tăng18.

Bình thường ở phụ nữ, HE4 có giá trị như sau19:

<40 tuổi: <60,5 pmol/L
40 – 49 tuổi: <76,2 pmol/L
50 – 59 tuổi: <74,3 pmol/L
60 – 69 tuổi: < 82,9 pmol/L
>70 tuổi: < 104 pmol/L
Ngoài ra còn sử dụng giá trị HE4 và CA-125 định lượng được để tính PI (Chỉ số tiên đoán) và chỉ số ROMA (Xác suất tiên đoán) để phân tầng nguy cơ cho người bệnh. Nghiên cứu năm 2020 trên 1.590 phụ nữ đã mãn kinh tại Mỹ cho thấy độ nhạy của HE4 nếu chỉ dùng riêng lẻ để chẩn đoán UTBT là 74,4% tại độ đặc hiệu 90%. Độ nhạy của HE4 tăng tỉ lệ thuận đối với mức độ tiến xa của bệnh.19

Kết quả xét nghiệm không bị ảnh hưởng khi có các yếu tố sau đây:

Huyết thanh vàng: Bilirubin < 66 mg/dL hay 1.130 µmol/L.
Tán huyết: Hemoglobin <1 g/dl.
Huyết thanh đục: Triglyceride < 2.000 mg/dl.
Biotin <50 ng/ml. trường hợp người bệnh sử dụng Biotin với liều > 5mg/ngày cần lấy máu xét nghiệm ít nhất 8h sau khi sử dụng Biotin lần cuối.
Không có hiệu ứng “high-dose hook” (Hiệu ứng mẫu bệnh phẩm có nồng độ cao) khi nồng độ sFlt-1 tới 40.000 pmol/L.
RF <1.500 IU/mL
CA-125 (Cancer Antigen 125)
CA-125 là một glycoprotein, được phát hiện bởi một kháng thể đơn dòng, là dấu sinh học quan trọng trong chẩn đoán UTBT, có khối lượng phân tử lớn hơn 200 kDa. CA-125 được chứng minh là có vai trò trong sinh ung thư, trong sự phát triển và di căn của khối u với một vài cơ chế khác nhau. Trong mô bào thai, CA-125 được biểu hiện ở biểu mô màng ối, khoang phôi và ống Muller. Ở mô trưởng thành CA-125 được thể hiện chủ yếu ở các tế bào trung mô và trên bề mặt của các tế bào biểu mô của ống dẫn trứng, các tế bào nội mạc tử cung và nội mạc tử cung. CA-125 cũng được tìm thấy với số lượng nhỏ ở các biểu mô khác như biểu mô tuyến tụy, đại tràng, đường mật, dạ dày, tuyến mồ hôi và tuyến vú. CA-125 có thể phát hiện 50% bệnh nhân UTBT giai đoạn I, nếu kết hợp CA-125 với siêu âm qua ngã âm đạo hoặc theo dõi diễn tiến của CA-125 có thể làm tăng độ đặc hiệu của xét nghiệm này.

CA-125 quan trọng trong việc đánh giá đáp ứng của bệnh nhân sau phẫu thuật, sau hóa trị hoặc xạ trị cũng như tình trạng phục hồi và tái phát của bệnh, tuy nhiên CA-125 không giúp phát hiện sớm sự tái phát của bệnh vì thế không giúp tiên lượng sống lâu sau điều trị. Về độ nhạy lâm sàng, mức độ CA-125 huyết tương tăng ở khoảng 80% số phụ nữ bị UTBT và tăng tỷ lệ thuận với tiến trình phát triển của bệnh lý ung thư. CA-125 có độ đặc hiệu lâm sàng (nghĩa là ≤ 35 U/mL) là 99% đối với người khỏe mạnh bình thường, 83% đối với người bị viêm phần phụ, 92% đối với người bị khối u buồng trứng lành tính. Mức độ CA-125 có sự liên quan đến kích thước khối u: mức độ CA-125 có thể bình thường khi khối u nhỏ còn nhỏ (<1cm), mức độ > 65U / mL thường gặp khi khối u lớn > 2cm. Ở phụ nữ sau mãn kinh có một khối sờ thấy phần phụ và mức độ CA-125 > 65 U / mL có giá trị dự đoán dương tính đối với UTBT là > 95%.

Mức độ CA-125 cũng có thể được sử dụng để tiên lượng ung thư buồng trứng: tiên lượng liên quan đến cả mức độ CA-125 ban đầu và sau điều trị. Mức độ CA-125 trước phẫu thuật > 65 U / mL cho thấy một tiên lượng xấu. Mức độ CA-125 cao dai dẳng sau hóa trị chỉ ra một tiên lượng xấu. Nếu mức độ CA-125 ≤10 U/mL sau 3 đợt điều trị, thời gian sống sót trung bình là 5 năm, nhưng nếu mức độ CA-125 ≥100 U/mL thì thời gian sống sót trung bình chỉ còn là 7 tháng20.

Chỉ số ROMA và Copenhagen
Chỉ số ROMA
ROMA là viết tắt của từ Risk of Ovarian Malignancy Algorithm có nghĩa là Thuật toán nguy cơ ác tính, đây là sự kết hợp của 2 xét nghiệm bao gồm nồng độ của HE4 và CA-125 huyết thanh, cùng với tình trạng hoạt động kinh nguyệt, từ đó người ta có thể ước tính hoặc đánh giá được nguy cơ mắc UTBT ở phụ nữ. HE4 tăng trong UTBT và tăng sớm hơn CA-125.19,21,22

Tính chỉ số nguy cơ PI theo công thức:

Trước mãn kinh: PI = -12,0 + 2,38 x LN[HE4] + 0,0626 x LN[CA-125]
Sau mãn kinh: PI = -8,09 + 1,04 x LN[HE4] + 0,732 x LN[CA-125]
Tính ROMA value theo công thức:

ROMA (%) = exp(PI) / [1 + exp(PI)] x 100

Nếu các giá trị nồng độ huyết thanh CA-125 và HE4 được xác định bằng hệ thống Cobas 6000 của hãng Roche đang sử dụng tại BV Từ Dũ thì có thể phân tầng nguy cơ cho người bệnh dựa vào ROMA như sau:

Phụ nữ trước mãn kinh

Giá trị ROMA ≥ 11,4 % = nguy cơ cao ung thư buồng trứng.
Giá trị ROMA < 11,4 % = nguy cơ thấp ung thư buồng trứng.
Phụ nữ sau mãn kinh

Giá trị ROMA ≥ 29,9 % = nguy cơ cao ung thư buồng trứng.
Giá trị ROMA < 29,9 % = nguy cơ thấp ung thư buồng trứng.
Chỉ số Copenhagen (CPH-I)
Chỉ số Copenhagen (CPH-I) là một thuật toán dựa vào nồng độ HE4, CA-125 huyết thanh và tuổi của bệnh nhân. Năm 2015 tác giả Karlsen và cộng sự8 với mục đích phát triển và tìm ra một chỉ số dựa trên dấu ấn sinh học bướu để tối ưu hóa việc chẩn đoán và đánh giá UBT trước phẫu thuật, kết quả của nghiên cứu đó chính là chỉ số CPH-I. Bên cạnh đó mục đích nhóm nghiên cứu còn muốn so sánh giá trị của thuật toán mới được phát triển và các chỉ số đã ra mắt trước đó như RMI (Risk Malignancy Index) hay ROMA. Trải qua phân tích số liệu từ 2.665 bệnh nhân có UBT cần được phẫu thuật, kết quả nghiên cứu cho thấy thuật toán tính chỉ số CPH-I có độ nhạy lên tới 78,4% tại độ đặc hiệu 95% khi chọn điểm cắt là 0,07 tương ứng với 7%, lúc này diện tích dưới đường cong ROC đạt đến 0,96 - đây là một mức rất tốt đối với một xét nghiệm cận lâm sàng chẩn đoán. Từ đó tác giả đề nghị mức 7% được xem là điểm cắt tiêu chuẩn trên lâm sàng. Điểm đặc biệt của chỉ số CPH-I đó chính là dựa vào CA-125, HE4 và tuổi của bệnh nhân, không phải là tình trạng mãn kinh của ROMA hay hình ảnh siêu âm của RMI8. Chỉ số này đã được tái xác định độ hiệu quả qua hơn tám nghiên cứu quốc tế và cho thấy kết quả đầy hứa hẹn đối với đánh giá độ ác tính của khối UBT. Tuy nhiên, có hai vấn đề quan trọng liên quan đến các nghiên cứu xác thực chỉ số CPH-I cần phải được giải quyết, đó chính là:

Nhóm nghiên cứu đoàn hệ tiến cứu chưa bao gồm những phụ nữ có khối UBT dạng giáp biên ác, U di căn buồng trứng và UTBT không phải biểu mô.
Các nghiên cứu đánh giá CPH-I chưa phải là các nghiên cứu đoàn hệ tiến cứu lớn.
Công thức tính CPH-I như sau:

CPH-I = -14.0647 + 1.0649 x log2(HE4) + 0.6050 x log2(CA125) + 0.2672 x (Tuổi)/10

Công thức tính khả năng dự đoán ác tính:

PP = e(CPH-I) / (1+e(CPH-I))

Các chỉ số - thuật toán khác
Ngoài ra còn có một số chỉ số khác ít được sử dụng hơn như RMI và OVA-1. Chỉ số RMI (Risk of Malignancy Index), đây là một chỉ số được tác giả Jacobs báo cáo năm 199023, gồm có RMI I, RMI II, RMI III và RMI IV. Hiện nay chỉ có RMI I và RMI II được công nhận là có giá trị. Hướng dẫn NICE khuyến cáo nên áo dụng RMI I cho những bệnh nhân có khối u buồng trứng nghi ngờ ác tính. RMI I phối hợp 3 yếu tố: CA-125 huyết thanh, tình trạng kinh nguyệt, và chỉ số siêu âm. Giá trị RMI= UxMxCA-125. Chỉ số RMI ít có giá trị ở phụ nữ chưa mãn kinh do CA-125 ở nhóm tuổi này có thể tăng ở những bệnh lý khác như lạc nội mạc tử cung, có thai, ung thư nội mạc tử cung… Các báo cáo gần đây cho thấy RMI I có độ nhạy là 80% và độ đặc hiệu là 97% trong chẩn đoán UTBT24. Chỉ số OVA-1 (Overa) là một mô hình kết hợp giữa chỉ số của các dấu ấn sinh học bướu tumor marker (Multivariate Index Assay) được FDA chấp thuận vào năm 2009. Đây là bộ xét nghiệm được sản xuất bởi công ty Vermillion, trong đó sử dụng 5 thành phần bao gồm: CA-125, Tranthyretin, Apolipoprotein A1, β2-microglobulin và Transferrin phối hợp tình trạng kinh nguyệt. Độ nhạy của chỉ số OVA-1 khoảng 72%, độ đặc hiệu khoảng 83%, mặc dù vậy, giá thành của sản phẩm kit thử này rất mắc25.

  • Cấu trúc giải phẫu
  • Ung thư
  • space
    Tài liệu đào tạo liên tục
    1-hình 1
    tiêu chí phân loại nguy cơ người nhiễm sars-cov-2

    3646/QĐ-BYT.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    Yếu tố nguy cơ sức khỏe

    DỰ ÁN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NHÂN LỰC Y TẾ PHỤC VỤ CẢI CÁCH HỆ THỐNG Y TẾ.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    Cách tiếp cận đỏ bừng ở người lớn

    uptodate.....(xem tiếp)

    Kiến thức nhanh
    Nguyên lý
    Tình huống lâm sàng ví dụ
    Cách tiếp cận
    

    Phụ trách admin BS Trần Cao Thịnh Phước (phuoctct@pnt.edu.vn)

    Phụ trách chuyên môn TS Võ Thành Liêm (thanhliem.vo@gmail.com)

    space