Bác sĩ gia đình không những chỉ là bác sĩ điều trị bệnh mà còn phải giúp người bệnh dự phòng các yếu tố nguy cơ bệnh tật. Công tác dự phòng là một vấn đề quan trọng trong thực hành YHGĐ đối với cá nhân và cộng đồng, và là một trong những công cụ mạnh mẽ của BSGĐ nhằm nâng cao tình trạng sức khỏe cho người dân. Nó được dựa trên một nguyên lí khá đơn giản: dự phòng bệnh tật trước khi nó thật sự diễn ra và dự phòng các biến chứng của bệnh. Mặc dù đây là một nguyên lí đơn giản, nhưng việc triển khai nó trong thực hành tại thực tiễn khó khăn hơn nhiều.
Phòng bệnh bao gồm nhiều khía cạnh, đó là nhận biết được những yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng mắc bệnh, làm chậm lại các hậu quả của bệnh tật và khuyến khích lối sống lành mạnh. Dự phòng cũng có nghĩa là dự đoán trước các vấn đề sẽ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của người bệnh và gia đình. Phòng bệnh không chỉ giới hạn vào việc tư vấn mọi người không hút thuốc lá, tích cực tập thể dục và ăn uống đúng cách,… mà còn là việc nhận ra các yếu tố nguy cơ đối với việc mắc bệnh/ vấn đề sức khỏe nào đó (dựa vào các thông tin về tiền sử gia đình, vòng đời người, vòng đời gia đình,…); triển khai tiêm chủng để phòng bệnh; sử dụng các phương tiện sàng lọc để phát hiện bệnh sớm ngay từ giai đoạn đầu. Khi người bệnh có bệnh cần dự phòng các biến chứng,…. Tất cả các thông tin về các yếu tố nguy cơ và dự phòng bệnh tật được thể hiện đầy đủ trong hồ sơ quản lí sức khỏe YHGĐ. Chăm sóc dự phòng bao gồm dự phòng cấp I, II và III (Chi tiết về công tác dự phòng ở trong bài 9 ở cuốn tài liệu này). Thêm vào đó khái niệm dự phòng cấp IV cũng được đưa ra (hiện đang được hoàn thiện). Với Hiệp hội BSGĐ Thế giới, dự phòng cấp IV là dự phòng việc sử dụng quá nhiều thuốc và bảo vệ người bệnh khỏi những can thiệp hoặc xét nghiệm không thực sự cần thiết.
Nguyên lí thực hành lâm sàng toàn diện và liên tục của BSGĐ, mối quan hệ mật thiết của BSGĐ và người dân/ người bệnh tạo điều kiện lí tưởng giúp cung cấp đầy đủ các dịch vụ về dự phòng và đánh giá hiệu quả của các dịch vụ này. BSGĐ có điều kiện xem xét các can thiệp dự phòng tại mỗi lần người bệnh đến khám và theo dõi các biện pháp dự phòng đó. Áp dụng những nguyên tắc này trong việc cung cấp các dịch vụ lâm sàng sẽ giúp hiện thực hóa nỗ lực của các chương trình dự phòng tới từng người bệnh, gia đình và cộng đồng.
|