U XƠ TỬ CUNG - Định nghĩa
U xơ tử cung hay u xơ cơ tử cung là khối u tế bào cơ trơn lành tính của tử cung, thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 30-50 tuổi. - Phân loại
- U xơ dưới thanh mạc: có thể có cuống hay không, thường phát triển về phía ổ bụng, hố chậu, hoặc giữa hai lá của dây chằng rộng gây chèn ép vào niệu quản, hay nhầm với u buồng trứng. - U xơ kẽ: là khối u phát triển từ phần giữa của cơ tử cung, làm biến dạng buồng tử cung. - U xơ dưới niêm mạc: là khối u xơ cơ ở dưới niêm mạc. Đôi khi có cuống đẩy lồi vào buồng tử cung gọi là polip xơ. - Triệu chứng
Thường phát hiện khi đi khám vì lý do: rối loạn kinh nguyệt, vô sinh, chậm có thai, ra máu âm đạo hoặc tự sờ thấy khối u ở vùng bụng dưới. 3.1. Triệu chứng cơ năng - Bệnh nhân có thể thiếu máu nếu có băng kinh hoặc ra máu kéo dài - Ra máu từ buồng tử cung là triệu chứng chính (nhất là các u xơ dưới niêm mạc), thể hiện dưới dạng cường kinh, rong kinh. - Đau vùng hạ vị hoặc hố chậu, đau kiểu nặng bụng, tức bụng. - Ra khí hư trong, loãng. 3.2. Triệu chứng thực thể - Nắn bụng: thấy khối u ở vùng hạ vị. - Đặt mỏ vịt: có thể thấy hình ảnh polip có cuống, chân nằm ở trong buồng tử cung. - Thăm âm đạo kết hợp nắn bụng thấy tử cung to, chắc, có khi thấy những khối lồi trên mặt tử cung. Di động cổ tử cung thì khối u di động theo. 3.3. Cận lâm sàng - Siêu âm: thấy hình ảnh khối u xơ ở tử cung. - Công thức máu: phát hiện thiếu máu nếu mất máu nhiều, kéo dài. - Chẩn đoán:
4.1. Chẩn đoán xác định: Dựa vào lâm sàng và siêu âm. 4.2. Chẩn đoán phân biệt: - Có thai. - U buồng trứng. - Bệnh lý nội mạc trong cơ tử cung (adenomyosis). - Các khối u ngoài đường sinh dục (u ruột, u mạc treo, …). - Tiến triển và biến chứng
5.1. Tiến triển U xơ tử cung thường tiến triển chậm, sau một thời gian khối u có thể tăng kích thước gây nên triệu chứng và biến chứng. Chỉ khoảng 0,05% trường hợp u xơ tử cung biến chứng thành sarcoma. Nếu khối u nhỏ không gây triệu chứng hoặc biến chứng gì đáng kể. Thời kỳ mãn kinh, u xơ tử cung có thể ngừng phát triển. 5.2. Biến chứng 5.2.1. U xơ tử cung ở người không có thai - Xuất huyết tử cung bất thường: thường do u xơ dưới niêm mạc. - Chèn ép các tạng lân cận: u xơ trong dây chằng rộng chèn ép niệu quản, u to chènvào bàng quang, trực tràng. - Thoái hoá: một số trường hợp khối u to có thể có biến chứng thoái hóa hoại tử vô khuẩn hoặc thoái hóa kính. - Xoắn khối u dưới thanh mạc có cuống: đau dữ dội ở vùng hố chậu, kèm dấu hiệu kích thích phúc mạc (nôn, bí trung tiện). 5.2.2. U xơ tử cung và thai nghén: u xơ tử cung có thể gây - Chậm có thai hoặc vô sinh, - Sẩy thai, chậm phát triển trong tử cung, đẻ non. - Rau tiền đạo, rau bám chặt. - Đẻ khó do cơn co hoặc ngôi thai: khi chuyển dạ thường gây rối loạn cơn co, chuyển dạ kéo dài, ngôi thai bất thường, ngôi cúi không tốt, u xơ trở thành khối u tiền đạo cản trở đường ra của thai. - Thời kỳ sổ rau thường gây băng huyết, đờ tử cung. - Thời kỳ hậu sản: u xơ có thể gây bế sản dịch, nhiễm khuẩn hậu sản, hoại tử vô khuẩn, u xơ dưới thanh mạc có cuống có thể bị xoắn. - Xử trí
- Nếu khối u nhỏ, chưa có biến chứng: theo dõi, khám định kỳ 3 tháng một lần hoặc điều trị nội khoa. - Nếu khối u xơ to và/hoặc có biến chứng: phương pháp điều trị được lựa chọn dựa trên tuổi, số con, nhu cầu sinh sản và loại biến chứng: + Điều trị trì hoãn (tạm thời): dùng progestin (đường uống, đặt âm đạo hoặc dụng cụ tử cung chứa progestin), kháng progesteron (Mifepristone), viên thuốc tránh thai phối hợp, GnRH đồng vận + Ngoại khoa: - Bảo tồn tử cung: bóc nhân xơ, thuyên tắc mạch.
- Cắt tử cung toàn phần.
- Với u xơ dưới niêm mạc: có thể được chẩn đoán và điều trị bằng soi buồng tử cung và cắt u qua soi buồng.
|