Chỉ có ít bằng chứng đánh giá tính hiệu quả và chi phí hiệu quả của điều trị đau cổ không đặc hiệu (căng cơ). Các thử nghiệm lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên cho thấy hiệu quả ngắn hạn và lâu dài của điều trị xoa bóp hằng tuần, tập vật lý trị liệu hai lần mỗi tuần và được theo dõi liên tục bởi các bác sĩ để giảm đau, tư vấn và giáo dục sức khỏe. Vào thời điểm sau 7 tuần, tỷ lệ thành công trên lâm sàng (bệnh nhân hoàn toàn phục hồi hoặc cải thiện nhiều) được 68,3% đối với biện pháp xoa bóp; 50,8% đối với vật lý trị liệu và 35,9% đối với điều trị bởi bác sĩ. Tuy nhiên, các nghiên cứu cắt dọc chứng minh rằng đến tuần 13 và tuần 52, sự khác biệt giữa các nhóm điều trị không còn rõ ràng. Trong một nghiên cứu khác, kết quả cũng ghi nhận tương tự. Giải pháp xoa bóp được chứng minh là có hiệu quả tốt hơn so với phương pháp vật lý trị liệu hoặc chăm sóc bởi các bác sĩ, đánh giá tại thời điểm tuần thứ 26. Tuy vậy, hiệu quả của các biện pháp điều trị này không còn khác nhau ở tuần thứ 52[4].
Ngoài tập thể dục và vật lý trị liệu, có rất ít bằng chứng hỗ trợ các biện pháp điều trị bảo tồn khác. Châm cứu đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc điều trị đau cổ mạn tính ngắn hạn, nhưng không rõ hiệu quả trong lâu dài[13]. Với tiêu chí thành công là giảm 80% triệu chứng đau, một nghiên cứu thực nghiệm tiến hành tiêm mặt khớp cho thấy tỷ lệ thành công là 39%[14]. Tuy nhiên, bằng chứng hiện nay chưa đủ để khẳng định rằng tiêm nội khớp vùng cổ và tiêm ngoài màng cứng cổ không phải là không có nguy cơ[5].
Mặc dù thuốc chống viêm không steroid (NSAID) hiệu quả hơn so với acetaminophen trong điều trị đau vùng cổ, chúng tôi vẫn khuyến khích bắt đầu điều trị bằng acetaminophen ngay cả đối với bệnh lý viêm khớp, bởi vì thuốc ít có tác dụng phụ [7]. Ở những bệnh nhân có biểu hiện đau vùng cổ do nguyên nhân cơ học, thuốc nhóm NSAID nên được sử dụng.
Trong các đau cổ cấp tính – bán cấp, việc điều trị thuốc cần phối hợp với xoa bóp cột sống, tập thể dục và tư vấn thói quen lối sống phù hợp. Việc phối hợp các phương pháp can thiệp không dùng thuốc đem lại hiệu quả tốt hơn so với dùng thuốc đơn thuần.[1].
Trong trường hợp các thuốc non-opioid không giảm được triệu chứng đau, chúng ta có thể dùng thêm nhóm thuốc opioid trong giai đoạn cấp để chờ hiệu lực của các phương pháp điều trị khác [5]. Tuy nhiên, việc điều trị cần ngắn hạn và được chỉ định bởi nhân viên y tế phù hợp
Đối với đau cổ do căng cơ, các vấn đề tâm lý của bệnh nhân cần được quan tâm đánh giá. Nhân viên y tế cần giải thích nguồn gốc gây bệnh và diễn tiến của đau vùng cổ để giúp người bệnh hiểu. Trong đa phần các trường hợp, nguyên nhân của bệnh có thể giải quyết được và cần có sự cộng tác của bệnh nhân trong quá trình điều trị. Việc kêu gọi bệnh nhân tham gia vào chính việc quản lý – điều trị tình trạng đau giúp tăng tính chủ động, đồng thời cải thiện sự tuân thủ điều trị, góp phần nâng cao kết quả điều trị.
Cần tổ chức ê kíp nhân viên y tế đa ngành, cùng chăm sóc bệnh nhân : điều dưỡng, kỹ thuật viên vật lý trị liệu, kỹ thuật viên cận lâm sàng, bác sĩ gia đình, bác sĩ chuyên khoa. Bên cạnh đó, cần huy động sự tham gia của thân nhân bệnh nhân, các nguồn lực khác xung quanh cũng giữa vai trò không kém quan trọng giúp hỗ trợ người bệnh nhanh chóng quay về với cuộc sống hằng ngày.
|