Thời gian bị đau vùng cổ của bệnh nhân nên được xác định sớm, giúp phân biệt các bệnh lý cấp, bán cấp hay mãn tính; từ đó giúp xác định bệnh nhân có nguy cơ đau cổ mạn tính và đưa ra các chiến lược điều trị phù hợp (chẳng hạn như chỉ định vật lý trị liệu).
Đau cổ <6 tuần được gọi là "cấp tính". Đau cổ cấp tính thường có nguyên nhân cụ thể tác động. Ví dụ: đau cổ cấp tính liên quan đến cử động (cảm thấy 'bị khóa') sau khi xoay cổ nhanh là điển hình của tật vẹo cổ cấp tính. Đau cổ cấp tính thường được cho rằng có tiên lượng tốt nếu chúng ta xác định được nguyên nhân và can thiệp hiệu quả. Điều này phù hợp với kết quả của một nghiên cứu tổng quan y văn hệ thống. Trong đó, các tác giả nhìn nhận rằng cần tránh việc xem tình trạng đau cổ cấp tính là vô căn[11]. Vấn đề này tương tự như trong nghiên cứu ở bệnh nhân đau thắt lưng, 33% bệnh nhân được quan sát thấy khỏi đau lưng trong vòng 3 tháng đầu; nhưng sau 1 năm, 65% bệnh nhân vẫn ghi nhận cho thấy còn đau lưng[12]. Đối với thể đau cấp, điều trị dường như không liên quan đến tình trạng kéo dài của bệnh. Các yếu tố dự báo tiên lượng diễn tiến đau mãn tính bao gồm: giới tính nữ, tuổi già, các vấn đề tâm lý kèm theo, và các trường hợp có triệu chứng rễ thần kinh kèm theo[2].
Bảng 2.2: Yếu tố liên quan với sự phát triển hoặc kéo dài của đau cổ
- Rối loạn tâm Lý
- Trầm cảm
- Kỹ năng ứng phó kém
- Nghề nghiệp / điều kiện vật chất ở nơi làm việc kém
- Sự hài lòng công việc thấp
- Tình trạng sức khỏe tự đánh giá kém
- Chấn thương / chấn thương cổ trước đây
- Kèm theo đau lưng / bệnh khớp khác
- Đau đầu
- Lối sống ít vận động
- Hút thuốc
- Di truyền học
|
Đau vùng cổ kéo dài từ 6 tuần đến 6 tháng được xem là thể “bán cấp”. Trong các nghiên cứu về các đau vùng cổ, hầu hết tập trung vào một trong hai mô hình cấp tính hoặc mạn tính, mà ít bàn về thể đau vùng cổ bán cấp. Tuy nhiên, sự hiểu biết tốt hơn về thể đau vùng cổ bán cấp có thể giúp ngăn chặn quá trình diễn tiến sang thể đau vùng cổ mạn tính. Chúng tôi sẽ đề cập đến một số dấu hiệu chỉ điểm (dấu hiệu báo động vàng) ở nội dung bên dưới. Các dấu hiệu này có thể góp phần vào việc xác định và làm giảm quá trình chuyển đổi từ cấp tính đến đau cổ bán cấp tính hoặc thậm chí mạn tính.
Đau vùng cổ kéo dài > 6 tháng được coi là thể “mạn tính”. Theo nghiên cứu thực hiện ở những bệnh nhân đau vùng cổ mạn tính hoặc tái phát cho thấy rằng các bệnh nhân với cơn đau nặng sau một chấn thương và những người có triệu chứng của bệnh rễ thần kinh cổ có nguy cơ cao chuyển sang thể đau dai dẳng kéo dài. Một nghiên cứu tiến hành trên bệnh nhân đau vùng cổ thể dạng rễ thần kinh với thời gian theo dõi trung bình 5,9 năm; kết quả cho thấy mặc dù tỷ lệ tái phát cao (31,7%), nhưng có đến 90,5% bệnh nhân không có hoặc chỉ giới hạn ở mức độ đau nhẹ. Nghiên cứu cũng ghi nhận mức độ nặng của cơn đau và triệu chứng rễ thần kinh có liên quan đến khả năng chuyển sang thể mạn tính; có tiên lượng về đau vùng cổ xấu hơn. Kết quả này cũng tương tự với những gì đã được chứng minh đối với bệnh đau vùng thắt lưng. Đối với các trường hợp bệnh hẹp ống sống, mặc dù các triệu chứng cấp tính về thần kinh sẽ ổn định hoặc cải thiện trong hơn một nửa các trường hợp, các thay đổi về mặt cấu trúc giải phẫu thường không cải thiện nếu không được điều trị[15].
|