Protein toàn phần dịch màng bụng trước đây là cơ sở để phân loại dịch màng bụng thành hai nhóm dịch thấm và dịch tiết, với giá trị ngưỡng là 25 g/L. Chỉ số này hầu như lệ thuộc hoàn toàn vào nồng độ protein máu và áp lực thủy tĩnh của tĩnh mạch cửa10. Hơn nữa nồng độ protein DMB thay đổi rất nhiều theo tác nhân gây xơ gan và các phương pháp điều trị. Theo nghiên cứu của Hoef thì các người bệnh xơ gan sau khi điều trị lợi tiểu giảm được 10 kg cân nặng có nồng độ protein DMB tăng gấp đôi, trong số đó có hơn 67% người bệnh có chỉ số tăng hơn 25g/L9. Tức là ở những người bệnh này sẽ được xếp vào nhóm dịch tiết sau khi điều trị thuốc lợi tiểu theo như cách phân loại cũ. Ngược lại, ở người bệnh bị nhiễm trùng dịch báng nguyên phát, nồng độ protein DMB không tăng mà giữ nguyên trước, trong và sau khi viêm15. Ở các người bệnh suy tim báng bụng lại có nồng độ protein DMB lớn hơn 25g/L16. Vì vậy khi phân loại dịch báng dựa theo chỉ số protein DMB (hay phản ứng Rivalta) quy định dịch thấm hay dịch tiết, sẽ có một số trường hợp báng bụng do xơ gan và suy tim bị xếp vào nhóm dịch tiết; và một số người bệnh với dịch báng ác tính hay viêm phúc mạc nguyên phát sẽ bị liệt vào nhóm dịch thấm. Vì vậy tính đặc hiệu của chỉ số này không cao làm hạn chế vai trò của xét nghiệm này trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Đây là lý do các nghiên cứu đã khuyến cáo nên dùng phương pháp phân loại dịch báng dựa trên SAAG thay cho phương pháp Rivalta10-12,14.
|