Khoa học ngày càng phát triển, y khoa ngày càng phân nhánh chuyên sâu, khó có được nhân viên y tế có thể nắm được hết các khía cạnh chuyên sâu để đáp ứng tất cả nhu cầu của người bệnh. Bên cạnh đó, hệ thống luôn yêu cầu tối ưu hóa nhằm nâng cao hiệu quả. Do vậy, ngày càng có sự phân công chức trách, nhiệm vụ giữa các thành phần nhân viên y tế.
Trong mô hình thực hành của y học gia đình, việc phối hợp làm việc theo nhóm, có sự phân công – phân cấp cụ thể giữa các nhân viên y tế là một điều cần thiết. Ngoài bác sĩ, ê kíp điều trị còn bao gồm điều dưỡng, hộ lý, thư ký y khoa, kỹ thuật viên…. đến các nhà dinh dưỡng, chuyên viên tâm lý, cộng tác viên xã hội. Tùy theo hoàn cảnh của từng địa phương, tùy theo quy mô của từng đơn vị mà ê kíp điều trị có thể có các quy mô khác nhau. Người bệnh có thể được chăm sóc y tế từ bất kỳ thành viên nào của ê kíp điều trị, ứng với từng nhu cầu cụ thể chứ không nhất thiết phải là bác sĩ. Cụ thể tình huống nếu người bệnh cần tập vật lý trị liệu 2-3 lần tuần tại nhà sau đột quỵ thì việc này có thể được đảm nhận bởi kỹ thuật viên vật lý trị liệu. Điều này cho phép bác sĩ có thể làm những phần việc đúng với chức năng hơn, tiết kiệm chi phí cho hệ thống và đạt hiệu quả tốt nhất cho bệnh nhân.
Làm việc nhóm không chỉ giới hạn trong khuôn khổ công việc của một đơn vị y tế mà còn có nghĩa rộng hơn ở chỗ phối hợp giữa các tuyến điều trị của hệ thống y tế. Người bệnh được chẩn đoán sớm và điều trị ban đầu tại tuyến y tế ban đầu. Việc điều trị các bệnh phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật chuyên sâu sẽ được đảm nhiệm bởi tuyến bệnh viện. Và một khi người bệnh đã đỡ bệnh, công tác chăm sóc theo dõi sẽ được đảm trách bởi y tế tuyến ban đầu mà cụ thể là bác sĩ gia đình. Việc phối hợp giữa các tuyến trong trao đổi thông tin điều trị, xác định chức trách-nhiệm vụ giữa các đơn vị cho phép người bệnh được theo dõi, chăm sóc liên tục trong điều kiện tốt nhất.
Một trong những lợi ích của việc phối hợp làm việc theo nhóm là khả năng trao đổi thông tin, tự đào tạo của nhân viên y tế. Mỗi thành viên sẽ chia sẻ quan điểm – đánh giá khác nhau về bệnh cảnh, từ đó có cái nhìn khách quan về các khía cạnh tổng thể của bệnh nhân, và điều trị tốt hơn.
|