(Lược dịch các ý chính theo như báo cáo của W. Van Lerberghe, G. Kegels, V. De Brouweretrong báo cáo Studies in Health Services Organisation & Policy,22, 2003…)
Cuba là một quốc gia có các chỉ số về sức khỏe gần giống với các nước phương Bắc (các nước đã phát triển) trong khi các thông số về nguồn lực và tài chính thì lại giống với các nước phương Nam (các nước đang phát triển). Từ năm 1959, các hoạt động điều trị được ủy thác cho bác sĩ, trên cơ sở ưu tiên bác sĩ chuyên khoa. Với đặc điểm này, tiền thân các đơn vị chăm sóc tuyến cơ sở của Cuba là những phòng khám đa khoa do những bác sĩ chuyên khoa khác nhau đảm trách.
Đến năm 1984, sau hàng loạt các đợt tham quan học tâm các mô hình y tế của các nước châu Âu, châu Mỹ, chính quyền Cuba đã thực hiện cải cách quan trọng trong hệ thống y tế mà chủ yếu là cho thực hiện mô hình bác sĩ gia đình tại Cuba. Đặc điểm của mô hình này là một đơn vị chăm sóc ban đầu bao gồm 1 bác sĩ gia đình và 1 y tá phụ trách cho một cộng đồng dân cư từ 500 – 800 người dân (ghi chú: tỷ lệ nhân viên y tế tại Cuba là: 1BS/172 người dân, 1YTá/128 người dân).
Cách tiếp cận của chăm sóc tuyến đầu cũng thay đổi, từ cách nhìn thiên về sinh học (về bệnh) qua cách nhìn tổng quát hơn sinh học – tâm lý – xã hội, gia đình và cộng đồng (về con người). Chức năng của bác sĩ gia đình bao gồm điều trị, dự phòng, nâng cao sức khỏe. Bên cạnh đó, bác sĩ gia đình còn triển khai nhiều hoạt động chuyên biệt khác (như vãng gia chủ động). Các đơn vị chăm sóc ban đầu này trực thuộc mạng lưới của một phòng khám đa khoa. Nơi đây có thêm các chức năng bổ sung như: đào tạo, hỗ trợ, theo dõi kiểm tra các đơn vị chăm sóc ban đầu này, cũng như cung cấp một số dịch vụ chuyên khoa (khám chuyên khoa cho các bệnh nhân được chuyển đến, xét nghiệm cận lâm sàng). Các bệnh viện thì phụ trách việc điều trị các mặt bệnh nội trú.
Tuy cấu trúc hệ thống y tế có phân tuyến phân cấp cụ thể, nhưng trong thực tế, bệnh nhân có thể đi vượt tuyến, đưa đến hậu quả là các phòng khám đa khoa và bệnh viện đôi khi cung cấp các dịch vụ y tế ban đầu. Trước nay, tất cả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe là miễn phí và thuốc thì được trợ cấp. Từ năm 2010 đến nay, tình hình đã có nhiều thay đổi do việc nhà nước không còn trợ cấp về y tế.
Trong vòng 15 năm, đã có 20.000 bác sĩ gia đình được đào tạo qua chương trình sau đại học 3 năm (bắt buộc đối với tất cả các bác sĩ trẻ mới ra trường trước khi phát triển 1 chuyên khoa sâu khác). Vào giai đoạn đầu, Cuba không có được đội ngũ giảng viên về chuyên ngành bác sĩ gia đình nên việc đào tạo được thực hiện thông qua các chuyên khoa khác (nội khoa, nhi khoa và sản khoa) với chương trình “định hướng chuyên khoa”. Dần dần về sau, các giảng viên được đào tạo chính thức thay thế dần các vị trí giảng dạy này. Chương trình đào tạo mang tính chất thực hành nhiều hơn là lý thuyết. Các bác sĩ trẻ được bố trí làm việc tại một phòng mạch hoặc một phòng khám đa khoa. Giảng viên sẽ giám sát việc khám bệnh của sinh viên. Bên cạnh đó, sinh viên phải tham dự các buổi báo cáo, hội thảo chuyên đề tổ chức tại các phòng khám đa khoa.
Việc phân bố các bác sĩ gia đình giữa các vùng địa lý khác nhau do nhà nước quản lý điều phối thông qua các chính sách khác nhau. Một trong những giải pháp là việc các trường y trực thuộc trực tiếp bộ y tế, và áp dụng chính sách đào tạo theo nhu cầu địa phương.
|