Là vấn đề sức khỏe theo bệnh nhân là quan trọng nhất buộc người bệnh phải đến khám tại nhân viên y tế. Đây là đầu mối của phần dẫn dắt nội dung hỏi bệnh – khám bệnh. Mỗi bệnh nhân có thể có một hoặc nhiều lý do khám bệnh. Trong trường hợp có nhiều lý do, chúng ta nên phân biệt lý do chính và lý do phụ. Ở đây, mỗi lý do khám bệnh có thể là một bệnh đã chẩn đoán (cao huyết áp), một vấn đề sức khỏe (sốt cao) hoặc đôi khi lại là một lo lắng cụ thể nào đó (lo lắng muốn giải thích về kết quả xét nghiệm bất thường).
Việc nắm bắt lý do khám bệnh là quan trọng để có thể đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Cách “tiếp cận hướng bệnh” lâu nay khiến các bác sĩ thường nghĩ trách nhiệm của mình chỉ giới hạn ở việc xác định tên bệnh và chỉ định điều trị tương ứng. Điều đó có thể khiến người bác sĩ xử trí sai tình huống. Ví dụ như một bệnh nhân bị đau đầu Migraine, nhưng luôn ám ảnh với suy nghĩ bị “u não”. Nếu không được bác sĩ tư vấn, giải thích, giải tỏa sự lo lắng này thì bệnh nhân sẽ tiếp tục đi khám nhiều nơi, thực hiện những kỹ thuật, thủ thuật không cần thiết, đồng thời ảnh hưởng đến kết quả điều trị Migraine (do lo lắng, căng thẳng). Sẽ bất hợp lý nếu bệnh nhân đến khám vì vấn đề A, trong khi nhân viên y tế lại chăm sóc vấn đề B và bỏ quên vấn đề A. Đây chính là tiền đề chính của việc phân biệt giữa “yêu cầu” sức khỏe và “nhu cầu” sức khỏe (đọc thêm về mô hình dự phòng P4 – quaternary prevention).
Có thể chia các lý do khám bệnh làm 5 nhóm (5 nhóm yêu cầu sức khỏe). Một vài ví dụ về lý do khám bệnh tương ứng với các nhóm lý do khám bệnh:
Khám vì vấn đề sức khỏe mới
● Chẩn đoán nguyên nhân của triệu chứng
● Yêu cầu xét nghiệm đánh giá triệu chứng
● Lo lắng vì triệu chứng có liên quan đến tình trạng bệnh đang mắc bởi người thân-người xung quanh (đặc biệt là có những người thân trong gia đình có các triệu chứng tương tự, sau đó được chẩn đoán là bệnh nặng, tử vong).
● Chẩn đoán và điều trị các triệu chứng tâm lý có thể có liên quan đến bệnh lý tâm thần hoặc đơn giản chỉ là biểu hiện tâm lý của một bệnh lý thực thể đã biết.
Tái khám vấn đề sức khỏe đã biết
● Kiểm soát, tiếp tục điều trị các tình trạng bệnh đang theo dõi
● Thảo luận thay đổi lối sống, kiểm soát yếu tố nguy cơ, củng cố tuân thủ điều trị
● Đánh giá diễn tiến, biến chứng, tổn thương có liên quan đến tình trạng bệnh đang theo dõi.
Khám kiểm tra sức khỏe tổng quát – tầm soát chẩn đoán sớm bệnh – nguy cơ
● Đánh giá tổng quát tình trạng sức khỏe
● Tham vấn ý kiến nên – không nên thực hiện nghiệm pháp tầm soát mà bệnh nhân nghe nói có thể có ích cho sức khỏe
● Yêu cầu khám tầm soát một vấn đề sức khỏe xác định vì thấy có người thân – bạn bè xung quanh bị mắc bệnh.
● Chẩn đoán và điều trị triệu chứng có liên quan đến tình trạng cảm xúc đơn thuần
Khám tư vấn thay đổi hành vi nguy cơ – yếu tố nguy cơ
● Điều trị - theo dõi các biểu hiện lâm sàng của tình trạng bệnh do nguyên nhân hành vi nguy cơ gây ra và cần can thiệp điều trị.
● Thảo luận cách thức thay đổi hành vi nguy cơ mà bệnh nhân đồng ý can thiệp thay đổi
● Củng cố can thiệp thay đổi hành vi (Có thể có những hành vi nguy cơ chưa được đánh giá đúng mức bởi người bệnh, tuy nhiên, bác sĩ cần chỉ ra rõ mối tương quan giữa hành vi nguy cơ với các triệu chứng – tình trạng hiện tại của bệnh lý đang theo dõi)
Khám vì lý do hành chính
● Khám tham gia nghĩa vụ quân sự, khám đủ điều kiện đi làm, lấy giấy phép lái xe, làm di chúc…
● Khám giám định y khoa, bảo hiểm xã hội, thương tật
● Khám nghỉ phép, nghỉ bệnh, miễn giảm công việc vì lý do sức khỏe
● Khám làm hồ sơ xin visa, khám tiền hôn nhân (làm thủ tục hôn nhân với người nước ngoài)
|