2.4.1 Viêm ống tai ngoài:
Viêm ống tai ngoài là tình trạng viêm nhiễm ống tai do vi khuẩn, nấm hoặc tác nhân khác, gây đau, ngứa, chảy dịch và hiếm khi gây giảm thính lực. Điều trị bao gồm làm sạch ống tai bằng nước muối sinh lý, nhỏ thuốc kháng sinh (neomycin, polymyxin, chloramphenicol, gentamicin), kháng nấm (clotrimazole) hoặc giảm đau, kháng viêm (corticosteroid). Cần giữ tai khô ráo, tránh ngoáy tai và tiếp xúc nước. Chuyển tuyến khi viêm nặng, không đáp ứng điều trị hoặc nghi ngờ viêm tai ngoài ác tính.
2.4.2 Điều trị viêm tai giữa cấp (ASOM)
Kháng sinh được chỉ định trong hầu hết các trường hợp ASOM, với amoxicillin là lựa chọn hàng đầu, các lựa chọn khác bao gồm amoxicillin-clavulanate, cephalosporin, macrolide. Thời gian điều trị thường từ 5 đến 10 ngày. Paracetamol hoặc ibuprofen được sử dụng để giảm đau và hạ sốt, nhỏ tai bằng dung dịch giảm đau cũng có thể giúp giảm đau tại chỗ. Bệnh nhân cần tái khám sau 2-3 tuần để đánh giá, nếu dịch mủ vẫn còn hoặc nghe kém không cải thiện, có thể cần chọc hút dịch mủ hoặc đặt ống thông khí tai giữa nếu cần thiết. Chuyển tuyến được chỉ định khi viêm tai giữa nặng, không đáp ứng với điều trị nội khoa hoặc nghi ngờ biến chứng như viêm xương chũm, viêm mê nhĩ.
Về dự phòng, cần tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng bệnh đường hô hấp, giữ vệ sinh cá nhân, kiểm soát dị ứng mũi xoang, tránh khói thuốc lá, cho trẻ bú mẹ và tránh cho trẻ bú bình nằm.
2.4.3 Điều trị viêm tai giữa ứ dịch (OME)
OME thường tự khỏi, nên ban đầu theo dõi là chủ yếu. Điều trị nội khoa bao gồm thuốc thông mũi, chống dị ứng, corticosteroid (giảm viêm, phù nề, thông vòi nhĩ), thuốc long đờm, tiêu nhầy và hướng dẫn trẻ nghiệm pháp Valsava. Kháng sinh chỉ dùng khi có nhiễm trùng tai giữa cấp.
Phẫu thuật được cân nhắc khi OME kéo dài, gây giảm thính lực hoặc nguy cơ biến chứng: chích rạch màng nhĩ hút dịch (ít dùng), đặt ống thông nhĩ (phổ biến nhất) hoặc nạo VA (khi VA phì đại gây tắc vòi nhĩ).
Về dự phòng Kiểm soát dị ứng, giảm nguy cơ nhiễm trùng hô hấp (rửa tay, tránh người bệnh, tiêm phòng), tránh khói thuốc, cho trẻ bú mẹ, hạn chế dùng núm vú giả, khám tai mũi họng định kỳ.
2.4.4 Viêm màng nhĩ bóng nước
Viêm màng nhĩ bóng nước cần được điều trị giảm đau bằng paracetamol hoặc ibuprofen. Để kiểm soát viêm, có thể dùng thuốc nhỏ tai chứa corticosteroid và thuốc kháng histamin giúp giảm ngứa, chảy dịch. Trường hợp nghi ngờ nhiễm virus cúm, có thể dùng thuốc kháng virus như oseltamivir hoặc zanamivir, tuy nhiên, phần lớn các trường hợp do virus, bệnh sẽ tự khỏi mà không cần điều trị đặc hiệu. Cần chú ý vệ sinh tai, tránh để nước vào và không tự ý chọc vỡ bóng nước. Dự phòng bằng cách tiêm phòng cúm hàng năm, giữ gìn vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể và tăng cường sức đề kháng.
2.4.5 Cholesteatoma
Cholesteatoma là một khối u dạng túi phát triển trong tai giữa, cần được điều trị bằng phẫu thuật để loại bỏ hoàn toàn và tái tạo cấu trúc tai giữa. Tất cả các trường hợp cholesteatoma đều cần được chuyển tuyến đến bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng để được đánh giá và điều trị phù hợp.
2.4.6 Bệnh Menière
Bệnh Menière là rối loạn tai trong gây chóng mặt, ù tai và giảm thính lực. Điều trị bao gồm dùng thuốc (betahistine, lợi tiểu, acetyl leucin, corticoid) và phẫu thuật (mở túi nội dịch, cắt dây thần kinh tiền đình, hủy diệt mê nhĩ).
2.4.7 Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (BPPV)
Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (BPPV) gây ra các cơn chóng mặt ngắn và dữ dội do sỏi tai lạc chỗ. Điều trị chính là thực hiện các thao tác chỉnh tư thế đầu một cách chính xác để đưa sỏi tai trở về vị trí ban đầu trong tiền đình.
2.4.8 Suy tiền đình cấp tính
Suy tiền đình cấp tính là tình trạng rối loạn chức năng đột ngột của hệ thống tiền đình, gây chóng mặt dữ dội, buồn nôn, nôn và mất thăng bằng. Điều trị bao gồm nghỉ ngơi tại giường, nằm nghiêng và hạn chế tối đa cử động đầu. Bác sĩ có thể chỉ định thuốc corticosteroid và thuốc chống chóng mặt để giảm triệu chứng. Bệnh nhân cần được chuyển đến chuyên khoa Tai Mũi Họng để được đánh giá và điều trị chuyên sâu.
2.4.9 Liệt mặt
Liệt mặt là tình trạng mất khả năng vận động của cơ mặt. Điều trị bao gồm bảo vệ mắt bằng nước mắt nhân tạo và băng mắt, sử dụng corticosteroid (prednisolone 1mg/kg trong 7 ngày) và thuốc kháng virus (valacyclovir). Bệnh nhân cần được chuyển tuyến khi liệt mặt nặng, không đáp ứng điều trị nội khoa hoặc nghi ngờ do bệnh lý tai giữa hoặc u tuyến mang tai.
2.4.10 Đau thần kinh
Đau thần kinh sinh ba gây ra các cơn đau mặt dữ dội. Điều trị nội khoa bao gồm sử dụng thuốc (carbamazepine, gabapentin). Phẫu thuật (giải áp vi mạch, phóng xạ định vị) được xem xét khi điều trị nội khoa thất bại. Bệnh nhân cần được chuyển đến chuyên khoa Tai Mũi Họng nếu không đáp ứng với điều trị nội khoa.
Đau dây thần kinh lưỡi hầu: Điều trị nội khoa bằng thuốc chống động kinh (carbamazepine, gabapentin) và thuốc giảm đau. Phẫu thuật (giải ép vi mạch máu, cắt bỏ hạch thần kinh) khi nội khoa không hiệu quả.
Đau nửa đầu: Điều trị bằng thuốc giảm đau (paracetamol, ibuprofen), thuốc trị đau nửa đầu đặc hiệu (triptan, dihydroergotamin) và thuốc dự phòng (thuốc chẹn beta, thuốc chống trầm cảm). Thay đổi lối sống bao gồm tránh các yếu tố khởi phát (stress, thức ăn, giấc ngủ), thư giãn và tập thể dục.
Về dự phòng Đau dây thần kinh lưỡi hầu: Hạn chế yếu tố kích thích và kiểm soát tốt bệnh nền. Đau nửa đầu: Tránh yếu tố khởi phát và thực hiện lối sống lành mạnh.
2.4.11 Các nguyên nhân khác
Chấn thương: Xử lý vết thương, cầm máu và khâu phục hồi khi cần thiết. Cố định xương nếu có gãy. Chuyển tuyến khi chấn thương nặng, có tổn thương tai giữa hoặc tai trong.
U vùng tai: Phẫu thuật để loại bỏ khối u. Tất cả trường hợp u vùng tai cần được chuyển đến chuyên khoa Tai Mũi Họng.
2.4.12 Trường hợp cần chuyển tuyến:
Bệnh nhân đau tai không rõ nguyên nhân, không đáp ứng với điều trị nội khoa. Bệnh nhân đau tai kèm theo các triệu chứng nguy hiểm như:
- Chảy dịch tai có mùi hôi.
- Nghe kém đột ngột, nặng.
- Chóng mặt, mất thăng bằng.
- Sốt cao, sưng vùng tai.
- Liệt mặt.
- Khó thở.
- Khó nuốt.
- Bệnh nhân nghi ngờ bị bệnh lý tai giữa, tai trong, cholesteatoma, u vùng tai.
|