Hồng cầu xuất hiện trong nước tiểu có thể do tổn thương ở bất kỳ vị trí nào của hệ tiết niệu, từ cầu thận đến niệu đạo. Cơ chế chính bao gồm:
2.3.1. Tổn thương cầu thận:
Màng lọc cầu thận bị tổn thương (viêm, thay đổi cấu trúc) cho phép hồng cầu đi qua. Thường đi kèm với protein niệu, trụ hồng cầu và hồng cầu biến dạng trong nước tiểu. Nguyên nhân: Viêm cầu thận nguyên phát hoặc thứ phát (sau nhiễm liên cầu, lupus ban đỏ hệ thống, bệnh thận IgA,...).
2.3.2. Tổn thương ngoài cầu thận:
Chảy máu từ ngoài nhu mô thận (không phải cầu thận - ống thận): đài bể thận, niệu quản, bàng quang, tuyến tiền liệt, niệu đạo. Hồng cầu thường có hình dạng bình thường qua quan sát cặn lắng, ít hoặc không có protein niệu, không có trụ hồng cầu.
Nguyên nhân:
- Nhiễm trùng: Viêm bàng quang, viêm bể thận, viêm tuyến tiền liệt, viêm niệu đạo.
- Sỏi: Sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang gây tổn thương niêm mạc.
- Khối u: Ung thư thận, ung thư đường bài xuất (bể thận, niệu quản), ung thư bàng quang, ung thư tuyến tiền liệt. Phì đại tuyến tiền liệt lành tính (BPH).
- Chấn thương: Chấn thương thận, đường tiết niệu.
- Bất thường cấu trúc: Bệnh thận đa nang, dị dạng mạch máu.
- Rối loạn đông máu: Bệnh ưa chảy máu, sử dụng thuốc kháng đông quá liều.
- Nguyên nhân khác: Lao thận, lạc nội mạc tử cung tại bàng quang, tiểu máu do gắng sức, một số loại thuốc (cyclophosphamide).
|