Nếu không điều trị, tân mạch sẽ tiến triển thành các biến chứng nặng.
- Tăng sinh tân mạch. Các tân mạch trước võng mạc và đĩa thị có thể sinh biến chứng:
+ Xuất huyết dịch kính: Máu lúc đầu nằm trong khoang sau hyaloid trước màng giới hạn trong của võng mạc, sau đó vỡ vào trong dịch kính.
+ Bong võng mạc co kéo: các tân mạch được nâng đỡ bởi màng xơ sợi, có bản chất co kéo gây nên bong võng mạc.
+ Glôcôm tân mạch: trong những người bị bệnh VMĐTĐ tăng sinh không được điều trị có khoảng 5% dẫn đến glôcôm tân mạch. Tân mạch lan ra mống mắt rồi trải thảm ở góc tiền phòng và cản trở sự dẫn lưu thủy dịch, gây tăng nhãn áp trầm trọng và đau nhức.
- Các tổn hại hoàng điểm
+ Phù hoàng điểm là nguyên nhân thường gặp nhất gây mất thị lực trung tâm ở người bệnh VMĐTĐ. Phù gây nhìn méo hình, không điều trị tiến triển thành phù hoàng điểm dạng nang, giả lỗ hoàng điểm và bong thanh dịch biểu mô thần kinh, điều trị rất khó khăn.
+ Thiếu máu hoàng điểm: Vùng không tưới máu lan rộng có nguy cơ gây tổn thương hoàng điểm, gây nên mất thị lực trung tâm điều trị khó khăn.
6. PHÒNG BỆNH
Truyền thông giáo dục sức khỏe về bệnh VMĐTĐ. Lồng ghép hoạt động truyền thông trong các đợt khám và theo dõi bệnh ĐTĐ định kỳ, các cán bộ y tế cần tư vấn trực tiếp cho người bệnh:
- Về kết quả khám và việc điều trị bệnh ĐTĐ, bệnh VMĐTĐ.
- Khuyến khích người bệnh có bệnh ĐTĐ nhưng chưa có biến chứng võng mạc cần khám sàng lọc mắt định kỳ.
- Cần giải thích cho người bệnh hiệu quả điều trị bệnh VMĐTĐ phụ thuộc vào thời gian can thiệp kể cả khi thị lực còn tốt hoặc chưa có triệu chứng cơ năng tại mắt.
- Giáo dục cho người bệnh tầm quan trọng của việc kiểm soát đường huyết, huyết áp và mỡ máu.
- Cần trao đổi với bác sỹ nội khoa hoặc bác sỹ nội tiết về tình trạng tổn thương tại mắt do đái tháo đường.
- Cần hỗ trợ cho các người bệnh không có điều kiện phẫu thuật và những người không có khả năng chữa trị.
- Hướng dẫn người bệnh bị giảm chức năng thị giác phục hồi thị lực.
- Hướng dẫn người bệnh đã điều trị (Laser, phẫu thuật) cần theo dõi đúng thời hạn.
|