Trước khi tiến hành xây dựng dự án, bộ môn cần đặt ra câu hỏi xem việc sử dụng mô hình đào tạo trực tuyến có giải quyết được vấn đề hiện tại về mặt đào tạo hoặc có đảm bảo phương pháp sư phạm của bộ môn hay không? Điều này cũng tương đồng với câu hỏi rằng có chăng nhu cầu thực áp dụng phương pháp đào tạo trực tuyến ở bộ môn hay không? Rằng giải pháp này có mang lại giá trị mới cho chương trình đào tạo hiện tại hay không? Vai trò đào tạo trực tuyến như thế nào với mô hình đào tạo thường qui? Việc phối hợp 2 mô hình có thay đổi cách thức thực hiện giảng dạy tập trung hay không? Kết quả đào tạo có tương đương – tốt hơn – xấu hơn mô hình đào tạo thường qui?....
Đối với bộ môn y học gia đình, chúng tôi áp dụng giải pháp này trong bối cảnh có một số nhu cầu chuyên biệt như sau:
• Khối lượng công việc đào tạo đại học và sau đại học ngày càng nặng, nhiều mô hình đào tạo, nhiều khóa học cùng triển khai, số lượng học viên đông.
• Việt Nam nói chung và thành phố HCM nói riêng đang triển khai thí điểm mô hình bác sĩ gia đình nên cần phải có nguồn nhân lực phù hợp cả về chất lượng và số lượng. Nhu cầu đào tạo là rất lớn trong thời gian ngắn
• Thông tư số 16/2014/TT–BYT trước đây và nay là thông tư 21/2019/TT-BYT hướng dẫn về cho phép thực hành chuyên môn bác sĩ gia đình với điều kiện tham gia đào tạo ít nhất 3 tháng. Thông tư này đã làm phát sinh nhu cầu đào tạo hệ ngắn hạn 3 tháng về chuyên ngành y học gia đình, mở rộng cho nhiều đối tượng.
• Lực lượng giảng viên của bộ môn còn mỏng, dàn trải trên nhiều hoạt động khác nhau nên khó có thể triển khai đào tạo tập trung với số lượng lớn. Nhu cầu cần giảm thiểu thời gian “nhắc lại nội dung sách vở”, tăng thời gian tương tác – giải quyết tình huống; tăng tính chủ động tự học của học viên.
• Đối tượng tham gia học đào tạo liên tục về Y học gia đình chủ yếu là bác sĩ đang công tác tại các đơn vị, không có khả năng rời vị trí công tác nên khó có thể tham gia các lớp học tập trung dài hạn.
• Nhu cầu đào tạo liên tục trên qui mô toàn quốc nhưng hiện nay chỉ có 8 trường đại học Y khoa. Điều này đặt ra thách thức trong việc triển khai đào tạo liên tục – cập nhật kiến thức cho đội ngũ nhân viên y tế tại các tỉnh thành này. Việc tổ chức các khóa học tập trung tại tỉnh có chi phí cao so với kết quả đạt được
• Cùng với xu hướng chung của thế giới trong tiến trình đổi mới phương pháp sư phạm và áp dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng đào tạo, lấy người học làm trung tâm, học theo nhu cầu.
Từ các đặc điểm nêu trên, bộ môn Y học gia đình nhận thấy rằng có nhu cầu thực phát triển chương trình đào tạo trực tuyến, giải quyết trực tiếp các vấn đề đang có của bộ môn.
|