Như đã biết, kiến thức khoa học không bao giờ là hằng định. Nó được phát triển liên tục trên cơ sở cập nhật kiến thức mới, kết quả nghiên cứu mới của nhân loại. Đối với lĩnh vực y khoa, hiện tượng này càng rõ hơn nữa. Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến mức độ cấp thiết phải cập nhật kiến thức:
• Các tiến bộ, phát minh, kiểm chứng về nội dung của chuyên ngành: Phát hiện thuốc mới, tương tác thuốc, hiệu quả điều trị…
• Sự thay đổi của bối cảnh mà kiến thức sẽ được áp dụng: Thay đổi chính sách y tế – chính sách bảo hiểm, thay đổi qui định của đơn vị, thuốc có mặt tại Việt Nam, …
• Mức độ quan trọng của kiến thức mới so với kiến thức hiện tại. Nếu sự thay đổi về kiến thức không nhiều, không quan trọng thì nhu cầu cập nhật không cao. Ngược lại nếu kiến thức mới có thể làm thay đổi nhận thức hiện tại và có ảnh hưởng nhiều thì việc cập nhật là quan trọng: tương tác thuốc nặng, phác đồ điều trị cấp cứu ABC hồi sức tim phổi với qui trình mới, phác đồ điều trị mới, qui định quản lý nhà nước mới,…
Do kiến thức thay đổi, với vai trò là giảng viên, việc cập nhật kiến thức mới nhất, chính xác nhất, nhanh nhất vào nội dung bài giảng là việc làm thường xuyên. Chính đặc tính đó, có thể nhận định rằng nội dung bài giảng chỉ chính xác tại một thời khoảng nhất định cho đến khi có kiến thức mới được bổ sung. Chính điều này làm nên tuổi đời của nội dung, hay còn gọi là thời hạn sử dụng của tài liệu. (Các thời gian này cũng giống như thời hạn sử dụng của thực phẩm vậy. Mà nói cho cùng thì nội dung bài giảng cũng chính là “thực phẩm” kiến thức của chúng ta).
Khi thiết kế nội dung cho đào tạo liên tục, chúng ta cần chú ý đến khía cạnh tuổi đời nội dung. Đối với giảng viên, điều đó có nghĩa là bài giảng cần được cập nhật mới nội dung. Đối với học viên, điều đó có nghĩa là chứng nhận kiến chỉ có giá trị cho một thời điểm nhất định và học viên cũng cần phải cập nhật lại kiến thức.
|