3.3.1 Đối với mô hình lớp học tích hợp
• Chú ý không nên lặp lại công việc hai lần cho cả giảng viên và học viên. Cần phân chia cụ thể, phân bổ phù hợp các nội dung nào sẽ được phát triển – giảng dạy trên môi trường trực tuyến hoặc tại giảng đường. Nếu không, chúng ta sẽ có nguy cơ thực hiện hai lần một nội dung – hoạt động cho cả môi trường trực tuyến và tại giảng đường.
• Đừng bị “lạc đường” bởi các tính năng hấp dẫn của công nghệ thông tin, của các giải pháp ứng dụng trên internet. Hãy đảm bảo rằng chúng ta sử dụng đến công nghệ vì mục đích củng cố mục tiêu đào tạo chứ không phải là vì mục đích phô trương công nghệ (học viên sẽ nhận ra nhanh chóng một chương trình đào tạo không có nội dung là một cái “thùng rỗng kêu to”). Hãy xây dựng những gì mà chúng ta muốn học viên có thể học được, và học một cách có hiệu quả nhất bằng hình thức đào tạo trực tuyến.
• Xác định những hoạt động nào có thể phát huy hiệu quả tốt hơn trong mô hình đào tạo trực tuyến so với mô hình đào tạo thường qui face–to–face.
• Bắt đầu bằng những mục tiêu khả thi – nhỏ và ngắn hạn. Chúng ta có thể bắt đầu bằng việc giới thiệu – lồng ghép một nội dung trực tuyến vào trong bài giảng lên lớp/giảng đường. Sau đó, chúng ta có thể thực hiện một số lượng giá trước và sau khóa học, phân tích kết quả thu được và thực hiện các hiệu chỉnh phù hợp với nội dung trực tuyến đã giới thiệu nhằm chuẩn bị tốt hơn cho lần giảng sau.
• Giải thích rõ cho học viên và cũng như các giảng viên khác về mục đích của việc lồng ghép nội dung trực tuyến vào bài giảng lên lớp/giảng đường. Trong điều kiện cho phép, việc xây dựng cụ thể các mục tiêu bài giảng/khóa học và tầm mức ứng dụng của bài học sẽ giúp định hướng cho học viên. Thông thường người học sẽ có khuynh hướng thích thử các kỹ thuật – kiến thức mới nếu như họ thấy được lợi ích, và sẽ chủ động tham gia trao đổi – cộng tác làm việc nhóm với bạn bè cũng như đối với giáo viên hướng dẫn.
3.3.2 Đối với mô hình lớp học hoàn toàn trực tuyến
• Xây dựng tốt khung chương trình và nội dung cho việc học và giảng dạy trực tuyến. Ví dụ, cách thức mà học viên tham gia theo dõi nội dung và trao đổi trực tuyến sẽ ít nhiều khác nhau so với một lớp học thường qui. Họ thường có khuynh hướng tập trung ngắn hơn, dành ít thời gian hơn cho mỗi lần làm việc. Do vậy, chúng ta nên chia nhỏ bài giảng thành những mục nhỏ, xen kẻ bằng những hoạt động thảo luận hoặc làm bài luận chuyên đề sẽ phù hợp hơn. Các nguồn lực cần phong phú, sử dụng multimedia, tiếp cận sử dụng dễ dàng, có thể tải về máy vi tính cá nhân để sử dụng về sau …
• Thực hiện từng bước một. Đừng làm học viên quá bối rối với các chi tiết kỹ thuật, với các tính năng đa dạng – phức tạp của hệ thống, với khối lượng bài giảng và số hoạt động của chương trình… Hãy giữ cho chương trình đào tạo ở dạng đơn giản nhất có thể, từng bước nâng dần mức độ phức tạp nhằm giúp học viên và cả giảng viên tự tin trải nghiệm trong môi trường trực tuyến.
• Đảm bảo rằng học viên và giảng viên phải làm quen trước với hệ thống trước khi khóa học chính thức bắt đầu. Việc này có thể được thực hiện thông qua các khóa học giả lập trên cùng một hệ thống (nội dung ảo, hoạt động ảo, lượng giá ảo…) và yêu cầu các thành viên tham gia sử dụng trước. Bên cạnh đó, chúng ta cần thiết lập một kênh hỗ trợ kỹ thuật tốt và kịp thời (có thể là dạng forum giải đáp thắc mắc qua những câu hỏi thường gặp, hoặc là thư ký/admin chương trình trả lời thắc mắc qua email, điện thoại).
|