Logo Xem trang đào tạo trực tuyến arrow1
space


HỘI CHỨNG BONG VẢY DA DO TỤ CẦU (Staphylococcal Scalded Skin Syndrome)

(Tham khảo chính: 4416/QĐ-BYT )

1.ĐẠI CƯƠNG
1.1. Khái niệm
Hội chứng bong vảy da do tụ cầu (Staphylococcal Scalded Skin Syndrome - SSSS) là bệnh nhiễm trùng da cấp tính do ngoại độc tố của tụ cầu vàng theo đường máu đến da gây nên. Bệnh có tên gọi khác là bệnh Ritter, được bác sĩ người Đức Gotfried Ritter von Rittershain mô tả lần đầu vào năm 1878.
1.2. Dịch tễ
Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi (hay gặp nhất là 2-3 tuổi), ở các nước đang phát triển, có thể thành dịch nhỏ tại nhà trẻ hoặc phòng nuôi dưỡng trẻ sơ sinh. Bệnh cũng có thể xuất hiện trên người lớn, đặc biệt người bị suy thận hoặc suy giảm miễn dịch.
1.3. Căn nguyên/ Cơ chế bệnh sinh
Tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) tiết ra ngoại độc tố lưu hành trong máu người bệnh. Có 2 loại độc tố khác nhau là exfoliative toxin A và B (ETA, ETB). Các độc tố làm phân cắt desmoglein 1 (thường nằm ở lớp hạt của thượng bì) gây ra các bọng nước khu trú nông, dễ vỡ và bong vảy nhanh.
2. CHẨN ĐOÁN
2.1. Triệu chứng lâm sàng
Có 2 hình thái lâm sàng: thể khu trú và thể lan tỏa
- Thể khu trú:
+ Không có dấu hiệu toàn thân, vùng da xung quanh tổn thương bình thường.
+ Ban đỏ dạng tinh hồng nhiệt, mềm, tập trung chủ yếu ở các nếp gấp (vùng quanh rốn hoặc vùng hăm kẽ, vùng đáy chậu, tầng sinh môn ở trẻ sơ sinh) nhưng không tiến triển thành bọng nước.
- Thể lan tỏa:
+ Thường xảy ra sau một nhiễm trùng ở bất kì vị trí nào như viêm mũi họng, viêm tai giữa, viêm kết mạc, viêm rốn. Một số trường hợp hiếm gặp, xảy ra sau viêm phổi do tụ cầu, viêm màng trong tim, áp xe vú sau sinh, viêm khớp…
+ Toàn thân: trẻ mệt mỏi, bú kém, kích thích, sốt.
+ Ban đỏ, mịn dạng tinh hồng nhiệt lan tỏa ở các hốc tự nhiên hoặc các nếp gấp. Sau 24 - 48 giờ hình thành các bọng nước, tạo thành các nếp nhăn trên da làm da trông thô sần và ráp, sờ như tờ giấy nhám. Sau đó tiến triển thành bọng nước mềm, nông, nhẽo, ranh giới không rõ và liên kết với nhau thành mảng rộng, dễ vỡ khi va chạm và thường vô khuẩn (dấu hiệu Nikolsky dương tính). Các bọng nước sau khi trợt để lộ nền da đỏ ẩm ướt, vảy bong ra mỏng, cuộn lại như giấy cuốn thuốc lá và rất đau.
+ Tổn thương niêm mạc ít gặp, đây là đặc điểm quan trọng chẩn đoán phân biệt SSSS với dị ứng thuốc thể nặng.
- Bệnh thường đáp ứng tốt với điều trị và thường khỏi hoàn toàn sau 5-7 ngày mà không để lại sẹo. Trường hợp nặng có thể gây tử vong, nhất là ở trẻ suy dinh dưỡng, người suy thận hay suy giảm miễn dịch do các biến chứng nặng như nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi…
2.2. Cận lâm sàng
- Các xét nghiệm đánh giá tình trạng viêm: bạch cầu, máu lắng, CRP, procalcitonin có thể tăng.
- Nuôi cấy tìm vi khuẩn và làm kháng sinh đồ: vị trí lấy bệnh phẩm nuôi cấy, phân lập tìm vi khuẩn: dịch kết mạc, mũi họng, phân, ổ mủ trên da. Kháng sinh đồ có ý nghĩa trong trường hợp vi khuẩn đã kháng kháng sinh.
- Cấy máu: thường âm tính ở trẻ nhỏ, có thể dương tính ở người lớn.
- Mô bệnh học: có khe tách ở thượng bì phía dưới và trong lớp hạt. Các khe tách có chứa dịch và tế bào ly gai. Các phần còn lại của thượng bì không thấy thay đổi đặc hiệu và không thấy xâm nhiễm tế bào viêm trong trung bì. Mô bệnh học có ý nghĩa trong trường hợp chẩn đoán chưa rõ ràng.
- Kĩ thuật phát hiện gen mã hóa ETA, ETB bằng kỹ thuật lai DNA và PCR.
2.3. Chẩn đoán xác định
Dựa vào:
- Lâm sàng
- Cận lâm sàng
2.4. Chẩn đoán phân biệt
- Hội chứng Lyell
- Bỏng nắng
- Ban đỏ do virus
- Bệnh Kawasaki
- Ban đỏ nhiễm độc trẻ sơ sinh
- Ly thượng bì bọng nước bẩm sinh
- Pemphigus vảy lá
3. ĐIỀU TRỊ
3.1 . Nguyên tắc điều trị
- Đánh giá toàn trạng bệnh nhân, mức độ nặng của bệnh để có hướng xử lý thích hợp.
- Trẻ sơ sinh mắc SSSS cần được cách ly với các trẻ khác để tránh lây nhiễm chéo.
- Điều trị tại chỗ và toàn thân
- Bồi phụ dinh dưỡng, nước, điện giải.
- Phát hiện và điều trị các ổ nhiễm trùng khu trú để ngăn ngừa vi khuẩn lan vào máu.
3.2 . Điều trị cụ thể
3.2.1. Điều trị tại chỗ
- Chăm sóc tại chỗ:
+ Dung dịch sát khuẩn: Tắm rửa hàng ngày bằng dung dịch sát khuẩn (thuốc tím pha loãng 1/10.000 hoặc dầu tắm nhẹ nhàng, tránh làm tổn thương da thêm.
+ Chăm sóc mắt, miệng khi có tổn thương.
- Kháng sinh bôi tại chỗ (acid fusidic, mupirocin…), bôi 2 lần/ngày trong 7-10 ngày.
3.2.2. Điều trị toàn thân
- Kháng sinh toàn thân: lựa chọn một trong các kháng sinh sau:

Kháng sinh

Liều lượng

Người lớn

Trẻ em

Cloxacillin

250-500mg/lần, 3-4 lần/ngày

50-100mg/kg/ngày chia 3-4 lần

Oxacillin

250-500 mg/lần mỗi 4-6 giờ

12.5 - 25mg/kg/ lần mỗi 6 giờ

Cefazolin

250-500mg/lần, 3-4 lần/ngày

25-50mg/kg/ngày chia 3-4 lần

Ceftriaxon

1-2g/ngày, tối đa 4g/ngày, truyền 1 lần

20-80mg/kg/ngày, truyền 1 lần

Trường hợp do tụ cầu vàng kháng methicilin

Vancomycin

500mg/lần x 4 lần/ngày

Hoặc 1g/lần x 2 lần/ngày

40mg/kg/ngày chia 4 lần

Linezolid

600mg/lần x 2 lần/ngày

10mg/kg/lần x 3 lần/ngày

+ Lựa chọn khác: kháng sinh nhóm quinolon, macrolid hoặc aminoglycosid dựa vào kết quả kháng sinh đồ.
- Điều trị biến chứng nếu có
3.3. Điều trị hỗ trợ
- Hạ sốt
- Bù dịch, điện giải: đánh giá mức độ mất nước, điện giải do sốt và mất nước qua da.
- Dinh dưỡng: chế độ dinh dưỡng đầy đủ để tăng cường cung cấp năng lượng và protein cho việc lành vết thương.
4. PHÒNG BỆNH
- Cách ly bệnh nhân cho đến khi khỏi bệnh.
- Nâng cao thể trạng.
- Điều trị sớm các ổ nhiễm khuẩn.
- Vệ sinh cá nhân.
 

Tải về tài liệu chính https://bsgdtphcm.vn/api/upload/20241126Huong dan 4416_qd_byt_dalieu.doc .....(xem tiếp)

  • BỆNH CHỐC (Impetigo)
  • NHỌT, ÁP XE DA (Furuncle, Cutaneous abscess)
  • VIÊM NANG LÔNG (Folliculitis)
  • HỘI CHỨNG BONG VẢY DA DO TỤ CẦU (Staphylococcal Scalded Skin Syndrome)
  • BỆNH LAO DA (Cutaneous tuberculosis)
  • BỆNH PHONG (Leprosy)
  • space
    Tài liệu đào tạo liên tục
    1-hình 1
    Cai thuốc lá

    Nguyễn Bá Hợp.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    Giáo dục nâng cao sức khỏe

    DỰ ÁN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NHÂN LỰC Y TẾ PHỤC VỤ CẢI CÁCH HỆ THỐNG Y TẾ.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    Hô hấp

    Nguyên lý y học gia đình.....(xem tiếp)

    Kiến thức nhanh
    Các rối loạn đông máu thường gặp trong hồi sức
    Nguyên nhân của phù chân
    Nếu khối u sờ thấy
    

    Phụ trách admin BS Trần Cao Thịnh Phước (phuoctct@pnt.edu.vn)

    Phụ trách chuyên môn TS Võ Thành Liêm (thanhliem.vo@gmail.com)

    space