1. ĐẠI CƯƠNG
1.1. Khái niệm
Chốc là bệnh lý nhiễm trùng nông cấp tính trên da rất phổ biến, đặc trưng bởi tổn thương cơ bản là các bọng nước nông, rải rác, nhanh chóng hoá mủ, dập vỡ đóng vảy tiết. Bệnh có thể gây các biến chứng tại chỗ và toàn thân nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
1.2. Dịch tễ
- Chốc là bệnh da nhiễm khuẩn thường gặp ở trẻ em.
- Yếu tố thuận lợi thường gặp là tuổi nhỏ, thời tiết nóng ẩm, mùa hè, điều kiện vệ sinh kém, bệnh da phối hợp như chấy rận, ghẻ, côn trùng cắn, viêm da cơ địa… hoặc suy giảm miễn dịch hay đang sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch.
1.3 . Căn nguyên/Cơ chế bệnh sinh
Do tụ cầu vàng, liên cầu hoặc phối hợp cả hai.
2. CHẨN ĐOÁN
2.1. Triệu chứng lâm sàng
- Chốc được phân thành 2 nhóm chính: Chốc không có bọng nước và chốc bọng nước
+ Chốc không có bọng nước: tổn thương ban đầu là các sẩn đỏ, tiến triển thành mụn nước nhỏ hóa mủ nhanh hoặc mụn mủ nhỏ, nhanh chóng dập vỡ đóng vảy tiết màu vàng mật ong, nền đỏ ướt. Tổn thương thường xuất hiện quanh các hốc tự nhiên (mắt, mũi, miệng…) và các chi, có xu hướng lan nên thường có nhiều tổn thương, có thể liên kết với nhau thành mảng lớn.
+ Chốc bọng nước: tổn thương ban đầu là bọng nước nông, nhăn nheo, chứa dịch vàng trong. Khi dập vỡ để lại viền vảy xung quanh dát đỏ ướt nhưng không có vảy tiết, sau đó chuyển sang màu nâu bóng hoặc màu da. Tổn thương thường xuất hiện ở mặt, chi, thân mình, nách và xung quanh vùng hậu môn của trẻ sơ sinh.
- Chốc loét: ban đầu là chốc thông thường, nếu không được điều trị bọng nước lan rộng, sau khi vỡ để lại vết loét sâu xuống trung bì với dấu hiệu “đục lỗ” (“punched- out” trên phủ vảy tiết màu vàng xám bẩn, bờ rắn, gờ cao, màu tím, hay gặp ở chi dưới. Nếu không điều trị, loét có thể rộng trên 2-3cm, tổn thương lâu lành, để lại sẹo xấu.
- Tổn thương phối hợp khác như: viêm bờ mi, chốc mép hoặc viêm cầu thận nhất là ở trẻ em nhưng tiên lượng lành tính.
- Trường hợp nặng có thể kèm theo sốt, nổi hạch bạch huyết vùng, tiêu chảy, mệt mỏi, kém ăn.
- Tiến triển: các bọng nước lành sau 1-2 tuần, nhưng bệnh có thể dai dẳng do tự lây truyền, vệ sinh kém. Bệnh có thể tiến triển thành viêm mô bào, viêm bạch mạch, viêm mủ hạch bạch huyết, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi do tụ cầu nếu không được điều trị gì.
2.2. Cận lâm sàng
- Xét nghiệm đánh giá tình trạng viêm: bạch cầu, máu lắng, CRP, procalcitonin có thể tăng.
- Xét nghiệm tế bào Tzanck: có thể có tế bào gai lệch hình, nhiều bạch cầu đa nhân trung tính.
- Nhuộm Gram dịch hoặc mủ tại tổn thương thấy cầu khuẩn gram dương xếp thành chuỗi hoặc từng đám, kèm theo là bạch cầu đa nhân trung tính.
- Nuôi cấy dịch hoặc mủ xác định chủng gây bệnh, làm kháng sinh đồ giúp điều trị những trường hợp khó.
2.3. Chẩn đoán xác định
Chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng.
2.4. Chẩn đoán phân biệt
- Nấm da
- Thủy đậu
- Herpes simplex
- Hội chứng bong vảy da do tụ cầu
- Bệnh zona
- Pemphigus vulgaris
- Pemphigoid
3. ĐIỀU TRỊ
3.1. Nguyên tắc
- Kết hợp thuốc điều trị tại chỗ và toàn thân.
- Chống ngứa: tránh tự lây truyền.
- Điều trị biến chứng nếu có.
3.2. Điều trị cụ thể
3.2.1. Điều trị tại chỗ
- Ngâm tắm ngày một lần bằng nước thuốc tím loãng 1/10.000 hoặc các dung dịch sát khuẩn khác.
- Bọng nước, bọng mủ: tẩm gạc đắp dung dịch Jarish vào tổn thương ngày 2 lần sáng tối, mỗi lần trong 30 phút.
- Trường hợp nhiều vảy tiết: đắp nước muối sinh lý 9‰, dung dịch Jarish hoặc gạc mỡ vaselin lên tổn thương, đắp liên tục đến khi bong hết vảy.
- Kháng sinh tại chỗ: mupirocin, acid fusidic hoặc retapamulin bôi ngày 2 lần sáng - tối tại tổn thương, thường dùng trong 7 ngày.
3.2.2. Điều trị toàn thân
- Kháng sinh:
+ Chỉ định khi tổn thương nhiều, lan tỏa: lựa chọn một trong các phác đồ sau:
Kháng sinh
|
Liều lượng
|
Người lớn
|
Trẻ em
|
Cephalexin
|
Uống 250mg/lần x 4 lần/ ngày
|
Uống 25 mg/kg/ngày chia 4 lần
|
Dicloxacillin
|
Uống 500mg/lần x 4 lần/ ngày
|
Uống 25-50 mg/kg/ngày chia 4 lần
|
Cloxacillin
|
250-500mg/lần, 3-4 lần/ngày
|
50-100mg/kg/ngày, chia 3-4 lần
|
Oxacillin
|
Uống 0.5-1g/lần mỗi 4-6 giờ
|
Uống 12.5 - 25mg/kg/ lần mỗi 6 giờ
|
Amoxicillin/ clavulanic
|
Uống 1 -2 g chia 2 - 3 lần/ngày
|
40-80 mg/kg/ngày , chia 2-3 lần
|
Cefazolin
|
250-500mg/lần, 3-4 lần/ngày
|
25-50mg/kg/ngày chia 3-4 lần
|
Ceftriaxon
|
1-2g/ngày, tối đa 4g/ngày, truyền 1 lần
|
20-80mg/kg/ngày, tiêm tĩnh mạch, ngày 1 lần
|
Trường hợp do tụ cầu vàng kháng methicilin
|
Trimetroprim/ sulfamethaxol
|
160/800mg/lần x 2 lần/ngày
|
6-8mg Trimetroprim/kg/ngày chia 2 lần
|
Vancomycin
|
500mg/lần x 4 lần/ngày
Hoặc 1g/lần x 2 lần/ngày
|
40mg/kg/ngày chia 4 lần
|
Linezolid
|
600mg/lần x 2 lần/ngày
|
10mg/kg/lần x 3 lần/ngày
|
+ Trong trường hợp không đáp ứng với các nhóm kháng sinh trên: có thể dùng nhóm quinolon, macrolid hoặc aminoglycosid
+ Nếu chốc kháng thuốc hoặc chốc loét phải điều trị theo kháng sinh đồ
- Điều trị biến chứng nếu có.
4. PHÒNG BỆNH
- Chú ý phòng bệnh cho trẻ nhỏ, nhất là sau khi mắc bệnh do virus như sởi.
- Tắm rửa vệ sinh ngoài da, cắt tóc, cắt móng tay sạch sẽ.
- Tránh ở lâu những nơi ẩm thấp, thiếu ánh sáng.
- Điều trị sớm và tích cực, tránh chà xát, gãi nhiều gây biến chứng.
- Tránh côn trùng đốt.
|