Logo Xem trang đào tạo trực tuyến arrow1
space


PHÁ THAI BẰNG THUỐC

(Tham khảo chính: 4128/QĐ-BYT )

PHÁ THAI BẰNG THUỐC ĐẾN HẾT 9 TUẦN VÀ TỪ TUẦN THỨ 10 ĐẾN HẾT 12 TUẦN

Là phương pháp chấm dứt thai kỳ trong tử cung bằng cách sử dụng phối hợp mifepriston và misoprostol gây sẩy thai, cho tuổi thai đến hết 12 tuần (84 ngày).

  1. Chỉ định.

Thai trong tử cung với tuổi thai phù hợp.

  1. Chống chỉ định:

2.1. Tuyệt đối.

- Hẹp van 2 lá, tắc mạch và tiền sử tắc mạch.

- Bệnh lý tuyến thượng thận.

- Rối loạn đông máu, sử dụng thuốc chống đông.

- Thiếu máu (nặng và trung bình).

- Dị ứng mifepriston hay misoprostol.

- Chẩn đoán chắc chắn hoặc nghi ngờ có thai ngoài tử cung.

- Có thai tại vết sẹo mổ cũ ở tử cung.

2.2. Tương đối.

- Điều trị corticoid toàn thân lâu ngày.

- Tăng huyết áp.

- Đang viêm nhiễm đường sinh dục cấp tính (cần được điều trị).

- Dị dạng sinh dục (chỉ được làm tại tuyến trung ương).

- Có sẹo mổ tử cung cần thận trọng: giảm liều misoprostol và tăng khoảng cách thời gian giữa các lần dùng thuốc (chỉ được làm tại bệnh viện chuyên khoa phụ sản tuyến tỉnh và trung ương)

  1. Điều kiện áp dụng.

- Khách hàng có thể tới được cơ sở y tế thuận tiện và dễ dàng.

  1. Cơ sở vật chất, trang thiết bị và thuốc.

- Nơi cung cấp dịch vụ phải có nhà vệ sinh gần phòng theo dõi khi thực hiện phá thai.

- Có phòng thủ thuật và phương tiện đủ tiêu chuẩn theo quy định để thực hiện can thiệp khi cần.

- Phương tiện dụng cụ: cấp cứu, xử lý dụng cụ và chất thải.

- Thuốc: mifepriston, misoprostol, giảm đau, cấp cứu chống choáng

  1. Quy trình kỹ thuật.

5.1 Chuẩn bị khách hàng.

- Người cung cấp dịch vụ tự giới thiệu với khách hàng.

- Hỏi tiền sử nội ngoại khoa, sản phụ khoa, tiền sử dị ứng.

- Hỏi ngày đầu của kỳ kinh cuối.

- Khám lâm sàng: khám toàn thân, khám phụ khoa: phát hiện các bệnh LTQĐTD và loại trừ các trường hợp cần trì hoãn.

- Siêu âm xác định thai trong tử cung và tuổi thai

- Khách hàng ký cam kết tự nguyện phá thai (dưới 18 tuổi phải có đơn cam kết của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ).

5.2 Tư vấn phá thai bằng thuốc (khuyến khích hộ sinh được đào tạo làm công tác tư vấn) (xem thêm phần tư vấn phá thai).

- Giới thiệu hiệu quả của phá thai bằng thuốc và khẳng định khách hàng phải chấp nhận hút thai nếu phá thai bằng thuốc thất bại. Giới thiệu các tác dụng phụ của thuốc phá thai và cách xử lý.

- Giới thiệu quy trình phá thai bằng thuốc: cách uống thuốc và các triệu chứng bình thường sau uống thuốc (ra huyết âm đạo và đau bụng). Cần phải khám lại sau 1 đến 2 tuần

- Tư vấn cách tự theo dõi và tự chăm sóc sau dùng thuốc phá thai.

- Kê đơn thuốc giảm đau.

- Nhấn mạnh các triệu chứng cần trở lại cơ sở y tế ngay.

- Cung cấp thông tin liên lạc trong những tình huống cấp cứu.

- Cung cấp thông tin về khả năng có thai trở lại sau phá thai bằng thuốc.

- Giới thiệu các BPTT, giúp khách hàng lựa chọn BPTT phù hợp và hướng dẫn khách hàng sử dụng đúng.

- Các phương pháp tránh thai nội tiết có thể bắt đầu ngay khi phá thai. Vòng tránh thai có thể đặt khi chắc chắn rằng người phụ nữ không còn mang thai nữa và không có chống chỉ định.

5.3 Quy trình phá thai.

5.3.1. Thai đến hết 63 ngày.

- Uống 200 mg mifepriston.

- Sau khi dùng mifepriston từ 24 đến 48 giờ ngậm dưới lưỡi hoặc ngậm bên má 800 mcg misoprostol tại cơ sở y tế hoặc tại nhà tùy theo tuổi thai và nguyện vọng của khách hàng. Tuổi thai từ tuần thứ 8 đến hết 9 tuần nên dùng misoprostol và theo dõi sẩy thai tại cơ sở y tế.

- Cán bộ y tế nên chọn thời điểm dùng misoprostol để thuận lợi cho khách hàng khi cần hỗ trợ.

5.3.2. Thai từ 64 đến hết 84 ngày.

- Uống 200 mg mifepriston.

- Sau khi dùng mifepriston từ 24 đến 48 giờ:

+ Đặt túi cùng âm đạo 800 mcg misoprostol tại cơ sở y tế.

+ Sau mỗi 3 giờ ngậm dưới lưỡi 400 mcg misoprostol, tối đa là 4 liều đến khi sẩy thai hoàn toàn.

+ Nếu sau 3 giờ khi dùng liều misoprostol thứ 5 mà chưa sẩy thai, uống tiếp 200 mg mifepriston, cho khách hàng nghỉ 9-11 giờ, lặp lại các liều misoprostol như trên cho đến khi sẩy thai.

+ Nếu sau 2 lần theo phác đồ trên vẫn không sẩy thai thì chuyển sang phương pháp phá thai khác.

5.4 Theo dõi và chăm sóc: đối với khách hàng theo dõi tại cơ sở y tế

5.4.1. Theo dõi trong những giờ đầu sau khi dùng Misoprostol

- Dấu hiệu sinh tồn.

- Tình trạng ra máu âm đạo, đau bụng (có thể dùng thuốc giảm đau nếu cần) và các triệu chứng tác dụng phụ: nôn, buồn nôn, tiêu chảy, sốt.

- Cung cấp BPTT hoặc giới thiệu địa điểm cung cấp BPTT.

5.4.2. Khám lại sau 2 tuần

- Đánh giá hiệu quả điều trị.

- Sẩy thai hoàn toàn: kết thúc điều trị.

- Sẩy thai không hoàn toàn hoặc sót sản phẩm thụ thai:

+ Dùng 400 mcg Misoprostol ngậm dưới lưỡi hoặc

+ Dùng 600 mcg Misoprostol đường uống, có thể dùng lặp lại

+ Hút buồng tử cung

- Thai tiếp tục phát triển có thể hút thai hoặc tiếp tục liệu trình phá thai bằng thuốc nếu khách hàng mong muốn và trong giới hạn tuổi thai cho phép.

- Ghi chú: nếu ra máu nhiều (ướt đẫm 2 băng vệ sinh dày trong 1 giờ và kéo dài 2 giờ liên tiếp) phải khám lại ngay.

5.5 Tai biến và xử trí

- Tai biến: chảy máu nhiều, rong huyết kéo dài, nhiễm khuẩn, sót thai, sót rau.

- Xử trí: theo phác đồ cho từng tai biến.

 

PHÁ THAI BẰNG THUỐC TỪ TUẦN 13 ĐẾN HẾT TUẦN 22

  1. Chỉ định.

Thai từ tuần thứ 13 (tương đương với chiều dài đầu mông 52 mm) đến hết tuần thứ 22 (tương đương với đường kính lưỡng đỉnh 52 mm).

  1. Chống chỉ định.

2.1. Tuyệt đối.

- Hẹp van 2 lá, tắc mạch và tiền sử tắc mạch.

- Bệnh lý tuyến thượng thận.

- Rối loạn đông máu, sử dụng thuốc chống đông.

- Thiếu máu (nặng và trung bình).

- Dị ứng mifepriston hay misoprostol.

- Có vết sẹo mổ cũ ở thân tử cung.

- Rau cài răng lược.

2.2. Tương đối.

- Điều trị corticoid toàn thân lâu ngày.

- Tăng huyết áp.

- Đang viêm nhiễm đường sinh dục cấp tính (cần được điều trị).

- Dị dạng sinh dục (chỉ được làm tại tuyến trung ương).

- Có sẹo mổ ở đoạn dưới tử cung cần thận trọng: giảm liều misoprostol và tăng khoảng cách thời gian giữa các lần dùng thuốc (chỉ được làm tại bệnh viện chuyên khoa phụ sản tuyến tỉnh và trung ương)

  1. Cơ sở vật chất.

- Phòng thủ thuật: bảo đảm tiêu chuẩn quy định.

- Phương tiện dụng cụ:

+ Phương tiện cấp cứu.

+ Khay đựng mô thai và rau.

+ Dụng cụ kiểm soát buồng tử cung.

+ Các phương tiện xử lý dụng cụ và chất thải.

- Thuốc: misoprostol và mifepriston, giảm đau, chống choáng và thuốc tăng co.

  1. Quy trình kỹ thuật.

4.1. Chuẩn bị khách hàng.

- Hỏi tiền sử bệnh về nội, ngoại, sản phụ khoa và các bệnh LTQĐTD.

- Khám toàn thân.

- Khám phụ khoa

- Siêu âm

- Xác định tuổi thai (đối chiếu với siêu âm)

- Xét nghiệm máu

- Khách hàng ký cam kết tự nguyện phá thai (dưới 18 tuổi phải có đơn cam kết của bố hay mẹ hoặc người giám hộ).

4.2. Tư vấn (xem phần tư vấn phá thai).

- Thảo luận về quyết định chấm dứt thai nghén.

- Các nguy cơ, tai biến và biến chứng có thể xảy ra khi phá thai.

- Các phương pháp phá thai phù hợp với tuổi thai hiện có.

- Quy trình phá thai bằng thuốc.

- Tự theo dõi và chăm sóc sau phá thai.

- Các dấu hiệu cần khám lại ngay.

- Khả năng có thai lại sau phá thai.

- Các dấu hiệu thai nghén sớm dễ nhận biết để tránh phá thai lớn.

- Cung cấp thông tin về các BPTT, hướng dẫn chọn lựa BPTT phù hợp.

- Trả lời những câu hỏi của khách hàng và giải quyết những vấn đề lo lắng.

4.3. Quy trình phá thai

4.3.1.Phác đồ:

  1. Tuổi thai từ 13 đến hết 18 tuần:

- Uống 200 mg Mifepristone (1 viên)

- Sau 24-48 giờ đặt túi cùng âm đạo 400 mcg Misoprostol (2 viên). Sau mỗi 3 giờ, ngậm dưới lưỡi hoặc ngậm bên má 400 mcg Misoprostol (2 viên) cho tới khi sẩy thai. Nếu sau 5(năm) liều Misoprostol mà không sẩy thai thì ngày hôm sau dùng tiếp 5 (năm) liều 400mcg Misoprostol (2 viên) sau mỗi 3 giờ ngậm dưới lưỡi hoặc ngậm bên má cho tới khi sẩy thai. Nếu không sẩy thai dùng tiếp Misoprostol ngày thứ 3 theo phác đồ trên. Sau 3 ngày không sẩy thai dùng phương pháp khác.

  1. Tuổi thai từ 19 đến 22 tuần:

- Uống 200 mg Mifepristone (1 viên)

- Sau 24-48 giờ đặt túi cùng âm đạo 400 mcg Misoprostol (2 viên). Sau mỗi 3 giờ, ngậm dưới lưỡi hoặc ngậm bên má 400 mcg Misoprostol (2 viên) cho tới khi sẩy thai. Nếu sau 5(năm) liều Misoprostol mà không sẩy thai thì ngày hôm sau dùng tiếp 5 (năm) liều 400mcg Misoprostol (2 viên) sau mỗi 3 giờ ngậm dưới lưỡi hoặc ngậm bên má cho tới khi sẩy thai. Nếu không sẩy thai chuyển phương pháp khác.

4.3.2. Chăm sóc trong thủ thuật.

- Theo dõi toàn trạng mạch, huyết áp, nhiệt độ, ra máu âm đạo, đau bụng (cơn co tử cung) cứ 3 giờ/lần, khi bắt đầu có cơn co tử cung mạnh cứ 1,5 giờ/lần.

- Thăm âm đạo đánh giá cổ tử cung trước mỗi lần dùng thuốc.

- Cho uống thuốc giảm đau đường uống, tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạnh nếu cần thiết

- Sau khi sẩy thai và rau: dùng thuốc tăng co tử cung nếu cần. Chỉ định kiểm soát tử cung bằng dụng cụ (nếu cần). Cho uống kháng sinh trước khi kiểm soát tử cung.

- Nếu thai đã sổ nhưng rau thai vẫn nằm trong buồng tử cung, theo dõi thêm 1 giờ, nếu rau vẫn chưa sổ thì cho thêm 400 mcg Misoprostol ngậm dưới lưỡi hoặc ngậm bên má để giúp rau thai sổ. Nếu rau thai không sổ, lấy rau thai bằng dụng cụ.

- Xử lý thai, rau, chất thải và dụng cụ.

4.4. Theo dõi và chăm sóc.

- Sau khi thai ra, theo dõi ra máu âm đạo, co hồi tử cung ít nhất là 1 giờ/lần, cho đến khi ra viện.

- Ra viện sau khi ra thai ít nhất 2 giờ, nếu sức khỏe của người phụ nữ ổn định với các dấu hiệu sống trở lại bình thường và ra máu âm đạo ở mức độ cho phép.

- Kê đơn kháng sinh (nếu cần).

- Tư vấn sau thủ thuật về các biện pháp tránh thai phù hợp.

- Hẹn khám lại sau 2 tuần.

- Cung cấp BPTT hoặc giới thiệu địa điểm cung cấp BPTT.

4.5. Tai biến và xử trí.

- Tai biến: chảy máu, rách cổ tử cung, sót rau, vỡ tử cung, choáng, nhiễm khuẩn.

- Xử trí theo phác đồ cho từng tai biến (xem tài liệu đào tạo).

  • Sử dụng kháng sinh trong sản khoa
  • CHĂM SÓC TRƯỚC KHI CÓ THAI VÀ TRƯỚC KHI SINH TƯ VẤN, CHĂM SÓC TRƯỚC KHI CÓ THAI
  • Hỏi bệnh đối với thai phụ
  • Khám toàn thân cho thai phụ
  • Khám sản khoa
  • Giáo dục sức khỏe trong thai kỳ
  • Ghi chép sổ khám thai
  • Dặn dò sau khám thai
  • Tư vấn cho phụ nữ có thai
  • TƯ VẤN CHO SẢN PHỤ TRONG CHUYỂN DẠ VÀ NGAY SAU ĐẺ
  • Chẩn đoán chuyển dạ
  • KỸ NĂNG SỐNG LIÊN QUAN ĐẾN SỨC KHỎE SINH SẢN/SỨC KHỎE TÌNH DỤC CỦA VỊ THÀNH NIÊN VÀ THANH NIÊN
  • TÌNH DỤC AN TOÀN VÀ ĐỒNG THUẬN
  • KINH NGUYỆT VÀ XUẤT TINH Ở VỊ THÀNH NIÊN
  • Mãn dục nam
  • CHĂM SÓC TRƯỚC SINH
  • Quản lý thai
  • Đái tháo đường thai kỳ
  • Bệnh lý lành tính tuyến vú
  • U xơ tử cung
  • space
    Tài liệu đào tạo liên tục
    1-hình 1
    Tăng đường huyết sơ sinh

    3312/QĐ-BYT.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    Chăm sóc hậu sản

    ICPC.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    các nhóm kháng sinh

    DỰ ÁN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NHÂN LỰC Y TẾ PHỤC VỤ CẢI CÁCH HỆ THỐNG Y TẾ.....(xem tiếp)

    Kiến thức nhanh
    CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO CẤP CỨU NGOÀI BỆNH VIỆN- TẠI TRẠM Y TẾ - TẠI HIỆN TRƯỜNG / HPET
    Tập huấn sốt xuất huyết
    Chẩn đoán ngừng thở, ngừng tim
    

    Phụ trách admin BS Trần Cao Thịnh Phước (phuoctct@pnt.edu.vn)

    Phụ trách chuyên môn TS Võ Thành Liêm (thanhliem.vo@gmail.com)

    space