MÃN KINH - Đại cương
1.1. Định nghĩa: Mãn kinh là ngừng hành kinh do ngừng các hoạt động cơ bản của buồng trứng. Do không còn nang noãn phát triển nên không sản xuất các nội tiết sinh dục, niêm mạc tử cung không dày, không bong nên không còn hành kinh. 1.2. Tuổi mãn kinh Tuổi mãn kinh trung bình ở các nước phát triển là 51- 52 tuổi. Ở Việt nam, tuổi mãn kinh trung bình của phụ nữ Việt nam là 48-50. Một số yếu tố làm thay đổi tuổi mãn kinh: - Tình trạng kinh tế-xã hội thấp, suy dinh dưỡng và chế độ ăn chay trường hoặc sống trên vùng cao thường đưa đến mãn kinh sớm hơn bình thường. - Hút thuốc lá làm tuổi mãn kinh sớm hơn 2, 3 năm. - Chỉ số khối cơ thể cao và sinh nhiều con làm mãn kinh chậm hơn. - Phụ nữ đã bị cắt tử cung với 2 buồng trứng được bảo tồn thì mãn kinh sớm hơn 3,7 năm so với tuổi mãn kinh trung bình. 1.3. Phân loại - Mãn kinh tự nhiên (sinh lý). - Mãn kinh do phẫu thuật cắt bỏ hai buồng trứng, hoặc điều trị hóa chất hay tia xạ vùng chậu. - Mãn kinh sớm là mãn kinh trước 40 tuổi. Nguyên nhân là do suy buồng trứng sớm, chiếm tỷ lệ khoảng 5% đến 10% số phụ nữ có triệu chứng vô kinh thứ phát. Mãn kinh sớm gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, như bệnh lý tim mạch, loãng xương và bệnh Alzheimer sớm Có nhiều nguyên nhân gây ra mãn kinh sớm: + Phẫu thuật cắt bỏ 2 buồng trứng hoặc xạ trị vùng chậu hay hóa trị liệu. + Di truyền, bất thường thiếu enzyme như bệnh galactosemia hoặc thiếu men 17α- hydroxylase. + Nguyên nhân miễn dịch. + Bất thường trục hạ đồi-tuyến yên. + Nhiễm virus. - Chẩn đoán
2.1. Lâm sàng: là các biểu hiện của sự thiếu hụt estrogen ở phụ nữ mãn kinh. - Cơn bốc nóng mặt cổ, có thể lên đến 60%-85% số phụ nữ và kéo dài từ vài tháng đến vài năm. - Vã mồ hôi ban đêm, mất ngủ, mệt mỏi, dễ nóng giận ban ngày, và nặng hơn, có thể suy nhược thần kinh. - Đau nhức khớp và cơ, khô teo âm đạo, rối loạn tiết niệu-sinh dục. - Da mỏng, nhăn. Niêm mạc âm đạo teo mỏng, khô làm cho giao hợp đau, rát và dễ bị viêm nhiễm. - Sa tử cung và són tiểu. - Giảm mật độ xương có thể đưa đến loãng xương. - Tăng nguy cơ bệnh tim mạch như cao huyết áp, suy động mạch vành. - Tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa (bệnh đái tháo đường) - Rối loạn tri thức (bệnh Alzheimer). 2.2. Cận lâm sàng: - FSH ≥ 40mIU/ml - Estradiol < 30pg/ml 2.3 Chẩn đoán - Mãn kinh sinh lý: nếu một phụ nữ, từ trước vẫn luôn có kinh nguyệt đều đặn mỗi tháng, nay ngưng hành kinh 12 tháng liên tiếp. Không cần thiết làm xét nghiệm. - Mãn kinh sớm hay do phẫu thuật: cần làm xét nghiệm nồng độ huyết thanh cao của FSH, nồng độ thấp của Estradiol, định lượng ít nhất 3 lần trong vòng 4 tuần lễ. - Xử trí:
3.1. Điều trị và dự phòng các triệu chứng và bệnh lý tuổi mãn kinh Sử dụng nội tiết (liệu pháp hormone thay thế) sau khi xét nghiệm máu, tiểu cầu, fibrinogen và D.Dimer bình thường. - Estrogens: + Có thể sử dụng đường uống như estradiol valerate (Progynova, Valiera 1 hoặc 2 mg), estrogens liên hợp (Premarin 0,625 mg), hoặc dán da, thoa da, đặt âm đạo. Estrogens thường được kết hợp với progestogens trong mỗi viên thuốc. + Tác dụng có lợi của estrogens khi được sử dụng sớm, trước 60 tuổi và mãn kinh dưới 10 năm: điều trị hiệu quả các triêu chứng cơ năng của mãn kinh, giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim, loãng xương, sa sút trí tuệ, cải thiện tình trạng mỡ bụng dày, giữ đường huyết ổn định và giảm đề kháng insulin. + Nên sử dụng estrogen dán da cho phụ nữ mãn kinh có tiền sử hoặc nguy cơ cao bị viêm tắc tĩnh mạch như béo phì kèm các bệnh chuyển hóa, có hút thuốc hoặc cao huyết áp hay có rối loạn tình dục, có triglycerides cao sẵn hoặc cao sau khi uống nội tiết. + Không chỉ định sử dụng estrogen uống cho các phụ nữ có tiền sử viêm tắc mạch máu, xuất huyết âm đạo bất thường chưa điều trị, viêm gan cấp, nghi ngờ có bệnh ung thư, nghi ngờ có thai. + Nguy cơ ung thư vú tăng nhẹ khi sử dụng estrogens trên 5 năm ở phụ nữ trẻ, giảm nguy cơ ung thư đại-trực tràng. - Progestogens: + Nếu còn tử cung, thì phải sử dụng progestogen kèm theo estrogen. Progestogen có nhiều dạng như kết hợp với estrogen trong mỗi viên nội tiết (Femoston: 17 β- estradiol 1mg/dydrogesterone 5 mg), hoặc viên Dydrogesterone riêng lẻ (Duphaston 10 mg), hoặc progesterone dạng mịn (Utrogestan, Progendo, Cyclogest 200 mg). Một số tác dụng phụ của progestogen là căng đau vú, phù, trầm cảm hoặc nhẹ hơn, buồn bã, cáu gắt, bứt rứt. + Một số trường hợp phụ nữ mãn kinh, đã cắt tử cung rồi nhưng vẫn cần sử dụng progestogen kèm với estrogen: - Chỉ định cắt tử cung là lạc nội mạc tử cung.
- Phụ nữ đã cắt tử cung bán phần, có thể một ít nội mạc tử cung còn sót lại có thể sẽ bị tăng sản hoặc ung thư.
- Phụ nữ vừa bị cắt tử cung và hai phần phụ vì ung thư nội mạc tử cung.
- Phụ nữ đã được phẫu thuật điều trị u dạng nội mạc tử cung ở buồng trứng.
- Androgens sử dụng cho phụ nữ có các triệu chứng cơ năng mãn kinh nặng nề dù đã được điều trị bằng estrogen liều cao vẫn không thuyên giảm đau nhức, trầm cảm, nhưng không khuyến cáo sử dụng kéo dài. - SERMs (Selective Estrogen Receptors Modulators): raloxifene, tamoxifene, lasofoxifene, droloxifene, mới nhất là ospemifene …có tác dụng chọn lọc trên thụ thể estrogen, có thể vừa là đồng vận đối với mô xương nhưng đối vận đối với tuyến vú. SERMs cũng có tác dụng phụ tăng viêm tắc tĩnh mạch tương tự như estrogen. - Tibolone 2,5 mg/ngày, vừa có tác dụng như estrogen, progestogen và androgen. Tác dụng này có chọn lọc trên mô, giống như SERMs. Không nên chỉ định tibolone cho phụ nữ có tiền sử ung thư vú. - Các loại thực phẩm chức năng như phytoestrogens có ít hiệu quả điều trị các triệu chứng mãn kinh; Lepidium Meyenii được cho là có tác dụng điều trị mất ngủ, khô teo niêm mạc âm đạo gây giao hợp đau rát trên phụ nữ mãn kinh. - Các loại thuốc không nội tiết có thể được sử dụng như clonidine cho rối loạn vận mạch, vesicare cho đi tiểu són hay đi tiểu đêm nhiều lần… 3.2. Xử trí mãn kinhsớm - Phụ nữ mãn kinh trước 30 tuổi: xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ và các kháng thể tự miễn. - Sử dụng nội tiết (có thể uống thuốc viên tránh thai). Lưu ý: sàng lọc ung thư sinh dục trước khi sử dụng thuốc. - Tư vấn
Mãn kinh là khoảng thời gian có nhiều biến đổi trong cơ thể của phụ nữ do rối loạn nội tiết buồng trứng làm xuất hiện nhiều triệu chứng cơ năng rất khó chịu và một số bệnh lý tim mạch, loãng xương, sa sút trí tuệ. Cần tư vấn cho phụ nữ tuổi mãn kinh: - Luyện tập thể dục đều mỗi ngày, giữ tinh thần thoải mái, chế độ dinh dưỡng hợp lý. - Tránh các yếu tố nguy cơ cao như ngã gây tăng gãy xương, uống rượu hay hút thuốc làm giảm mật độ xương, tăng nguy cơ bệnh tim mạch, ung thư sinh dục… - Sử dụng nội tiết phù hợp, nếu cần thiết, và theo tư vấn của các chuyên gia về mãn kinh. Điều trị nội tiết phải được cân nhắc sử dụng sớm, ở lứa tuổi vừa mãn kinh. - Sàng lọc các bệnh lý thường gặp tuổi mãn kinh và các loại ung thư sinh dục để phát hiện sớm và điều trị kịp thời, hiệu quả.
|