Logo Xem trang đào tạo trực tuyến arrow1
space


PHÙ PHỔI CẤP TRONG CHUYỂN DẠ, CHUYỂN DẠ ĐÌNH TRỆ VÀ THEO DÕI CUỘC CHUYỂN DẠ VỚI SẢN PHỤ CÓ SẸO MỔ Ở TỬ CUNG

(Tham khảo chính: 4128/QĐ-BYT )

PHÙ PHỔI CẤP TRONG CHUYỂN DẠ

  1. Đại cương

Phù phổi cấp trong chuyển dạ là một cấp cứu trong sản khoa, thường xảy ra ở các bệnh nhân mắc bệnh tim, tăng huyết áp, tiền sản giật/sản giật hoặc các bệnh nhiễm trùng trong lúc mang thai. Cũng có khi do truyền dịch quá nhiều với tốc độ nhanh.

  1. Biểu hiện lâm sàng

- Phù phổi cấp có thể xuất hiện trong thai kỳ, trong chuyển dạ hoặc sau đẻ

- Khó thở đột ngột, nhịp thở nhanh, ho nhiều, môi và đầu chi tím, tinh thần hốt hoảng, tức ngực, vã mồ hôi lạnh chân tay.

- Ran ẩm nhỏ hạt ở đáy phổi dâng lên nhanh, gõ đục đáy phổi

- Từ ho khan chuyển sang khạc ra đờm bọt hồng ngày càng nhiều.

- Nhịp tim nhanh > 100 lần/ phút, kèm theo các tiếng tim bệnh lý. Đôi khi có tiếng ngựa phi.

- Huyết áp tăng cao hoặc kẹt.

- Áp lực tĩnh mạch trung ương (CVP) cao, tĩnh mạch cổ nổi.

- Xquang: phổi mờ

- Cần phân biệt với: cơn hen phế quản (phổi nhiều ran rít và ran ngáy, gõ vang, lồng ngực căng) và cơn hen tim (có khó thở thì thở ra, ran rít).

  1. Xử trí.

3.1. Xử trí ban đầu

- Trước một trường hợp phù phổi cấp, xử trí tích cực ban đầu là rất quan trọng nhằm cứu người bệnh qua cơn nguy kịch.

- Kêu gọi mọi người đến giúp đỡ, cùng cấp cứu người bệnh.

- Kiểm tra và theo dõi các dấu hiệu sinh tồn: mạch, huyết áp, nhịp thở, nghe tim phổi.

- Đảm bảo thông thoáng đường thở bằng cách cho nằm đầu cao.

- Hút đờm rãi làm thông đường hô hấp, cho thở oxy.

- Lập đường truyền tĩnh mạch.

- Tư vấn cho gia đình biết tình trạng nặng của bệnh, nguy cơ cho mẹ và cho con.

- Tuyến xã phải tiêm dưới da 10mg morphin và chuyển lên tuyến huyện ngay, có nhân viên y tế đi kèm, cho người bệnh thở oxy (nếu có), tư thế đầu cao khi chuyển.

3.2. Xử trí theo nguyên nhân.

Tuyến xã

- Gọi tuyến trên để được giúp đỡ, huy động tất cả nhân viên sẵn có tập trung cấp cứu người bệnh.

- Thực hiện xử trí ban đầu như trên.

- Tư vấn cho gia đình và chuyển tuyến trên, có nhân viên y tế đi kèm.

Tuyến huyện trở lên

Phù phổi cấp huyết động.

- Cho thai phụ ngồi thẳng, chân thõng.

- Garo ba chi luân chuyển.

- Đặt nội khí quản hút đờm rãi, thở oxy 60% với dung lượng 8-12 lít/phút.

- Tiêm tĩnh mạch:

+ Thuốc lợi tiểu (thuốc được lựa chọn thường là lasix 20mg x 4 ống). Khi cần thiết có thể tăng liều, tùy thuộc vào lượng nước tiểu và tình trạng khó thở của người bệnh.

+ Trợ tim: như cedilanit 0,4mg x 1-2 ống.

+ Tiêm dưới da 10mg morphin.

+ Nếu cần thì phải trích máu tĩnh mạch. Khuyến cáo nên trích 300ml máu.

- Xử trí sản khoa:

+ Phẫu thuật lấy thai khi tình trạng bệnh nhân cho phép hoặc forceps nếu đủ điều kiện

Phù phổi cấp do tổn thương.

- Đặt nội khí quản thở máy, hô hấp hỗ trợ, thở oxy

- Dopamin truyền tĩnh mạch.

- Truyền huyết tương.

- Kháng sinh liều cao.

- Methyl prednisolon: 30mg tiêm tĩnh mạch, cách 4 giờ/lần

- Phẫu thuật lấy thai khi tình trạng bệnh nhân cho phép hoặc forceps nếu đủ điều kiện.

3.3. Đánh giá lại.

- Sau khi đã điều trị tích cực trong khoảng 30 phút cần đánh giá lại xem người bệnh có đáp ứng với điều trị không:

- Tình trạng khó thở của bệnh nhân có cải thiện không.

- Nếu tình trạng người bệnh cải thiện thì tiếp tục điều trị duy trì, đồng thời điều trị nguyên nhân.

- Nếu tình trạng người bệnh không cải thiện thì phải tiếp tục điều trị tích cực, hội chẩn liên chuyên khoa và mời tuyến trên hỗ trợ hoặc chuyển tuyến.

 

CHUYỂN DẠ ĐÌNH TRỆ

Chuyển dạ đình trệ bao gồm chuyển dạ kéo dài và chuyển dạ tắc nghẽn.

  1. Các dấu hiệu của chuyển dạ đình trệ.

- Pha tiềm tàng kéo dài quá 8 giờ, pha tích cực kéo dài quá 7 giờ.

- Khám thấy độ lọt của ngôi không tiến triển.

- Xuất hiện các dấu hiệu chồng khớp sọ, bướu huyết thanh.

- Đường mở cổ tử cung cắt sang bên phải đường báo động trên biểu đồ chuyển dạ.

- Cổ tử cung ngừng tiến triển luôn là dấu hiệu của chuyển dạ đình trệ.

- Suy thai, cơn co tử cung mau (trên 5 cơn trong 10 phút), có vòng Bandl.

Chú ý: Không phải trường hợp chuyển dạ đình trệ nào cũng có đủ các dấu hiệu trên.

  1. Nguyên nhân gây chuyển dạ đình trệ.

- Do mẹ:

+ Bất tương xứng đầu-chậu, tiền sử mẹ mắc bệnh gây biến dạng khung chậu (bại liệt, lao xương, chấn thương vỡ xương chậu).

+ Rối loạn cơn co tử cung: cơn co thưa yếu, cơn co mau mạnh, cơn co không đồng bộ.

+ Có khối u ở tiểu khung (u xơ tử cung, u nang buồng trứng và các u tiểu khung khác).

- Do thai:

+ Các ngôi bất thường (trán, mặt, mông, vai).

+ Thai to (ước từ 3500 g trở lên).

+ Thai bất thường (não úng thủy, bụng cóc).

- Nguyên nhân khác.

+ Dây rốn ngắn.

  1. Xử trí.

- Tuyến xã: chuyển tuyến trên.

- Tuyến huyện trở lên: xử trí theo nguyên nhân.

+ Đẻ đường âm đạo (forceps hoặc giác kéo) khi đủ điều kiện.

+ Dùng thuốc điều chỉnh cơn co yếu khi chuyển dạ kéo dài.

+ Phẫu thuật lấy thai khi có chỉ định.

+ Hủy thai nếu có chỉ định.

 

THEO DÕI CUỘC CHUYỂN DẠ VỚI SẢN PHỤ CÓ SẸO MỔ Ở TỬ CUNG

Các loại sẹo mổ bóc u xơ, cơ tử cung, mổthân tử cung lấy thai trước đây, hoặc sẹo vỡ tử cung cũ và sẹo ghép tử cung đôi thì phải chỉ định phẫu thuật lấy thai chủ động từ tuần thứ 38 để tránh vỡ tử cung do nứt sẹo cũ.

Những sản phụ có sẹo mổ ở tử cung, lần này nếu muốn đẻ đường dưới phải được bác sĩ có kinh nghiệm theo dõi và tư vấn ở cơ sở có phẫu thuật. Sản phụ sẽ được tư vấn về khả năng đẻ được hay phải phẫu thuật vì nguy cơ cao cho cả mẹ và con.

  1. Các sẹo ở tử cung.

Bao gồm sẹo phẫu thuật lấy thai cũ, phẫu thuật bóc nhân xơ, phẫu thuật cắt góc tử cung do thai ngoài tử cung, phẫu thuật khâu các chấn thương cũ ở tử cung do vỡ, tai nạn, thủng tử cung và phẫu thuật ghép tử cung đôi.

  1. Tuyến xã và cơ sở tương đương.

Có nhiệm vụ quản lý thai, tư vấn về nguy cơ ban đầu và chuyển sản phụ lên tuyến trên để theo dõi, quản lý thai trước ba tháng cuối của thai kỳ.

  1. Tuyến huyện.

- Với ngôi chỏm theo dõi và tư vấn về nguy cơ, tiên lượng.

- Không được gây đẻ bằng thuốc.

- Nếu chuyển dạ tiến triển thuận lợi: cho đẻ bằng forceps và kiểm soát tử cung sau đẻ.

- Nếu cuộc chuyển dạ tiến triển bất thường thì phẫu thuật lấy thai.

  1. Tuyến tỉnh.

- Nếu chuyển dạ tiến triển thuận lợi: tùy theo kinh nghiệm và khả năng của thầy thuốc có thể cho đẻ đường âm đạo có thể không cần kiểm soát tử cung sau đẻ.

- Nếu cuộc chuyển dạ tiến triển bất thường thì phẫu thuật lấy thai.

  • Sử dụng kháng sinh trong sản khoa
  • CHĂM SÓC TRƯỚC KHI CÓ THAI VÀ TRƯỚC KHI SINH TƯ VẤN, CHĂM SÓC TRƯỚC KHI CÓ THAI
  • Hỏi bệnh đối với thai phụ
  • Khám toàn thân cho thai phụ
  • Khám sản khoa
  • Giáo dục sức khỏe trong thai kỳ
  • Ghi chép sổ khám thai
  • Dặn dò sau khám thai
  • Tư vấn cho phụ nữ có thai
  • TƯ VẤN CHO SẢN PHỤ TRONG CHUYỂN DẠ VÀ NGAY SAU ĐẺ
  • Chẩn đoán chuyển dạ
  • KỸ NĂNG SỐNG LIÊN QUAN ĐẾN SỨC KHỎE SINH SẢN/SỨC KHỎE TÌNH DỤC CỦA VỊ THÀNH NIÊN VÀ THANH NIÊN
  • TÌNH DỤC AN TOÀN VÀ ĐỒNG THUẬN
  • KINH NGUYỆT VÀ XUẤT TINH Ở VỊ THÀNH NIÊN
  • Mãn dục nam
  • CHĂM SÓC TRƯỚC SINH
  • Quản lý thai
  • Đái tháo đường thai kỳ
  • Bệnh lý lành tính tuyến vú
  • U xơ tử cung
  • space
    Tài liệu đào tạo liên tục
    1-hình 1
    hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sùi mào gà

    5185/QĐ-BYT.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    quan niệm mới về điều trị nghiện ma túy ở việt nam

    DỰ ÁN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NHÂN LỰC Y TẾ PHỤC VỤ CẢI CÁCH HỆ THỐNG Y TẾ.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    Bệnh giang mai: Điều trị và theo dõi

    uptodate.....(xem tiếp)

    Kiến thức nhanh
    Sử dụng kết quả xét nghiệm phát hiện nhiễm mới hiv
    Phục hồi chức năng cho người bệnh liệt nửa người do tai biến mạch máu não
    Thực hành x quang x9
    

    Phụ trách admin BS Trần Cao Thịnh Phước (phuoctct@pnt.edu.vn)

    Phụ trách chuyên môn TS Võ Thành Liêm (thanhliem.vo@gmail.com)

    space