Trước khi chẩn đoán ĐĐ căng cơ, cần loại trừ các căn nguyên đau đầu khác. Tuy nhiên không nên lặp lại vô ích các XN CLS nếu không có thay đổi về đặc tính các cơn đau.
4.3.1. Tư vấn cho bệnh nhân đau đầu:
Tư vấn cần được điều chỉnh theo từng trường hợp cụ thể, mục đích là giải thích về bệnh lý và trấn an bệnh nhân rằng đây là một bệnh lý mạn nhưng lành tính. Đôi khi như thế đã đủ đối với bệnh nhân.
Loại bỏ các yếu tố khởi phát cơn đau đầu: không nhất thiết phải loại bỏ hoàn toàn các loại thức ăn thức uống (trừ khi một loại nào đó là nguyên nhân thường xuyên gây ra cơn đau đầu)
Nên điều chỉnh chế độ ăn uống cho cân bằng, hợp lý; phân bố thời gian học tập, công tác và nghỉ ngơi phù hợp để hồi phục sức khoẻ; đảm bảo ngủ đủ giấc (7 – 8 giờ/ mỗi đêm hoặc sau ngủ dậy cảm giác thoải mái); biết chấp nhận, bằng lòng với thực tế; có thái độ tích cực trong cuộc sống, biết cách giải toả tâm lý nặng nề dễ chán nản, tham gia vào các hoạt động xã hội, sống hoà nhập với cộng đồng.
Tập thể dục, luyện thư giãn, tập yoga, dưỡng sinh đúng phương pháp, thường xuyên sẽ làm giảm triệu chứng đau đầu.
Bệnh nhân cần từ bỏ những thói quen có hại như thuốc lá, uống nhiều rượu.
Lưu ý bệnh nhân những nguy cơ liên quan đến lạm dụng thuốc giảm đau kéo dài. Vài loại thuốc giảm đau có thể gây tăng nặng đau đầu nếu lạm dụng kéo dài: NSAIDs, ergotamic
4.3.2. Mục đích điều trị đặc hiệu:
Gồm hai phần: cắt cơn đau đầu cấp tính và phòng ngừa tái phát cơn
4.3.3. Điều trị cấp tính:
Nhằm cắt cơn hoặc làm giảm độ nặng của mỗi cơn đau bao gồm thuốc giảm đau đơn thuần hoặc kết hợp với cafein, thuốc giải lo âu; thuốc kháng viêm non-steroid (NSAIDs).
Thuốc trị đau đầu cấp tính nên dùng với liều tương đối cao và càng sớm càng tốt.
Chọn lựa thuốc cần dựa vào độ nặng và tần suất cơn đau đầu, càc triệu chứng kèm theo, các bệnh kèm theo và các điều trị trước đó của bệnh nhân.
Cần lưu ý rằng dùng thuốc giảm đau quá mức có nguy cơ lệ thuộc và lạm dụng thuốc cũng như tiềm năng gây đau đầu mãn tính hàng ngày. Do đó việc sử dụng thuốc phải rất giới hạn. Thuốc điều trị cơn cấp tính không nên dùng quá 2 ngày/1 tuần. Nếu đau đầu căng cơ xảy ra thường xuyên > 2 ngày/1 tuần, cần dùng biện pháp phòng ngừa.
4.3.4. Điều trị phòng ngừa:
Khi mà sự tư vấn và nâng đỡ tâm lý không đạt được hiệu quả.
Được dùng để làm giảm tần suất và độ nặng của các cơn đau đầu và cần được cân nhắc sử dụng khi tần số cơn > 2 ngày/1 tuần, thời gian đau > 3-4 giờ và mức độ đau nặng.
Các loại thuốc phòng ngừa bao gồm: Thuốc chống trầm cảm Amitriptyline, thuốc giãn cơ, một số thuốc chống động kinh Depakin (valproate).
Thuốc phòng ngừa nên bắt đầu với liều thấp và tăng từ từ cho đến khi có hiệuquả điều trị. Nếu bệnh nhân không tác dụng với liều thấp thì cần tăng dần liều lên mức tối đa có thể chịu được trước khi kết luận thuốc không hiệu quả. Thời gian tác dụng thuốc đầy đủ có thế kéo dài 2-6 tháng.
4.3.5. Theo dõi và tái khám:
Đau đầu có thể được cải thiện theo thời gian mà không phụ thuộc vào điều trị. Sau khi kiểm soát được cơn đau tốt, có thể giảm liều dần rồi tạm ngưng dùng thuốc.
4.3.6. Thuốc:
Thuốc giảm đau đơn thuần: Acetaminophen 650mg và 1000mg.
NSAIDS: có tác dụng kháng viêm, giảm đau, giảm sốt và hấp thu nhanh khi uống. Những tác dụng phụ của NSAIDS: tác dụng phụ trên dạ dày (xuất huyết, buồn nôn, nôn ói, táo bón, loét, đau vùng thượng vị và tiêu chảy), tác dụng phụ trên da liễu (phát ban, ngứa), tác dụng phụ về thần kinh (đau đầu, hôn mê, lẫn lộn), hiếm hơn là phù, giảm bạch cầu hạt, rối loạn chức năng gan.
Các loại thuốc chống trầm cảm: Amitriptyline (liều dùng 25mg/ngày, tăng lên dần đến khi có hiệu quả trong vòng 1 tháng, sau đó giảm liều dần trong nhiều tháng), Doxepin, Nortriptyline, Protriptyline;
Thuốc dãn cơ: Tizanidine, Baclofen
Nhóm thuốc chống động kinh: Valproic Acid: liều 1000-2500mg/ngày có tác dụng trong việc điều trị các bệnh nhân mắc đồng thời migraine và đau đầu căng cơ mạn tính; Topiramate: 150mg/ngày; Gabapentin: 600 - 900mg/ngày
|