Tiêu chảy cấp ở người lớn có nhiều nguyên nhân phong phú, từ nguyên nhân cơ năng đến các nguyên nhân thực thể. Một cách khái quát, có thể phân các nguyên nhân theo 4 nhóm cơ chế khác nhau :
• Tiêu chảy do tăng thẩm thấu gây giữ nước trong phân: ví dụ như trường hợp dùng các thuốc nhuận tràng, thuốc chống acid dạ dày có chất magnesium, thuốc manitol, sorbitol...Đặc trưng của nhóm này là nếu BN ngưng dùng chất gây giữ nước thì tiêu chảy sẽ chấm dứt
• Tiêu chảy xuất tiết: Cơ chế là do niêm mạc ruột tăng xuất tiết vào trong lòng ruột làm tăng lượng nước trong phân. Ví dụ là tiêu chảy do bệnh tả (Vibro Cholerea), thuốc nhuận trường, đôi khi là tình trạng dị ứng tại ruột...
• Tiêu chảy do giảm hấp thu của đường tiêu hóa: Thường là cơ chế do viêm nhiễm vùng ruột. Tùy theo tác nhân gây bệnh tại ruột non hoặc ruột già mà số lượng phân, khối lượng nước trong phân khác nhau, các triệu chứng khác nhau.
• Tiêu chảy do tăng nhu động ruột: Do ruột tăng nhu động đưa đến thức ăn không có thời gian lưu tại ruột non, nước và chất dinh dưỡng không được hấp thu tốt do vậy làm tăng lượng nước và phân tại đại tràng gây tiêu chảy. Đặc trưng của nhóm này là tình trạng đau bụng rất rõ, khối lượng phân nhiều.
Vì cơ chế khác nhau, để điều trị triệt để nguyên nhân, chúng ta cần phải sử dụng thuốc phù hợp theo cơ chế sinh bệnh, phù hợp với tác nhân gây bệnh.
Bên cạnh điều trị nguyên nhân, người bệnh cũng cần các biệt pháp điều trị hỗ trợ bao gồm bù nước và điện giải, chống co thắt điều hòa triệu chứng đau bụng, nôn ói và tiêu chảy, sử dụng kháng sinh phù hợp đối với tiêu chảy nhiễm trùng, bảo vệ và tái hồi phục lớp niêm mạc ruột.
|