Trong bối cảnh điều trị nội trú, dịch báng có thể được chọc rút và được theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa. Trong bối cảnh chăm sóc ngoại trú, phương tiện đầu tay để điều trị vẫn là thuốc lợi tiểu. Chế độ phối hợp 2 nhóm thuốc đường uống spironolactone (50-100mg/ngày) và furosemide (40mg/ngày) cho phép đạt mục tiêu điều trị 32. Liều có thể tăng dần tùy theo tình trạng đáp ứng của người bệnh nhưng cần lưu ý không để ảnh hưởng đến tuần hoàn hiệu quả. Liều tối đa được khuyến cáo là spironolactone 400mg/ngày và furosemide 150mg/ngày18,19
Do thuốc spironolacton có thời gian bán hủy kéo dài nên thuốc có thể sử dụng một lần trong ngày, giúp tăng khả năng tuân thủ điều trị. Thuốc furosemide có thời gian đỉnh tác dụng là sau 1-2h và kéo dài 6h. Do vậy cần bố trí chia thành nhiều liều nhỏ trong ngày.
Điểm cần chú ý là hiệu quả điều trị sẽ cao với cách dùng phối hợp thuốc spironolactone và furosemide hơn là dùng furosemide đơn độc33. Tác giả Santoz cho thấy việc sử dụng đơn độc spironolactone có thể cho hiệu quả tương đương nhưng ít tác dụng phụ hơn so với phương pháp phối hợp trên các người bệnh ở giai đoạn nhẹ34.
Đối với trường hợp sử dụng đơn thuần spironolactone, đặc biệt ở liều cao và người bệnh có thiểu niệu của hội chứng gan thận, nguy cơ tăng kali máu sẽ cao. Do vậy, phác đồ phối hợp 2 nhóm thuốc được khuyến cáo trong trường hợp tình trạng bệnh tiến triển nặng.
|