Đối với bác sĩ, việc mã hóa số liệu thường được xem là công việc khó khăn, mất thời gian. Tuy nhiên, việc mã hóa cho phép dữ liệu bệnh án có thể được chuẩn hóa, tổng hợp, thống kê, phân tích một cách nhanh chóng. Các thông tin này này không chỉ phục vụ quản lý hành chính, mà hơn thế nữa, dữ liệu có thể phục vụ tích cực cho công tác điều trị bệnh nhân và nâng cao chuyên môn nhân viên y tế. Do vậy, chúng ta cần quan tâm đúng mức việc mã hóa số liệu.
Tương ứng với đặc thù bệnh ngoại trú như đã nêu trên, chương trình bệnh án điện tử ngoại trú cũng cần phải có bộ mã định danh phù hợp. Nếu như bộ mã ICD10 (International Classification of Disease – Bảng danh mục bệnh quốc tế) được dùng chính thức trong bệnh viện đối với trường hợp bệnh đã có chẩn đoán xác định. Tuy nhiên, bộ mã ICD10 không phù hợp khi sử dụng trong môi trường chuyên môn ngoại trú. Sự bất hợp lý xuất phát từ bối cảnh công tác-đối tượng chăm sóc khác nhau đưa đến hậu quả là số liệu ghi nhận không thể sử dụng được (dữ liệu không mã hóa, mã hóa không chính xác, mã hóa cho có..)
Để đáp ứng nhu cầu mã hóa trong công tác chăm sóc ngoại trú, tổ chức y tế thế giới có bộ mã ICPC2 (International Classification for Primary Care). So với ICD10 với hơn 10.000 mã khác nhau, ICPC2 chỉ có 1366 mã. Mã ICPC2 có cấu trúc 2 chiều, dễ nhớ và dễ dàng giới thiệu trên 2 trang giấy.
Bộ mã được xây dựng dựa trên nguyên lý vấn đề sức khỏe thường gặp. Chúng ta có thể ghi nhận từ bộ mã này hầu hết các mặt bệnh và các vấn đề sức khỏe thường gặp trong chăm sóc ngoại trú. Điều này có thể thiếu xót đối với một số ít trường hợp như bệnh nặng nhưng hiếm gặp trong bối cảnh chăm sóc bệnh ngoại trú như hôn mê tiểu đường. Ngược lại, lợi thế của ICPC2 là cho phép có bộ danh mục ngắn gọn, thao tác nhanh, dễ nhớ, trung thực với thông tin gốc, hạn chế diễn giải và đáp ứng hơn 99% trường hợp thực tế. Nội dung chi tiết về ICPC2 sẽ được trình bày trong bài riêng. (xin xem thêm bài về ICPC2 để có thông tin chi tiết).
|