Tuổi tác đi kèm với sự thoái hóa, lão hóa nhiều hệ cơ quan trong cơ thể. Có thể liệt kê một số dưới đây:
- Về trí nhớ, người lớn tuổi có thể có quên sinh lý, Giảm nhẹ trí nhớ làm việc và trí nhớ tạm thời, Giảm nhẹ trong chức năng ghi nhận, Giảm dòng suy nghĩ, Giảm khả năng phân chia sự quan tâm, Tâm thần vận động chậm (thời gian phản ứng). Dù vậy, bộ nhớ ngữ nghĩa, ẩn ý và quy trình còn nguyên vẹn; do đó một số người lớn tuổi có thể có tính hay suy diễn, tâm lý dễ nhạy cảm. Khi tiếp xúc với người lớn tuổi cần cẩn trọng trong lời nói, tránh những hiểu lầm đáng tiếc do sự suy diễn sai ý muốn trao đổi. Cần lưu ý là những thay đổi này chỉ tiến triển chậm, kín đáo diễn ra qua nhiều thập kỷ.
- Về thính lực: Giảm nhận biết âm thanh cao, đặc biệt là khi có sự hiện diện của tiếng ồn xung quanh (lãng tai người già), Khó phân biệt các giọng điệu khác nhau. Cần lưu ý là lãng tai sinh lý không đồng nghĩa với giảm thính lực. Việc hét to vào tai bệnh nhân không giúp cải thiện việc trao đổi mà còn gây khó chịu cho họ. Thay vào đó cần phát âm rõ ràng từng từ, tránh cao giọng hay thay đổi âm điệu liên tục.
- Về thị lực người cao tuổi sẽ bị: Giảm sự ổn định của màng nước mắt, Thay đổi trong cấu trúc của thủy tinh thể, Giảm đường kính đồng tử, Giảm độ trong suốt của thủy tinh thể, Mất tế bào và thay đổi của thần kinh
- Đối với hệ Tim mạch: Nhịp tim giảm khi nghỉ ngơi (đặc biệt là ở những người đã từng có thói quen tập thể dục nhiều, vận động mạnh khi còn trẻ), Giảm thể tích tâm trương,Xâm nhập của collagen vào mô dẫn truyền, Mất tế bào cơ tim, Phì đại đồng tâm của tâm thất trái, Vôi hóa van, Giảm đàn hồi thành mạch, đặc biệt là các mạch máu lớn.
- Nội tiết: Giảm một số kích thích tố (renin, aldosterone, testosterone, GH, IGF-1, DHEA) Tăng ADH, Giảm kích hoạt của vitamin D, Mất cân bằng canxi.
- Tiêu hóa: Giảm hoặc tăng nhu động, Phân qua đại tràng chậm, Giảm vơi dạ dày, Yếu tố bảo vệ dạ dày giảm, Giảm khả năng miễn dịch đường tiêu hóa, Giảm hấp thu một số chất, Giảm sự chuyển hóa thuốc ở gan
- Cơ xương khớp: Dễ nhận thấy là người cao tuổi sẽ bị giảm sự linh hoạt và không còn mạnh mẽ như trước. Nhìn chung có rất nhiều sự thay đổi: Giảm số lượng sợi cơ 30-40%, Giảm sức mạnh cơ bắp của 40-60%, Giảm khối lượng cơ bắp, Chất béo xâm nhập các mô cơ, Giảm hydrat hóa của sụn và đĩa đệm, Giảm sức mạnh của gân và dây chằng. Mật độ khoáng xương giảm nên người cao tuổi dễ bị gãy xương hơn khi có chấn thương.
- Khả năng hô hấp của người cao tuổi cũng giảm đi do: Giảm sự giãn nở của thành ngự, Tăng khả năng tổn thương mô phổi, Giảm số lượng các đơn vị của hệ hô hấp. Lực hô hấp cũng giảm do mất sức mạnh và sức chịu đựng của các cơ hô hấp. Ngoài ra còn có sự tăng phản ứng đường hô hấp.
- Đối với hệ thận - tiết niệu: Giảm khối lượng thận bằng 25%, Giảm độ lọc cầu thận, Giảm khả năng tập trung và pha loãng nước tiểu, Giảm tưới máu thận. Tăng lượng nước tiểu tồn lưu trong bàng quang có thể liên quan đến các thay đổi về thần kinh cơ hoặc bệnh lý tuyến tiền liệt.
- Về mặt thần kinh, rõ ràng người lớn tuổi sẽ thường bị giảm sự khéo léo, giảm các kỹ năng vận động tinh vi. Trên CĐHA khá thường thấy hiện tượng giảm thể tích não ở người cao tuổi. Hiện tượng này một phần liên quan đến tình trạng thiếu nước ở người già, nhưng hiển nhiên vẫn có hiện tượng mất tế bào thần kinh. Ngoài ra còn có: Giảm tổng hợp các chất dẫn truyền thần kinh, Giảm độ nhạy cảm giác sâu (rung, cảm giác tư thế), Giảm phản ứng phản xạ, Giảm phản xạ gân xương
- Dinh dưỡng của người cao tuổi thường kém. Họ thường mắc các bệnh chuyển hóa mạn tính, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa lipid, tăng acid uric máu, v.v… nên phải ăn kiêng nhiều thứ, thay đổi thói quen ăn uống. Việc nêm đồ ăn lạt đi cộng với giảm cảm nhận vị giác và các mùi hương làm cho họ chán ăn, không cảm giác ngon miệng. Khả năng hấp thu kém cũng góp phần làm trầm trọng tình trạng dinh dưỡng, đặc biệt là những người rất cao tuổi. Những thay đổi trong thành phần cơ thể có thể kể đến như: giảm khối lượng cơ nạc (30-40%), tăng khối lượng chất béo (35- 50% tổng trọng lượng), phân phối lại chất béo (nội tạng> ngoại vi).
|