Có thể nói lịch sử phát triển chuyên ngành Y học gia đình tại Việt Nam được bắt đầu rất sớm từ năm 1995 bằng việc Bộ y tế tiến hành khảo sát đánh giá nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu tại Việt Nam. Tiếp theo đó, Bộ y tế đã phát triển dự thảo nhằm kiện toàn mạng lưới chăm sóc tuyến cơ sở trên cơ sở phát triển chuyên ngành y học gia đình củng cố cho trạm y tế.
Năm 1996, với sự ủng hộ của bộ y tế, một đoàn chuyên gia Mỹ của trung tâm bác sĩ gia đình Maine đã đến làm việc với các trường đại học y dược tại Việt Nam. Trong đó, GS.TS. Phạm Huy Dũng của trường đại học Y Hà Nội là người tiếp xúc đầu tiên.
Năm 1998, dự án phát triển đào tạo bác sĩ gia đình tại Việt Nam với sự tài trợ bởi quỹ CMB (China Medical Board of New York) được Bộ Y tế phê duyệt. Dự án nhằm mục đích triển khai đào tạo chuyên ngành Y học gia đình tại 3 trường đại học thí điểm. Năm 1999, 2 hội thảo khác nhau được tổ chức dưới sự hỗ trợ của Bộ y tế, trung tâm Y khoa Maine – Mỹ tại trường ĐH Y Hà Nội với chủ đề “Triết lý và khái niệm Y học gia đình” và tại trường ĐH Y Dược TP.Hồ Chí Minh với chủ đề “Giới thiệu Y học gia đình”.10
Năm 2000, thông qua chương trình học bổng cung cấp bởi các đối tác Mỹ, đã có 4 giảng viên từ 3 trường y được tham gia đào tạo tại Mỹ trong đó 1 người từ đại học Y Hà Nội (BS Phạm Nhật An), 1 người từ đại học Y Thái Nguyên (BS Hạc Văn Vinh) và 2 người từ đại học Y Dược TP HCM (BS Lê Hoàng Ninh và BS Phạm Lê An)10. Năm 2000, triển khai Dự án phát triển mạng lưới BSGĐ ở Việt Nam với mục tiêu chính là đào tạo bác sĩ CKI chuyên ngành YHGĐ và xây dựng Bộ môn/Trung tâm YHGĐ tại các trường đại học Y Dược. Dự án được Trường Đại học Y Hà Nội triển khai, tham gia Dự án có Trường Đại học Y Dược Hồ Chí Minh và Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên.
Tháng 3 năm 2001, Bộ y tế công nhận chương trình đào tạo Y học gia đình hệ chuyên khoa 1. Ngay trong năm đó, cả 3 trường Y thành viên đều đồng loạt tuyển sinh khóa chuyên khoa 1 đầu tiên. Học viên theo học các khóa đầu tiên này đều được hưởng các ưu đãi trợ cấp của các đối tác của Mỹ.
Đến năm 2002, dưới sự hỗ trợ của trường ĐH Y dược TP.HCM, Đại học Y Cần Thơ bắt đầu thành lập bộ môn hệ sau đại học.
Năm 2004, trong chuyến công tác của đoàn chuyên gia thuộc ĐH Liège – Bỉ tiếp xúc với lãnh đạo Sở y tế TP.HCM, GS. Didiet GIET nhận ra nhu cầu về đào tạo và phát triển mô hình bác sĩ gia đình tại Việt Nam. Kết quả của chuyến công tác là dự án WBI – Bỉ nhằm tiến hành các khóa đào tạo ngắn hạn cho các thành viên chủ chốt – còn gọi là nhóm tiên phong G9 – đến từ Sở y tế TP HCM, các bệnh viện và giảng viên trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Nhóm G9 được kỳ vọng sẽ là nồng cốt phát triển chương trình về sau.
Ngày 26/04/2005, Hội Bác sĩ gia đình Việt Nam được thành lập với Quyết định số 43/2005/QB-BNV của Bộ nội vụ.
Tháng 7 năm 2007, Đại học Y Huế kết hợp với các chuyên gia đối tác của Mỹ (Trung tâm Y học Maine) để triển khai dự án hợp tác đào tạo bác sĩ chuyên khoa I YHGĐ cho tỉnh Khánh Hòa
Năm 2007: Đại học Y Hải Phòng mở trung tâm Y học gia đình
Tháng 11 năm 2008, đại học Y Dược TP.HCM đăng cai tổ chức hội thảo WONCA-ASIA PACIFIC.
Năm 2009, Bệnh viện Bộ Nông nghiệp (Hà Nội) tham gia vào mạng lưới hợp tác Y học gia đình thông qua dự án WBI tài trợ bởi chính phủ Bỉ.
Năm 2010: Đại học Y Hà Nội mở mã ngành đào tạo thạc sĩ Y học gia đình.
Tháng 3 năm 2011: thành lập bộ môn YHGĐ tại trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Tháng 9 năm 2011: hội thảo về Y học gia đình tại Huế đánh dấu kỷ niệm 10 năm dự án phát triển Y học gia đình tại Việt Nam với sự tham dự của 8 trường đại học y dược có đào tạo chuyên ngành này.
Tính đến thời điểm năm 2018, cả nước đã có 7 trường tham gia đào tạo hệ sau đại học về Y học gia đình. Phần lớn các trường chỉ giới hạn mức độ đào tạo ở cấp đại học (cho sinh viên Y5) và mức chuyên khoa cấp I. Riêng đối với trường Đại học y Hà Nội đã mở mã đào tạo thạc sĩ, trường Đại học y dược TP.HCM đã mở mã đào tạo chuyên khoa II.
Dự án HPET của Bộ Y tế đã ban hành Chương trình đào tạo 3 tháng “CSSKBĐ theo nguyên lý YHGĐ dành cho bác sĩ công tác tại trạm y tế xã” ngày 08/05/2017; sau hơn hai năm triển khai chương trình đã được chỉnh sửa và ban hành ngày 27/11/2019.11
Trong giai đoạn đầu, đa phần giảng viên được đào tạo tại Mỹ và Philipine theo dự án tài trợ bởi các đối tác của Mỹ, Bỉ. Về sau, trường Đại học y Hà Nội mở chuyên ngành thạc sĩ về Y học gia đình, cho phép đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực giảng viên cho các trường.
Mặc dù có nhiều trường tổ chức đào tạo, số lượng người theo học vẫn còn rất hạn chế trong giai đoạn này do chưa có các văn bản pháp lý hướng dẫn – hỗ trợ. Văn bản pháp lý giữ vai trò quan trọng của cấp chứng chỉ hành nghề cho riêng chuyên ngành này là thông tư 16/2014/TT-BYT ban hành ngày 22/5/2014 qui định về “hướng dẫn thí điểm về bác sĩ gia đình và phòng khám bác sĩ gia đình”. Với cơ chế pháp lý rõ ràng, giai đoạn 2014-2015 đã có rất nhiều người theo học và được cấp chứng chỉ hành nghề về y học gia đình, trong phép cung cấp nguồn nhân lực cho các chương trình về nhân rộng mô hình này tại Việt Nam. Tuy nhiên, văn bản này hết hiệu lực vào ngày 1/1/2016. Kể từ ngày đó, hầu hết các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn về Y học gia đình đều gặp khó khăn trong tuyển sinh vì không có học viên theo học.
Sau một thời gian dài nghiên cứu – góp ý, thông tư 21/2019/TT-BYT được ban hành ngày 21/8/2019 cung cấp “hướng dẫn thí điểm về hoạt động y học gia đình” đã tạo điều kiện cho sự phát triển của chuyên ngành. Điểm mới của thông tư thể hiện ở các nội dung:
• Cung cấp định nghĩa chức năng, nhiệm vụ của các cơ sở y học gia đình. Trong đó nhấn mạnh sự tham gia của phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa tư nhân, phòng khám đa khoa khu vực, phần nào tách bạch y học gia đình với các đơn vị y tế có chức năng điều trị nội trú
• Định nghĩa nhiệm vụ của các cơ sở y tế, trong đó khẳng định là cơ sở đầu tiên tiếp nhận, quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu, có thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phòng bệnh, nâng cao sức khỏe, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh đa khoa
• Được cung cấp dịch vụ chăm sóc, khám bệnh, chữa bệnh tại nhà theo danh mục đính kèm thông tư
• Quy định danh mục kỹ thuật
• Quy định điều kiện được thực hành y học gia đình với thời gian đào tạo 3 tháng
• Cho phép bác sĩ y học dự phòng có chứng chỉ hành nghề được quyền theo học và được tham gia khám bệnh, chữa bệnh theo y học gia đình tại trạm y tế tuyến phường, xã, thị trấn.
Luật khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15, ban hành ngày 9/1/2023 đã dành riêng điều 81 để quy định về khám bệnh chữa bệnh y học gia đình. Trong đó quy định các nhiệm vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình:
• a) Quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu trên địa bàn hoạt động;
• b) Tư vấn, dự phòng bệnh, tật và nâng cao sức khỏe;
• c) Cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh ban đầu;
• d) Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, chăm sóc giảm nhẹ, chăm sóc cuối đời tại nhà;
• đ) Quyết định việc chuyển người bệnh thuộc đối tượng quản lý đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác; tiếp nhận, quản lý sức khỏe người bệnh do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyển đến;
• e) Thực hiện nhiệm vụ khác do cơ quan có thẩm quyền giao
Trong thời gian tới, chính phủ sẽ ban hành những văn bản pháp lý để hỗ trợ cho sự phát triển của chuyên ngành này tại Việt Nam.
|