Cũng như y học phương Đông, nền y học phương Tây được phát triển từ rất sớm từ thời Hypocrate khoảng 400 năm trước Công nguyên. Đến khoảng cách đây 200 năm, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nền y khoa cổ truyền của Tây y phát triển thành y học hiện đại. Do vậy, có thể nói y học hiện đại có liên hệ mật thiết với y học cổ truyền của các nước phương Tây và khác với y học cổ truyền của các nước phương Đông.
Trước đây, người bác sĩ chính là những người thực hành Tây y, phục vụ việc chăm sóc điều trị cho bệnh nhân. Họ hoạt động một cách độc lập tại phòng khám hoặc tại nhà của thân chủ. Các hình thức dịch vụ y tế khác như bệnh xá, bệnh viện vẫn chưa hình thành vào thời điểm đó.
Theo thời gian, xã hội phát triển lên qui mô mới, làm nảy sinh những nhu cầu chăm sóc y tế mới như chăm sóc cho những người nghèo, người vô gia cư, những bệnh nan y chưa có thuốc chữa cần tập trung cô lập (bệnh dịch, bệnh truyền nhiễm), tập trung chăm sóc như thương binh…. Nhà thờ đã đứng ra cưu mang người bệnh, lập trạm xá, nhà tế bần để chăm sóc thường trực (nội trú) bệnh nhân. Người bác sĩ được nhà thờ trả lương để đến làm việc, dần dần sau đó trở thành nhân viên thường trực tại các đơn vị trạm xá này (cách nay khoảng 200 năm). Một khi nhu cầu càng cao, bác sĩ được yêu cầu làm thường trực – trực gác và trở thành nhân viên của các trạm xá này. Các mô hình trạm xá – nhà tế bần phát triển lớn dần về qui mô và trở thành bệnh viện về sau.
Với cuộc cách mạng khoa học công nghệ vào những thập niên đầu của thế kỷ 20, các bệnh viện được trang bị máy móc, thiết bị, các kỹ thuật can thiệp ngày càng hiện đại, đội ngũ nhân viên ngày càng chuyên khoa hóa sâu, thực hiện các phương pháp điều trị ngày càng tinh vi. Từ nay, nền y học chứng kiến xu hướng phân khoa hóa, chuyên sâu hóa rõ nét. Các bác sĩ công tác tại bệnh viện được phát triển sâu về một chuyên môn nhất định và trở thành bác sĩ chuyên khoa. Trong khi đó, các bác sĩ đang công tác độc lập ngoài hệ thống bệnh viện vẫn giữ nguyên tình trạng chuyên môn là đa khoa tổng quát.
Qua các ý trên, chúng ta có thể nói nguồn gốc của y học hiện đại được bắt đầu từ bối cảnh chăm sóc ngoại trú trong đó bác sĩ làm việc trực tiếp với người bệnh ngay trong bối cảnh cuộc sống của người bệnh nhân. Việc phát triển mô hình điều trị nội trú diễn ra muộn sau này nhằm đáp ứng các nhu cầu chăm sóc tập trung, chuyên môn sâu.
Hậu quả của việc phân khoa hóa, chuyên sâu hóa của các đồng nghiệp công tác tại bệnh viện đã đưa đến sự ngộ nhận về vai trò của người bác sĩ tổng quát mặc dù họ đang thực hành một cách hiệu quả – tích cực tại tuyến y tế ngoại trú trong hệ thống y tế. Người dân có các đánh giá không phù hợp về hình ảnh người bác sĩ tổng quát như là người có chuyên môn kém, bác sĩ dành cho người nghèo, bác sĩ hạng hai…
Đứng trước các nhận định không chính xác của xã hội, vào đầu những năm 1960 – 1970, tại các nước phát triển, hiệp hội bác sĩ tổng quát đã đặt ra câu hỏi: bác sĩ tổng quát có cần thiết cho xã hội? Họ có vai trò như thế nào trong hệ thống y tế? Bác sĩ tổng quát có đảm nhận chức năng điều trị hay chỉ giới hạn ở dự phòng? Mối tương quan chuyên môn giữa bác sĩ tổng quát và bác sĩ chuyên khoa như thế nào?...
Kết quả cuối cùng đã công nhận y học tổng quát/y học gia đình là một chuyên ngành lâm sàng tổng quát, được tổ chức đào tạo sau đại học và nhằm cung cấp dịch vụ y tế tuyến cơ sở – tuyến ban đầu. Nếu như vai trò và chức trách của bác sĩ tổng quát sau đó được mô tả trong công ước Alma Ata năm 1978 (điểm 6 của công ước về chăm sóc ban đầu), vai trò và chức trách của bác sĩ gia đình/bác sĩ tổng quát lại được mô tả thông qua định nghĩa của tổ chức WONCA (hiệp hội bác sĩ gia đình/bác sĩ tổng quát) năm 2011.
Việc gắn kết hình ảnh của y học gia đình vào tuyến cơ sở của hệ thống y tế không xuất phát từ chính kiến chủ quan của bất kỳ một nhóm lợi ích nào. Lịch sử của sự kết hợp này lại xuất phát từ chính điểm yếu của nền y học hiện nay: “Y học sẽ không thể một mình giải quyết hết tất cả các khía cạnh phức tạp của sức khỏe cho cá nhân hoặc cho cộng đồng dân cư liên quan. Điều mấu chốt là việc phối hợp với người bệnh, vận dụng các nguồn lực để tạo ra điều kiện sống tốt cho sức khỏe, tìm kiếm giải pháp phù hợp mà người bệnh mong đợi nhằm giải quyết vấn đề sức khỏe của họ”5. Như vậy bác sĩ gia đình/bác sĩ đa khoa giữ vai trò quan trọng không thể thiếu của hệ thống y tế để bám sát với cộng đồng dân cư và cá nhân.
Như chúng ta thấy qua quá trình phát triển lịch sử y học, y học gia đình được phát triển trên nền tảng thực hành lâm sàng. Bác sĩ gia đình có thể cung cấp dịch vụ điều trị bệnh và chăm sóc sức khỏe toàn diện cho cá nhân. Để đạt được hiệu quả cao, y học gia đình cần có sự tham gia, trao đổi, cộng tác của chính cá nhân người bệnh cũng như của chính cộng đồng dân cư xung quanh với nhân viên y tế. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi người thực hành y học gia đình có được lòng tin của người bệnh, gần gũi, tiếp xúc thường xuyên và ở tất cả các giai đoạn sức khỏe ngay từ khi chưa mắc bệnh đến khi mắc bệnh, sau khi điều trị ổn định cần theo dõi. Chính điều này đặt người thực hành y học gia đình vào tuyến y tế ban đầu, nơi được xem là điểm tiếp xúc đầu tiên của hệ thống y tế với người bệnh, với cộng đồng dân cư.
Tất cả các điểm đặc trưng này đã không thay đổi trong suốt quá trình phát triển của ngành Y học gia đình trong suốt thời gian qua. Các điểm này có thể được thấy rõ qua các định nghĩa: Hội nghị Leeuwenhorst – Hà Lan 19746; hội nghị WONCA 1991, báo cáo của Olesen năm 20007 và định nghĩa do WONCA đề xuất năm 20028 và sau này là phiên bản 20119. Định nghĩa về Y học gia đình được xây dựng bởi nhánh WONCA châu Âu cho phép thấy rõ sự hợp nhất giữa 2 phạm trù: y học gia đình và vị trí tuyến y tế cơ sở của hệ thống y tế quốc gia (xin xem thêm tài liệu dịch về định nghĩa Y học gia đình theo WONCA châu Âu phiên bản 2011).
Nếu như năm 1995 chỉ mới có 56 nước phát triển và áp dụng chương trình đào tạo Y học gia đình, hiệp hội Bác sĩ gia đình thế giới (WONCA) hiện nay đã có gần 100 quốc gia thành viên. Không chỉ ở các nước phát triển mà cả ở các nước đang phát triển, mô hình y học gia đình đã được phát triển rộng rãi và mang nhiều nét đặc thù khác nhau tương ứng với bối cảnh từng nước. Nước ta cũng đang nằm trong chu trình đó.
|