Logo Xem trang đào tạo trực tuyến arrow1
space


Bác sĩ gia đình là gì

(Tham khảo chính: Nguyên lý y học gia đình )

2.2.1.    Tuyến y tế ban đầu
Một trong những điều kiện cần để hệ thống y tế của một quốc gia có thể hoạt động tốt là phải có mạng lưới y tế tuyến cơ sở vững mạnh. Sự phân công – phối hợp hoạt động giữa mạng lưới y tế các tuyến từ thấp đến cao cho phép cung cấp các dịch vụ y tế đa dạng, phù hợp với nhu cầu của người dân, có tính hiệu quả cao, mang tính dự phòng và có chi phí y tế hợp lý. Trong đó, y tế tuyến cơ sở được xem là có ưu thế gần gũi với cộng đồng dân cư, xây dựng tốt mối quan hệ bệnh nhân – nhân viên y tế, thực hiện chức năng điều trị phù hợp với nguyện vọng của cá nhân và cộng đồng xung quanh. Hệ thống y tế tuyến chuyên sâu (các trung tâm y tế của quận huyện, bệnh viện của thành phố - trung ương, bệnh viện chuyên khoa) sẽ đảm trách phần chuyên môn chuyên sâu. 

Việc phát triển hài hòa y tế các tuyến là định hướng chiến lược phát triển ngành y tế nhằm đáp ứng đa dạng các nhu cầu về chăm sóc sức khỏe. Mô hình y tế phân theo tuyến được Tổ chức y tế Thế giới khuyến cáo không chỉ cho các quốc gia đã phát triển, mà trên hết là cho các quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam1. 
Tuy nhiên, trong thực tế có sự ngộ nhận về hệ thống y tế phân cấp và chức năng của y tế tuyến ban đầu. Theo sơ đồ phân cách về mặt chuyên môn, hệ thống y tế được phân thành 3 cấp khác nhau. Trong đó y tế tuyến cơ sở bao gồm các trạm y tế, các phòng mạch chuyên khoa, phòng khám đa khoa đảm nhiệm việc chăm sóc ban đầu. Tuyến y tế thứ 2 bao gồm các bệnh viện của quận huyện, các bệnh viện khu vực, bệnh viện tuyến tỉnh thành phố. Và tuyến y tế thứ 3 là các đơn vị y tế chuyên khoa sâu, các bệnh viện trung ương, các bệnh viện chuyên khoa. Việc phân cấp này nhằm xác định vai trò chuyên môn, phân công chức năng điều trị - nghiên cứu – đào tạo và được trang bị phù hợp. 
 

Hình ảnh châm biếm bác sĩ tuyến y tế cơ sở

Theo cách nghĩ thông thường, các tuyến chuyên khoa sâu có đủ các nguồn lực – điều kiện chuyên môn để thực hiện được phần việc của các tuyến trước, điều này là đúng. Tuy nhiên, việc diễn giải khả năng chuyên môn đã đưa đến ngộ nhận về mặt vai trò các tuyến trong hệ thống y tế như được trình bày theo lược đồ 1A. Theo như mô hình này, tuyến y tế cơ sở đã được đơn giản hóa, xem như hình thức một “bệnh viện qui mô nhỏ” rẻ tiền lồng ghép vào cộng đồng dân cư nhằm thực hiện những phần việc đơn giản. Những gì tuyến 1 không thực hiện được sẽ chuyển cho tuyến 2. Với năng lực tốt hơn, tuyến sau sẽ thực hiện luôn những phần việc của tuyến trước, tạo thành mô hình bậc thang như hình 1A. Chính với cách suy nghĩ này, hình ảnh – vai trò của y tế tuyến cơ sở bị méo mó theo cách đánh giá chủ quan của xã hội dựa trên năng lực chuyên môn như: trình độ kém, trang bị kém, chất lượng kém, chỉ thực hiện chức năng dự phòng, không có chức năng điều trị…. Quan điểm này là rõ ràng không phù hợp với thực tế, không thể hiện các đóng góp của y tế tuyến cơ sở trong hệ thống y tế quốc gia của Việt Nam và trên thế giới.
Ở đây, chúng ta cần hiểu sự phân cấp về mức độ chuyên môn có liên quan đến sự phân công về vai trò xã hội của các tuyến trong hệ thống y tế. Sự phân cấp 3 tuyến về vai trò xã hội được khởi xướng lần đầu tiên bởi Lord Dawson, bác sĩ của hoàng gia Anh, trong báo cáo năm 1920 về tương lai của dịch vụ y tế quốc gia (Future Provision of Medical and Allied Services). Ông Lord Dawson đã đề xuất mô hình y tế của nước Anh được phân làm 3 tuyến chính. 
1.    Tuyến một nhằm chăm sóc những vấn đề sức khỏe thông thường mà chủ yếu thực hiện bởi các bác sĩ đa khoa tổng quát, bác sĩ gia đình.
2.    Tuyến hai nhằm chăm sóc những vấn đề sức khỏe phức tạp hơn, yêu cầu các trang thiết bị phức tạp hơn, cần sự tham gia của nhiều người hơn, do vậy được thực hiện tại các bệnh viện của vùng.
3.    Tuyến ba là tuyến điều trị chuyên sâu – chuyên khoa. Bên cạnh các chức năng về điều trị, tuyến này còn có vai trò chuyên biệt là nghiên cứu – đào tạo – phát triển kỹ thuật mới được thực hiện bởi các bệnh viện chuyên khoa, các viện – trường đại học.
Qua vài nét giới thiệu về mô hình 3 tuyến, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng mô hình cũng được phân dựa trên khía cạnh chuyên môn từ thấp đến cao. Tuy nhiên, về khía cạnh vai trò xã hội thì mỗi tuyến đều có vai trò riêng biệt, không có sự trùng lấp, phụ trách mỗi lĩnh vực chuyên biệt. Do vậy, mô hình phân cấp 3 tuyến về chuyên môn cần phải được đánh giá lại theo mô hình phân cấp vai trò xã hội. Trong đó cả 3 đều có tầm quan trọng tương đương trong hệ thống (giống như giản đồ 1B). Điểm khác biệt giữa các tuyến được nhìn nhận ở khía cạnh cung cấp loại dịch vụ chăm sóc y tế khác nhau đáp ứng những nhu cầu khác nhau về chăm sóc y tế. Những việc đơn giản không cần can thiệp phức tạp sẽ do tuyến cơ sở phụ trách. Những việc phức tạp đòi hỏi tính chất chuyên khoa sâu sẽ được đảm nhiệm bởi hệ thống y tế tuyến cao hơn. Và sau cùng, nếu cần phải nghiên cứu – đào tạo – phát triển chuyên sâu thì cần các bệnh viện chuyên khoa, viện – trường.
Cũng theo cách suy nghĩ đó, theo như lược đồ 1B, vai trò của tuyến y tế cơ sở là đáp ứng phần lớn các nhu cầu sức khỏe của cộng đồng. Như vậy, tuyến y tế cơ sở là một bộ phận không thể thiếu của hệ thống y tế một nước nhằm mục đích cung cấp dịch vụ y tế cho phần lớn người dân. 
Thực tế, tuyến cơ sở cung cấp các dịch vụ đa dạng: dự phòng, tầm soát, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc giảm nhẹ những mặt bệnh thường gặp tại cộng đồng theo cách thức toàn diện và có chất lượng. Để thực hiện tốt yêu cầu trên, tuyến y tế cơ sở cần được trang bị phù hợp (tùy địa phương), có nhân lực trình độ cao, sử dụng các kỹ thuật phù hợp với nhu cầu chuyên môn. Việc triển khai thực hiện mô hình này được chứng minh có hiệu quả cao, có thể tốn kém nhưng mang lại lợi ích hợp lý, và là kiểu mẫu khuyến cáo cho tất cả các quốc gia đã phát triển cũng như đang phát triển. 
Theo báo cáo điều tra sức khỏe toàn quốc năm 2001 – 2002, ước lượng tỷ lệ lượt điều trị ngoại trú gấp hơn 30 lần lượt điều trị nội trú2. Cụ thể với số liệu của thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2008, số lượt điều trị nội trú là 1.067.062 lượt trong khi điều trị ngoại trú của riêng các đơn vị y tế nhà nước đã là 27.281.093 lượt (gấp 26 lần)3. Qua đây cho thấy qui mô nhu cầu điều trị ngoại trú trong thực tế cao hơn nhiều lần so với điều trị nội trú. Cung cấp dịch vụ chăm sóc ngoại trú chính là vai trò chính của y tế tuyến cơ sở. Các vấn đề sức khỏe không khu trú trong một chuyên khoa nhất định. Tuy nhiên, phổ bệnh ngoại trú lại rất tập trung ở vài mặt bệnh thường gặp, đa phần là đơn giản.
Tại Việt Nam, vào những năm 1960 – 1980, hệ thống y tế cơ sở của chúng ta được đánh giá rất cao, được xem là một hệ thống y tế điển hình trong số những nước đang phát triển. Trong giai đoạn đó, mặc dù đất nước đang gặp rất nhiều khó khăn do chiến tranh vẫn đang diễn ra kéo dài ở cả 2 miền đất nước, chính phủ vẫn quyết tâm phát triển và cũng cố hệ thống y tế tuyến cơ sở (trạm y tế). Các trạm y tế được nhân rộng ở qui mô cả nước, phủ rộng các địa phương cho phép cung cấp các dịch vụ y tế miễn phí cho người dân. Chính hệ thống y tế cơ sở này đã giúp giảm nhanh tỷ lệ tử vong trẻ em và các thông số sức khỏe khác.

Trong những năm gần đây, dưới tác dụng của nhiều yếu tố khác nhau, mạng lưới trạm y tế có suy yếu so với nhiều các mô hình dịch vụ y tế khác. Theo một báo cáo nghiên cứu vào năm 2002, một trạm y tế tại các thành phố lớn khám trung bình 2-3 bệnh nhân/ngày4. Chính sự yếu kém của tuyến y tế cơ sở (trong đó trạm y tế là một trong những mô hình) giải thích phần nào tình trạng quá tải hiện nay tại các bệnh viện (tuyến 2 và 3 của hệ thống y tế).
 

  • Mục tiêu bài giảng
  • Đại cương
  • Bác sĩ gia đình là gì
  • Bác sĩ tuyến cơ sở tại các nước phương Tây
  • Sự du nhập mô hình “y học gia đình” vào các nước đang phát triển
  • Lịch sử phát triển chuyên ngành y học gia đình tại Việt Nam
  • Mô hình bác sĩ gia đình/bác sĩ tổng quát tại một số quốc gia
  • Tóm tắt
  • space
    Tài liệu đào tạo liên tục
    1-hình 1
    TRIỆT SẢN NAM BẰNG PHƯƠNG PHÁP THẮT VÀ CẮT ỐNG DẪN TINH

    4128/QĐ-BYT.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    Suy giáp

    Nguyễn Thị Thu Thảo.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    Lịch khám thai

    ICPC.....(xem tiếp)

    Kiến thức nhanh
    Viêm âm đạo do vi khuẩn
    Herpes Zoster
    Mục tiêu
    

    Phụ trách admin BS Trần Cao Thịnh Phước (phuoctct@pnt.edu.vn)

    Phụ trách chuyên môn TS Võ Thành Liêm (thanhliem.vo@gmail.com)

    space