6.1. Bước 1: Xác định tình trạng viêm gan
Yêu cầu xét nghiệm HbsAg. Chuyển đến tuyến chuyên khoa làm tiếp xét nghiệm anti-HBs và anti-HBc để xác định tình trạng nhiễm, miễn dịch với tình trạng tiêm vắc xin hoặc nhiễm trùng đã qua hoặc nhiễm gần đây (cấp hoặc mạn). Nếu nghi ngờ viêm gan vi rút cấp tính thì cần yêu cầu làm thêm IgM anti-HBc.
6.2. Bước 2: Đánh giá một người bệnh có HBsAg dương tính
Xác định giai đoạn bệnh là rất quan trọng thông qua các xét nghiệm:
• HBeAg và anti-HBe
• Định lượng HBV DNA (thực hiện ở tuyến chuyên khoa)
• ALT, albumin, công thức máu, tỷ lệ prothrombin, INR, alpha fetoprotein
(AFP)
• Khám lâm sàng
• Siêu âm gan
• Thảo luận về đường lây truyền và các phòng tránh các vi rút lây truyền qua đường máu. Thảo luận khả năng phơi nhiễm với HAV.
Chuyển BN đến các tuyến chuyên khoa để xét nghiệm kiểm tra tình trạng nhiễm vi rút viêm gan A, C, D và HIV.
• Sàng lọc HBsAg ở những người trong gia đình và tiêm phòng nếu là đối tượng dễ cảm nhiễm. Chuyển họ đến tuyến chuyên khoa để làm anti-HBs và anti-HBc trước khi tiêm phòng vắc xin.
6.3. Bước 3: Theo dõi viêm gan vi rút B mạn tại cộng đồng
6.3.1. Theo dõi tiến triển của bệnh
Những bệnh nhân được bác sĩ chuyên khoa kết luận chưa đủ tiêu chuẩn điều trị thuốc kháng vi rút nên được theo dõi ALT, AST, Bilirubin, albumin một năm 1 lần.
Nếu phát hiện bất thường, cần chuyển đến tuyến chuyên khoa.
Ở bệnh nhân đang được điều trị thuốc kháng vi rút, các xét nghiệm này nên làm 3-6 tháng 1 lần. Phối hợp với tuyến chuyên khoa để chuyển gửi làm các xét nghiệm HBV-DNA, HBeAg, Anti-HBe khi có chỉ định.
Theo dõi và tư vấn tuân thủ điều trị
Chưa cần điều trị:
ALT bình thường: Không có bằng chứng về lợi ích điều trị ở những người bệnh này, dù tải lượng vi rút hoặc HBeAg như thế nào. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có nguy cơ bị ung thư gan hoặc viêm gan bùng phát nên cần được theo dõi và sàng lọc thường xuyên, ngoại trừ những người bệnh có xơ gan hoặc đang dùng hóa trị liệu điều trị ung thư gan (được đề cập dưới đây).
ALT tăng (>2 lần ngưỡng bình thường), tải lượng vi rút thấp hoặc dưới ngưỡng phát hiện, HBeAg(-): Tổn thương gan ở những người bệnh này không do vi rút viêm gan B. Cần đánh giá thêm các yếu tố khác gây tăng men gan, ví dụ nhiễm viêm gan C, gan nhiễm mỡ, sử dụng thuốc hoặc lạm dụng rượu.
Cần điều trị:
ALT tăng (>2 lần ngưỡng bình thường), tải lượng vi rút cao (>20.000 IU/ml), HBeAg(+): Người bệnh có dấu hiệu tổn thương gan và vi rút đang hoạt động. Cần điều trị.
ALT tăng (>2 lần ngưỡng bình thường), tải lượng vi rút cao (>20.000 IU/ml), HBeAg(-): Người bệnh có dấu hiệu tổn thương gan do chủng vi rút đột biến gây ra nên không sinh ra HBeAg. Nên dùng thuốc điều trị.
Xơ gan (còn bù hoặc mất bù) ALT bình thường hoặc tăng, tải lượng vi rút trên mức phát hiện được: Nên dùng thuốc điều trị viêm gan B cho người bệnh có xơ gan còn bù hoặc mất bù bằng thuốc kháng vi rút, bất kể HBeAg dương tính hay âm tính.
Người bệnh dùng thuốc ức chế miễn dịch hoặc hóa trị điều trị ung thư: Hệ miễn dịch bị ức chế khi dùng hóa trị điều trị ung thư có thể gây ra bùng phát viêm gan B tối cấp hoặc tử vong. Vì vậy, người bệnh HbsAg(+) đang điều trị hóa trị cần dùng kháng vi rút để dự phòng viêm gan bùng phát, bất kể ALT, tải lượng vi rút hay HBeAg như thế nào.
Đáp ứng điều trị tốt
− Ức chế vi rút bền vững: tải lượng vi rút giảm nhiều hoặc xuống dưới mức phát hiện
− ALT giảm về mức bình thường
− Chuyển đảo huyết thanh HBeAg: HBeAg về âm tính, tạo anti-HBe
− Cải thiện tình trạng viêm gan hoặc xơ hóa gan
− Giảm nguy cơ ung thư gan
6.3.2. Theo dõi độc tính của thuốc
− Đánh giá chức năng thận trước khi điều trị cho tất cả các người bệnh
− Theo dõi chức năng thận hàng năm cho những người sử dụng tenofovir và
entercavir kéo dài
− Theo dõi sự phát triển của trẻ em
6.3.3. Theo dõi ung thư gan do HBV
Sàng lọc ung thư gan định kỳ bằng siêu âm bụng và xét nghiệm alpha- fetoprotein 6 tháng một lần cho:
- Những người bệnh xơ gan bất kể tuổi tác và các yếu tố nguy cơ khác.
- Người mà trong gia đình có người bị ung thư
- Người trên 40 tuổi mà không có bằng chứng của xơ gan và có HBV DNA cao
trên 2000 IU/mL (nếu có điều kiện xét nghiệm)
|