I. ĐẠI CƯƠNG
- Bệnh pemphigus thuộc nhóm bệnh da có bọng nước tự miễn đặc trưng bởi tổn thương bọng nước nông nhăn nheo dễ vỡ ở da hoặc niêm mạc. Bệnh do cơ thể sinh ra các tự kháng thể kháng lại cầu nối liên kết giữa các tế bào gai ở lớp thượng bì, gây ra hiện tượng ly gai.
- Bệnh pemphigus được phân loại là nặng khi có tổn thương da và niêm mạc nhiều, trợt/loét rộng (>10% diện tích cơ thể) nguy cơ gây mất nước, rối loạn điện giải, nhiễm trùng thứ phát và suy kiệt.
II. CHỈ ÐỊNH
Thay băng tổn thương trợt /loét da hàng ngày trong quá trình điều trị.
III. CHỐNG CHỈ ÐỊNH
Ðang có các dấu hiệu đe dọa chức năng sống như suy hô hấp, trụy tim mạch, shock... (cần ưu tiên hồi sức tổng hợp, khi kiểm soát cơ bản được chức năng sống mới tiến hành thay băng).
IV. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
- 01 bác sỹ điều trị (ra y lệnh và xử lý tổn thương da cùng kíp thay băng).
- 02 điều dưỡng được đào tạo về quy trình.
2. Trang thiết bị
2.1. Địa điểm thay băng
- 01 buồng tắm có sen vòi, ủng, áo choàng chống nước cho điều dưỡng sử dụng khi tắm cho người bệnh.
- 01 buồng thủ thuật (buồng tắm và buồng thủ thuật ở cạnh nhau và có cửa thông nhau).
- Điều hòa 2 chiều hoặc quạt sưởi nếu là mùa đông.
2.2. Dụng cụ
- 01 xe đẩy y tế để dụng cụ
- Khay quả dậu, bông, băng, gạc, vải vô khuẩn.
- Nỉa có mấu và không mấu, kéo cong, kéo thẳng, găng tay. Nên có sẵn những dụng cụ cầm máu như pince, kìm cầm kim...
- Xô dựng đồ bẩn.
2.3. Thuốc thay băng
- Các dung dịch sát khuẩn dùng dể rửa vết trợt, loét: Natriclorid 0,9%; dung dịch PVP iodine 10%, acid boric 2-4%; nitrat bạc 0,5%,…
- Các thuốc dùng tại chỗ:
+ Thuốc kháng khuẩn: silver sulfadiazin (SSD) 1%, nitrat bạc, acidboric; thuốc kháng sinh dùng ngoài...
+ Thuốc tạo môi trưởng ẩm tại vết thương và tăng cường quá trình tái tạo, biểu mô hóa: mỡ vaselin, mỡ betadin, mỡ povidon-iodine- glucose.
3. Người bệnh
- Giải thích động viên người bệnh hoặc người nhà người bệnh để họ yên tâm hợp tác
- Thử phản ứng thuốc (nếu cần)
- Kiểm tra mạch, nhiệt độ, huyết áp, tình trạng hô hấp…
4. Hồ sơ bệnh án
- Ghi chép hồ sơ bệnh án người bệnh trước và sau khi làm thủ thuật thay băng, chăm sóc tổn thương da (tình trạng toàn thân, tổn thương da, thuốc đã sử dụng)
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
1. Kiểm tra hồ sơ
Xác định đúng người bệnh, kiểm tra lại chẩn đoán và chỉ định điều trị, chăm sóc của bác sỹ
2. Kiểm tra người bệnh
Theo dõi tình trạng toàn thân và các dấu hiệu sinh tồn của người bệnh (mạch, huyết áp, nhiệt độ) trước khi tiến hành thay băng.
3. Thực hiện kỹ thuật
3.1. Chăm sóc tổn thương niêm mạc, hốc tự nhiên
- Lau rửa niêm mạc, mắt, mũi, bằng nước muối sinh lý, tra thuốc mắt theo chỉ đinh của bác sỹ chuyên khoa mắt (nếu có).
- Lau rửa miệng, sinh dục bằng nước muối sinh lý và bôi glycerinborate 2%
3.2. Tháo bỏ băng cũ, tắm cho người bệnh và làm sạch tổn thương da
● Bước 1: Tháo bỏ băng cũ và các lớp gạc phía ngoài
Ðiều dưỡng dùng nỉa kéo cắt bỏ băng cũ, tháo bỏ các lớp gạc phía ngoài, để lại lớp gạc trong cùng.
Dùng dung dịch nước muối sinh lý vô trùng làm ẩm lớp gạc trong cùng.
● Bước 2: Bóc bỏ lớp gạc trong cùng và làm sạch vết thương
Ðiều dưỡng bóc bỏ lớp gạc trong cùng (gỡ miếng gạc song song với mặt da), chú ý nhẹ nhàng để không gây chảy máu và đau đớn cho người bệnh.
Trong khi tháo băng, nếu chảy máu: đắp gạc tẩm nước muối ấm hoặc tẩm dung dịch adrenalin 1/200.000.
● Bước 3: Tắm toàn thân
Tắm và gội đầu cho người bệnh bằng nước sạch hoặc thuốc tím 1/10.000. Khi tắm gội cần nhẹ nhàng, tránh làm trầy xước, lột da thành mảng gây đau đớn cho người bệnh. Nhẹ nhàng thấm khô tổn thương sau tắm.
● Bước 4: Làm sạch tổn thương da
Dùng gạc mềm hoặc bông cầu vô trùng tẩm dung dịch nước muối rửa tổn thương; lấy bỏ giả mạc, cắt lọc tổ chức hoại tử (nếu có).
3.3. Xử trí bọng nước chưa dập vỡ
Nếu bọng nước chưa dập vỡ, chưa bị nhiễm khuẩn: trích rạch bọng nước, tháo bỏ dịch bọng nước, cố gắng giữ lại vòm bọng nước, sau đó băng ép lại.
3.4. Sử dụng thuốc tại chỗ
- Căn cứ vào diễn biến, tình trạng vết thương mà sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
- Ðiều dưỡng bôi thuốc trực tiếp lên vùng da tổn thương rồi đắp một lớp gạc vô trùng bên ngoài hoặc tẩm thuốc vào một lớp gạc rồi đắp lên vùng thương tổn. Sau đó đắp một lớp gạc tẩm vaseline bên ngoài lớp gạc vô trùng. Tiếp theo, đắp vài lớp gạc vô trùng theo kiểu lợp ngói bên ngoài lắp gạc tẩm vaselin (độ dày của gạc tùy thuộc tình trạng dịch xuất tiết, mủ tổn thương, thường từ 4-6 lớp gạc).
3.5. Băng tổn thương, đưa người bệnh về giường và theo dõi sau thay băng
- Ðiều dưỡng băng lại tổn thương bằng băng cuộn hoặc băng lưới, không băng quá chặt làm ảnh hưởng đến lưu thông tuần hoàn của người bệnh.
- Ðưa người bệnh về giường, kiểm tra lại các chỉ số hô hấp, mạch, nhiệt độ, huyết áp của người bệnh và bàn giao cho điều dưỡng buồng bệnh.
Lưu ý:
+ Thay băng tổn thương ở đầu mặt cổ trước, tiếp đến các chi và thân, sau cùng là vùng tầng sinh môn. Thay băng vùng tổn thương không hoặc ít bị nhiễm khuẩn trước vùng nhiễm khuẩn hoặc nhiễm khuẩn nặng sau.
+ Với các tổn thương đã đóng vảy tiết khô thì bôi mỡ kháng sinh hoặc mỡ corticoid theo chỉ định của bác sỹ, không cần băng.
VI. THEO DÕI
1. Toàn thân
Theo dõi chặt chẽ trạng thái toàn thân, mạch, nhiệt độ, huyết áp… sau thay băng, kịp thời phát hiện trạng thái sốc, đe dọa sốc để xử lý.
2. Tại chỗ
- Tụt băng gạc để lộ tổn thương
- Tình trạng băng quá chặt gây phù nề, chèn ép vùng tổn thương
- Chảy máu
VII. XỬ TRÍ TAI BIẾN
Báo bác sĩ ngay khi có tai biến.
1. Toàn thân
Người bệnh choáng, ngất trong và sau thay băng: Tạm dừng thay băng, đặt nằm chỗ thoáng, mát, cho thở oxy, thuốc trợ tim; Khi người bệnh tỉnh, trở lại trạng ổn định cho phép mới thay băng tiếp.
2. Tại chỗ
- Tiến hành băng bổ sung nếu tụt băng gạc hoặc nới lỏng băng nếu băng quá chặt
- Nếu chảy máu thay băng lại vùng chảy máu, đắp nước muối ấm, đắp lại gạc thuốc, gạc vaseline và gạc khô, băng ép.
|