Logo Xem trang đào tạo trực tuyến arrow1
space


Các phương pháp can thiệp

(Tham khảo chính: 1862/QĐ-BYT )

Hiện nay tại Việt Nam và trên thế giới có nhiều phương pháp can thiệp khác nhau cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ . Mỗi phương pháp có thể tác động đến một hoặc nhiều lĩnh vực phát triển của trẻ.

1. Can thiệp tâm lý - giáo dục

Các phương pháp trong nhóm này được chia thành các trường phái khác nhau. Mỗi trường phái có giả thuyết riêng về cách tiếp cận, mục tiêu và hệ thống các hoạt động riêng. Gia đình và các nhà chuyên môn có thể sử dụng một hoặc phối hợp nhiều phương pháp để mang lại hiệu quả tốt nhất. Người thực hành mỗi phương pháp can thiệp đòi hỏi phải được đào tạo và có kiến thức chuyên sâu.

a) Trường phái hành vi: Gồm những phương pháp dựa trên nguyên lý Phân tích hành vi ứng dụng (Applied Behavior Analysis - ABA). Đây là “các phương pháp can thiệp dựa trên các nguyên lý của học thuyết học tập, được áp dụng theo quy trình một cách có hệ thống, nhằm cải thiện các hành vi xã hội một cách có ý nghĩa, và để đạt được điều đó, người cung cấp dịch vụ chịu trách nhiệm về sự cải thiện về mặt hành vi” [23]. Đây cũng cách tiếp cận được áp dụng nhiều nhất, có nhiều nghiên cứu nhất và có những bằng chứng khoa học mạnh mẽ nhất về hiệu quả can thiệp [24].

* Một số phương pháp theo nguyên lý ABA: Dạy từng lượt riêng biệt (Discrete Trial Training); Can thiệp hành vi tạo đà (Pivotal Response Training - PRT); Huấn luyện bắt chước qua lại (Reciprocal Imitation Training - RIT); Can thiệp hành vi ngôn ngữ (Verbal Behavior - VB); Can thiệp hành vi nhận thức (Cognitive Behavior Intervention - CBI)… Để xác định phương pháp can thiệp phù hợp nhất cũng như cách kết hợp giữa tối ưu giữa các phương pháp can thiệp, nhà trị liệu hành vi phải làm việc với gia đình và trẻ để xác định các kĩ năng cần được tập trung can thiệp và xác định mục tiêu phù hợp [4]. Nghiên cứu cho biết với trẻ dưới 12 tuổi, khi được can thiệp liên tục nhiều giờ trong 1 tuần bằng các phương pháp theo ABA cho thấy trẻ có khả năng cao sẽ đạt được các mục tiêu cá nhân đã được thiết kế trước đó [25].

b) Trường phái phát triển: Là những phương pháp can thiệp áp dụng các nguyên tắc của khoa học phát triển, sử dụng trình tự, sự tiếp nối phát triển thông thường là khung cho đánh giá và lập kế hoạch can thiệp. Trường phái/ cách tiếp cận này tập trung vào mối quan hệ, lấy trẻ làm trung tâm, và dựa trên chơi đùa. Thông qua tương tác với người khác (ví dụ như nhà trị liệu, cha mẹ), trẻ học cách giao tiếp, điều hòa cảm xúc và xây dựng nền tảng để từ đó phát triển tư duy, tương tác xã hội [26].

* Nhiều phương pháp áp dụng các nguyên tắc của trường phái phát triển này như Hoạt động trên sàn (Floortime); Can thiệp phát triển quan hệ (Relationship Developmental Intervention - RDI), Chương trình Nhiều hơn lời nói của Hannen. Một thử nghiệm lâm sàng đối chứng cho biết cha mẹ được huấn luyện theo phương pháp DIR-Floortime ít kiểm soát trẻ hơn, trẻ có điểm số đáp ứng xã hội cao hơn nhưng IQ và thang điểm về ngôn ngữ không cho thấy sự khác biệt rõ rệt [27].

c) Can thiệp phối hợp các trường phái: phối hợp cả các phương pháp hành vi và phát triển, được thực hiện có hệ thống. Bao gồm:

- Mô hình phát triển sớm Denver (Early Start Denver Model - ESDM): tích hợp các thành phần của ABA và các nguyên lý phát triển. Mô hình này đặt trọng tâm vào xây dựng các mục tiêu học tập dưa trên trường phái phát triển và chú trọng các kĩ năng xã hội, thực hành trong các bối cảnh tự nhiên [28]. Trong một thử nghiệm đa trung tâm có sử dụng ESDM cho thấy trẻ bắt đầu can thiệp sớm và nhận được nhiều giờ can thiệp có liên quan đến các chức năng được cải thiện của trẻ [29].

- Trị liệu và giáo dục cho trẻ tự kỷ và trẻ có khó khăn về giao tiếp (Training and Education of Autistic and Related Communication Handicapped Children - TEACCH): Là một chương trình can thiệp còn được gọi là “giảng dạy có cấu trúc”, bao gồm giáo án phát triển có công cụ lượng giá, đặt nặng tính cấu trúc, như: sắp đặt các hoạt động có quy luật, sử dụng các thời gian biểu trực quan, sắp đặt môi trường vật lý để tối đa hóa việc học và tránh bối rối (ví dụ: giảm thiểu sự xao lãng và/hoặc rối loạn điều hòa giác quan). Phần hướng dẫn có các hoạt động được soạn sẵn, được sắp xếp theo cách thức giúp trẻ có thể dự đoán trước và sử dụng các công cụ hỗ trợ trực quan [30].

d) Các liệu pháp trị liệu cụ thể: Là những phương pháp tác động vào những khó khăn cụ thể bằng những kĩ thuật đặc biệt. Các trị liệu này thường được phối hợp hoặc nằm trong các chương trình can thiệp cụ thể. Ví dụ:

- Ngôn ngữ trị liệu (Speech therapy - ST): bao gồm một số kĩ thuật được thiết kế để phối hợp các cơ chế của việc phát âm, hiểu ý nghĩa và giá trị xã hội của ngôn ngữ. Đây là hình thức can thiệp được sử dụng phổ biến đối với trẻ có rối loạn phổ tự kỷ [31].

- Hoạt động trị liệu (Occupational Therapy - OT): tổng hợp các kĩ năng nhận thức, thể chất và vận động. Mục tiêu của OT là giúp cá nhân có thể tự lập và hòa nhập tốt hơn trong cuộc sống. Với trẻ tự kỷ, hoạt động trị liệu có thể tập trung vào việc dạy cho trẻ chơi đùa phù hợp, học tập, và những kĩ năng sống cơ bản.

đ) Can thiệp thông qua cha mẹ (parent mediated intervention)

Đây là phương pháp can thiệp trẻ thông qua chương trình huấn luyện cha mẹ có hệ thống, được chứng minh tính hiệu quả qua một số nghiên cứu [32]. Các chương trình can thiệp thông qua cha mẹ tập trung vào việc cung cấp kiến thức về rối loạn phổ tự kỷ và những chiến lược, kĩ thuật can thiệp, từ đó cha mẹ có thể độc lập thực hiện tại gia đình. Chương trình này có thể tác động vào các triệu chứng cốt lõi hoặc các vấn đề hành vi thường gặp ở trẻ tự kỷ, các kĩ thuật có thể được xây dựng dựa trên các tiếp cận ABA trong môi trường tự nhiên. Các buổi huấn luyện cho cha mẹ có thể được thực hiện tại gia đình, phòng khám, trường học, các cơ sở cộng đồng hoặc huấn luyện từ xa [4].

2. Can thiệp y sinh học

Các phương pháp can thiệp y sinh học đối với trẻ tự kỷ bao gồm: sử dụng thuốc hỗ trợ, ăn kiêng, Oxy cao áp, giải độc hệ thống, châm cứu, bấm huyệt, cấy chỉ, ghép tế bào gốc, phản hồi thần kinh… Các phương pháp này bắt nguồn từ giả thuyết cho rằng rối loạn phổ tự kỷ có liên quan đến những khó khăn thể chất, ví dụ như tổn thương não bộ, các vấn đề hệ tiêu hóa, miễn dịch… Tuy nhiên, cho đến này, những biện pháp chưa đủ bằng chứng khoa học thuyết phục, ví dụ: nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng có đối chứng không cho thấy hiệu quả điều trị ở trẻ có chế độ ăn không gluten và không casein [33]. Do vậy đây thường được coi là những biện pháp “không chính thống” và chưa được khuyến cáo trong các hướng dẫn can thiệp rối loạn phổ tự kỷ ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Có đa dạng phương pháp can thiệp rối loạn phổ tự kỷ, theo các tiếp cận khác nhau.

Nhiều phương pháp đã được chứng minh tính hiệu quả qua các nghiên cứu khoa học.

Cần áp dụng các phương pháp can thiệp dựa trên bằng chứng.

 

Tải về tài liệu chính https://bsgdtphcm.vn/api/upload/202207131862_QD-BYT_520954.doc .....(xem tiếp)

  • Mục đích và tầm quan trọng của can thiệp
  • Những nguyên tắc can thiệp
  • Người tham gia can thiệp
  • Các phương pháp can thiệp
  • space
    Tài liệu đào tạo liên tục
    1-hình 1
    13. Bệnh von willebrand (von-willebrand disease - vwd)

    1832/QĐ-BYT.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    Sơ cấp cứu bỏng mắt, chấn thương mắt

    DỰ ÁN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NHÂN LỰC Y TẾ PHỤC VỤ CẢI CÁCH HỆ THỐNG Y TẾ.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    Thùy trên trái

    CME.....(xem tiếp)

    Kiến thức nhanh
    Máy tạo nhịp buồng thất (ECG Ví dụ)
    Sóng cuồng nhĩ-thất
    Căng và rách cơ - dây chằng
    

    Phụ trách admin BS Trần Cao Thịnh Phước (phuoctct@pnt.edu.vn)

    Phụ trách chuyên môn TS Võ Thành Liêm (thanhliem.vo@gmail.com)

    space