1. Tình huống lâm sàng ví dụ
1.1 Tình huống 1
1.1.1 Thông tin
Bệnh nhân nữ, 32 tuổi, đến khám vì khoảng 3 tháng nay thường xuyên có cảm giác ợ hơi, cảm giác căng tức vùng bụng, khó tiêu. Các triệu chứng này nặng lên sau khi ăn, giảm khi đi cầu. Bệnh nhân cũng cho biết phân cứng, 2-3 ngày mới đi cầu một lần. Bệnh nhân không bị đau bụng khu trú, phân không lẫn máu, không sụt cân, không chán ăn. Tiền sử gia đình và bản thân chưa ghi nhận bệnh lý nội – ngoại khoa bất thường. Qua khám lâm sàng, chúng ta chưa ghi nhận dấu chứng bất thường nào quan trọng. Qua khai thác thông tin gia đình và cuộc sống, chúng ta sử ghi nhận bệnh nhân vừa trải qua chuyện buồn do vừa mới ly dị với chồng từ khoảng 3 tháng nay. Hiện bệnh nhân sống một mình nuôi con nhỏ 3 tuổi, tự quán xuyến các việc nội trợ trong nhà và công việc làm ngoài xã hội. Vì thấy bị táo bón nên bệnh nhân cũng cố gắng ăn rất nhiều rau xanh vào mỗi bữa ăn. Ngoài ra bệnh nhân còn tự mua thuốc nhuận trường uống thêm.
1.1.2 Câu hỏi gợi ý tình huống:
- Chẩn đoán có thể nhất trong trường hợp này là gì?
- Việc xử trí trong tình huống này bao gồm những gì?
1.1.3 Tóm tắt - phân tích tình huống
Bệnh nhân nữ, 32 tuổi, 3 tháng nay táo bón, khó chịu vùng bụng, ợ hơi, chướng bụng, tăng khi ăn và giảm khi đi cầu. Bệnh nhân có vấn đề về tâm lý (vừa mới ly dị). Tiền sử gia đình và bản thân chưa ghi nhận bất thường. Khám lâm sàng chưa ghi nhận bất thường.
- Chẩn đoán có thể nhất trong trường hợp: hội chứng ruột kích thích thể táo bón (tiêu chuẩn Rome III)
- Việc xử trí trong tình huống: tư vấn cho bệnh nhân về tình trạng táo bón, ợ hơi, chướng bụng là do rối loạn vận động của hệ tiêu hoá, có liên quan ít nhiều đến vấn đề tâm lý. Giải pháp tốt nhất là cần vượt qua vấn đề tâm lý hiện tại (có thể tập trung vào công việc nhiều hơn, dành thời gian thư giãn cho bản thân, tập thể dục). Thuốc điều trị có tính chất hỗ trợ. Để tránh táo bón, chế độ ăn nhiều chất xơ có thể giúp cải thiện. Bên cạnh đó, các thuốc nhuận trường không được khuyến cáo sử dụng vì có thể làm nặng hơn tình trạng đầy hơi, chướng bụng. Đối với trường hợp không đáp ứng tốt với giải pháp thay đổi thói quen-thể dục, chúng ta có thể chỉ định các thuốc điều trị theo phác đồ của hội chứng ruột kích thích.
2. Danh mục chuyên đề
- Tình huống lâm sàng ví dụ 1
1.1. Tình huống 1 1
- Danh mục chuyên đề 2
- Các câu hỏi liên quan 2
3.1. Định nghĩa của ợ hơi 2
3.2. Đặc điểm bệnh nhân ợ hơi 3
3.3. Các dấu chứng đi kèm của ợ hơi 4
3.4. Yếu tố làm tăng và làm giảm triệu chứng ợ hơi 4
3.5. Xét nghiệm cận lâm sàng đối với ợ hơi 4
3.6. Tổng quan tình trạng chướng bụng 5
3.7. Đặc điểm bệnh nhân bị chướng bụng 5
3.8. Đặc điểm triệu chứng chướng bụng. 6
3.9. Các dấu chứng đi kèm của chướng bụng. 6
3.10. Các yếu tố tăng nặng của chướng bụng 6
3.11. Dấu chứng giảm nhẹ của chướng bụng. 7
3.12. Khám lâm sàng trong chướng bụng 7
3.13. Đánh giá cận lâm sàng trong chướng bụng 7
3.14. Các nguyên nhân gây ợ hơi-chướng bụng1 8
3.15. Hướng dẫn chế độ ăn để tránh đầy hơi, chướng bụng:2 8
- Tham khảo3 9
- Lượng giá cuối bài 9
3. Các câu hỏi liên quan
3.1 Định nghĩa của ợ hơi
Chúng ta cũng cần phải phân biệt giữa ợ hơi (là tình trạng có đẩy khí ngược từ dạ dày ra ngoài) với các tình trạng khác như trớ (là tình trạng đẩy chất dịch – thức ăn từ dạ dày vào thực quản lên miệng) và ói (là tình trạng co thắt mạnh của cơ hoành làm tống tất cả thức ăn từ hành tá tràng, dạ dày, thực quản ra ngoài).
Ợ hơi về bản chất không là triệu chứng của một bệnh thực thể. Nguyên nhân duy nhất của ợ hơi chính là do nuốt hơi quá nhiều. Hơi bị nuốt vào hoặc bị hút vào dạ dày qua ăn uống, sau đó hơi được đưa ngược trở ra bằng động tác ợ hơi. Điều này cần lưu ý để tránh nhầm lẫn với triệu chứng chướng bụng, vì triệu chứng chướng bụng thể hiện tình trạng hơi có nhiều trong hệ thống ruột non và ruột già (chủ yếu là tại ruột già). Trong trường hợp này, bệnh nhân sẽ có xu hướng đánh hơi để giảm khó chịu.
Trong trường hợp ợ hơi, hơi được nuốt vào thông qua động tác ăn hoặc uống. Thông thường thì uống nước gây nuốt hơi nhiều hơn so với ăn thức ăn đặc. Quá trình nuốt hơi có thể thực hiện một cách có ý thức hoặc vô ý thức do thói quen thần kinh và không liên đới đến loại thức ăn được dùng. Vấn đề nuốt hơi cũng có thể xảy ra do việc thở bằng miệng, nhai kẹo chewgum, đeo răng giả, mất răng vùng miệng. Ở một số bệnh nhân, các quan sát đánh giá bằng phương pháp nội soi ghi nhận có thể tình trạng dãn trương lực có ý thức hoặc vô ý thức của cơ co thắt tâm vị của dạ dày – thực quản.
3.2 Đặc điểm bệnh nhân ợ hơi
Ợ hơi nhiều thường được ghi nhận tăng nặng lên ở bệnh nhân có tình trạng căng thẳng, lo lắng, khó chịu bực bội. Phải ghi nhận rằng ở trẻ em, ợ hơi thường không là dấu chứng gợi ý của một bệnh lý cụ thể. Tuy nhiên, nếu ợ hơi quá nhiều thì chúng ta cần phải chú ý đến khả năng có thể là trẻ nuốt nhiều hơi qua ăn uống nhất là khi trẻ còn bú sữa.
Trẻ bú sữa bình được xem là dễ bị nuốt hơi hơn so với trẻ bú mẹ. Điều này được giải thích rằng khi trẻ bú mẹ, sữa mẹ được tiết ra và chảy thẳng vào họng nên bé chỉ cần động tác nuốt. Đối với bú bằng sữa bình, trẻ phải tạo áp lực âm trong miệng để hút sữa. Do chính áp lực âm tạo ra khi bé nút núm vú để chống lại áp lực âm của bình sửa là nguyên nhân chính gây hơi vào bụng. Khí sẽ dễ dàng đi vào miệng và xuống dạ dày của trẻ khi bé nút quá mạnh. Trong trường hợp miệng bé không ôm hết quầng vú thì có nguy cơ bé bị nút hơi khi uống sữa càng nhiều.
Ngoài kỹ thuật bú, các yếu tố về bình sữa và tư thế của bé được cho bú cũng phải được đánh giá một cách hệ thống. Các bình sữa thông thường không có cấu trúc riêng đưa khí vào bình. Do vậy, theo nguyên tắc bình kín thì khi sữa chảy ra ngoài do bé bú thì sau một thời gian, trong bình sẽ hình thành một áp lực âm (chú ý rằng các loại bình sữa có van hoặc hệ thống dẫn khí vào sẽ không bị tình trạng nêu trên như bình Avent, DrBrown, …). Dưới áp lực âm của bình, không khí sẽ bị hút vào bình qua lỗ của núm vú. Khi này, khí sẽ đi xuyên qua lớp sữa và tạo váng bọt có chứa nhiều bóng khí nổi phía trên bề mặt. Nếu bé bú các bọt khí này thì sẽ làm tăng hơi trong dạ dày. Tuy vậy, cơ chế nuốt hơi từ bọt khí trong sữa thường là không nhiều để gây triệu chứng ợ hơi.
Tư thế bú sai cũng có thể là một trong số các nguyên nhân gây nuốt khí. Thông thường, bé được cho bú ở tư thế đầu ngang. Ở tư thế này, khí sẽ dễ dàng đi theo dòng sữa vào thực quản và xuống dạ dày mà không bị áp suất nước đẩy ngược khí lên trên.
Ở một số bệnh nhân có rối loạn ở dạ dày – túi mật có thể có thói quen nuốt khí vì cho rằng có thể làm giảm được các khó chịu vùng bụng (đôi khi việc nuốt khí này là không ý thức). Đối với những người phát âm kiểu họng, việc vận hơi nhiều khi lấy hơi vào trước khi nói một cách không ý thức sẽ gây một áp lực âm cao trong ổ bụng, tạo thuận lợi cho hiện tượng hít khí vào dạ dày gây đầy hơi.
Nếu như các nguyên nhân thực thể khác được loại trừ, chúng ta có thể trấn an bệnh nhân rằng ợ hơi không là vấn đề nghiêm trọng. Đôi khi, chỉ cần khuyên bệnh nhân đừng cố gắng ợ hơi cũng có thể làm giảm dần triệu chứng vì bệnh nhân sẽ tránh hoặc tìm cách hạn chế việc tự ý nuốt hơi một cách vô ý thức. Các thuốc chống tạo bọt không có hiệu quả đáng kể trong việc chống ợ hơi. Ngoài ra, chúng ta có thể khuyên bệnh nhân tránh nhai kẹo chewgum, tránh ăn nhanh, tránh hút thuốc lá và tránh sử dụng các thức uống có ga, tránh vừa ăn vừa nói chuyện có thể tránh hiện tượng nuốt hơi vô ý thức.
3.3 Các dấu chứng đi kèm của ợ hơi
Dấu chứng đi kèm thường gặp nhất của ợ hơi là cảm giác chướng căng ở thượng vị, cùng là biểu hiện của tình trạng nhiều khí trong dạ dày. Phần lớn khí nuốt vào sẽ được ợ hơi ra ngoài. Phần khí còn lại sẽ được đưa xuống ruột. Tại ruột non, không khí phần lớn sẽ được hấp thu vào máu và chỉ chừa lại khí Nitơ trơ (chiếm khoảng 40% thể tích khí). Phần khí trơ này sẽ di chuyển xuống đại tràng và thải ra ngoài bằng hình thức trung tiện. Tuy đặc điểm sinh lý như vậy, chúng ta cũng cần chú ý rằng thể tích khí trơ này trong đại tràng là không đáng kể. Phần lớn khí có trong đại tràng và trực tràng có nguồn gốc chủ yếu từ quá trình lên men của vi trùng đối với thức ăn còn sót lại tại đại tràng, có liên quan trực tiếp đến các carbohydrate khó tiêu hóa (ví dụ cụ thể là ăn các khoai, đậu, hột mít có nhiều chất bột khó tiêu, gây chướng hơi nhiều ở bụng và gây trung tiện).
Bệnh nhân có thể mô tả rằng cảm giác khó chịu vùng thượng vị có thể giảm sau khi ợ được hơi ra ngoài. Đây là bằng chứng củng cố giả thuyết nhiều hơi trong dạ dày, giúp phân biệt với triệu chứng khó chịu thượng vị do viêm loét dạ dày không giảm sau khi ợ.
Triệu chứng muốn ợ hơi cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo gián tiếp của bệnh nhồi máu cơ tim thành sau nếu như có kèm theo đau nặng ngực. Tuy nhiên, tỷ lệ có bệnh nhồi máu cơ tim trong quần thể có triệu chứng này không cao, do vậy nó không mang tính chuyên biệt cao, cần phối hợp với các triệu chứng khác để chẩn đoán chính xác hơn. Đối với các bệnh nhân có hội chứng đại tràng kích thích, tình trạng nuốt khí có thể làm nặng thêm tình trạng rối loạn tiêu hóa và đau bụng cơ năng do tăng lượng hơi có trong đại tràng.
3.4 Yếu tố làm tăng và làm giảm triệu chứng ợ hơi
Tình trạng căng thẳng – lo âu có thể làm nặng thêm triệu chứng khó chịu và cảm giác muốn ợ hơi. Lý do là bệnh nhân có thể tăng nuốt hơi không tự ý. Các thức uống có gaz (nước ngọt có gaz, soda…), nhai kẹo chewgum, đeo răng giả có thể làm nặng thêm tình trạng nuốt hơi và ợ hơi.
3.5 Xét nghiệm cận lâm sàng đối với ợ hơi
Mặc dù ợ hơi không là dấu hiệu bệnh lý, điều này không có nghĩa là bệnh nhân không có bệnh. Các dấu chứng đi kèm khác có thể giúp gợi ý – khu trú những bệnh lý chính đi kèm. Điều quan trọng là bệnh nhân cần được đánh giá một cách tổng thể với các dấu chứng lâm sàng và bệnh sử chuyên biệt. Chúng ta cần đánh giá các triệu chứng gợi ý khác và sử dụng xét nghiệm bổ sung phù hợp. Ví dụ: siêu âm bụng tổng quát có thể được chỉ định nếu như bệnh nhân có kèm đau nhiều vùng hạ sườn phải giúp đánh giá hệ thống gan mật tụy; xét nghiệm nước tiểu có thể hữu ích nếu bệnh nhân có kèm theo đau vùng hạ vị, dấu hiệu kích thích bàng quang...
3.6 Tổng quan tình trạng chướng bụng
Chướng bụng (từ dân gian có thể là tình trạng sình hơi, chướng hơi) là một trong những than phiền thường gặp trong chăm sóc ngoại trú. Trong phần lớn các trường hợp, chướng bụng đơn thuần không là dấu chứng lâm sàng quan trọng vì nó không chuyên biệt đặc hiệu cho bệnh lý cụ thể. Chướng bụng có thể là biểu hiện chung của rất nhiều bệnh khác nhau, của nhiều hệ cơ quan khác nhau. Chỉ khi triệu chứng này gây khó chịu nhiều thì việc đánh giá mới được đặt ra. Trong trường hợp triệu chứng chướng bụng kéo dài nhiều năm mà không kèm các dấu chứng bất thường khác như sụt cân, báng bụng, vàng da..., bệnh nhân có thể an tâm rằng triệu chứng chướng bụng không phải là dấu hiệu báo động của tình trạng bệnh thực thể đặc hiệu.
Chướng bụng là biểu hiện của tình trạng có nhiều hơi trong dạ dày, ruột non, ruột già. Triệu chứng này thường xuất hiện trên bệnh nhân có tình trạng rối loạn vận động của dạ dày (liệt dạ dày, viêm loét dạ dày), rối loạn hấp thu các chất đường – chất béo, và tình trạng quá sản của vi khuẩn đường ruột do thức ăn không được hấp thu tốt. Trong vài trường hợp, rối loạn nhu động của các tạng và tình trạng tăng nhạy cảm với cảm giác căng của thành ruột là nguyên nhân chính của cảm giác chướng bụng, điển hình như trong hội chứng đại tràng kích thích (Irritable bowel syndrome).
Đi kèm với cảm giác chướng bụng, bệnh nhân có thể có than phiền về việc đánh hơi nhiều lần hoặc mỗi lần đánh hơi có nhiều hơi. Việc đánh hơi giúp làm giảm nhanh các triệu chứng khó chịu vùng bụng, đây là một đặc điểm giúp phân biệt tình trạng đau bụng do căng thành ruột do hơi với các tình trạng đau bụng khác của ổ bụng.
Cũng cần ghi nhận rằng một số bệnh nhân có bệnh lý về túi mật, ung thư đại tràng, viêm đại tràng, viêm manh tràng cũng có thể đến khám với bệnh cảnh duy nhất chỉ có biểu hiện khó chịu là chướng bụng, sình hơi. Bệnh nhân ung thư đại tràng có thể có bệnh cảnh chướng bụng từng đợt gây khó chịu vùng bụng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng chướng bụng không là dấu chứng đặc thù đơn độc trong bệnh cảnh ung thư.
3.7 Đặc điểm bệnh nhân bị chướng bụng
Đối với trẻ < 3 tháng tuổi, chướng bụng là một trong những triệu chứng thường gặp. Bệnh cảnh điển hình thường được mô tả là viêm ruột ở trẻ < 3 tháng. Nguyên nhân là hệ thần kinh thực vật tại ruột chưa hoàn thiện, dẫn đến hệ quả là hơi có thể bị giam lại trong các quai ruột dẫn đến tình trạng chướng bụng.
Rối loạn hấp thu đưa đến có nhiều chất đường còn sót lại trong hệ tiêu hóa. Thức ăn sẽ bị lên men do hệ vi khuẩn đường ruột đưa đến hệ quả là tăng sinh hơi tại ruột non (sau uống rượu bia) hoặc tại ruột già (táo bón kéo dài, viêm đại tràng, hội chứng đại tràng kích thích). Tình trạng kém hấp thu này có thể gặp ở bệnh nhân bị bệnh tụy cấp – mãn, ung thư tụy, bệnh đường mật, bệnh thiếu men lactose, bệnh đại tràng celiac, ...
Sinh hơi nhiều có thể gặp ở bệnh viêm túi thừa diverticulitis hoặc diverticulosis. Sinh hơi chướng bụng cũng là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân có chế độ ăn nhiều chất xơ (nhất là bệnh nhân ăn chế độ ăn kiêng để giảm cholesterol máu).
3.8 Đặc điểm triệu chứng chướng bụng.
Hơi trong ruột sẽ thoát ra ngoài qua đường hậu môn. Trong phần lớn trường hợp, do lượng hơi nhiều nên BN phải đánh hơi nhiều lần để làm giảm triệu chứng khó chịu ở bụng. Mỗi lần đánh hơi có lượng nhiều và có mùi khó chịu nên sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng cuộc sống- giao tiếp xã hội của bệnh nhân. Bệnh nhân có thể có cảm giác bụng căng tức, phải mặc quần áo rộng, nới bớt nịt quần để giảm cảm giác khó chịu gây ra bởi chướng bụng.
Tình trạng khó chịu vùng bụng có thể khu trú hoặc toàn thể. Thông thường thì cảm giác khó chịu có phân bố nằm dọc theo khung đại tràng. Đối với bệnh nhân có nhạy cảm với cảm giác căng thành ruột, bệnh nhân có thể mô tả cảm giác có hơi chạy trong lòng ruột và gây đau thành từng cơn; cá biệt có trường hợp bệnh nhân mô tả nghe tiếng hơi xì qua khe hẹp trong bụng và/hoặc có khối u di chuyển di chuyển trong bụng.
3.9 Các dấu chứng đi kèm của chướng bụng.
Chướng bụng và sình hơi không mang nhiều thông tin gợi ý chẩn đoán nếu chỉ biểu hiện đơn độc. Các dấu chứng than phiền khác gợi ý nhiều thông tin hơn, ví dụ như dấu phản ứng thành bụng, dấu đau bụng khu trú, dấu gồng cứng thành bụng…. Cũng cần phải chỉ ra rằng một khi có sinh nhiều hơi trong lòng ruột sẽ làm căng thành ruột và thể hiện ra ngoài bằng triệu chứng khó chịu vùng bụng, chứ không nhất thiết là triệu chứng của bệnh thực thể.
Thông thường, bệnh nhân sẽ cố gắng đánh hơi để làm giảm các triệu chứng. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân không thể đánh hết hơi thì đây là biểu hiện của tình trạng rối loạn nhu động ruột. Tình huống này không phải do ruột sinh hơi quá nhiều mà là các quai ruột không thể đưa hơi theo một chiều xuống trực tràng để có thể đưa hơi ra ngoài. Trong một số tình huống khác, lượng hơi trong bụng không nhiều nhưng bệnh nhân lại có khó chịu nhiều vùng bụng. Đối với tình huống này, cơ chế giải thích chính là do tăng tính nhạy cảm của thành ruột với cảm giác căng thành ruột gây khó chịu cho bệnh nhân.
Đối với trường hợp bệnh lý, chẩn đoán viêm túi thừa có thể nghĩ đến đối với bệnh nhân có tiền căn bị táo bón kéo dài. Biểu hiện lâm sàng có thể là đau vùng bụng dưới, táo bón hoặc tiêu chảy. Viêm đại tràng do Giardiasis cần phải nghĩ đến nếu bệnh nhân có than phiền đánh hơi nhiều, hơi có mùi khẳm khó ngửi, đi phân lỏng lượng ít nhưng nhiều lần trong ngày, kéo dài trong nhiều ngày và có chướng bụng nhiều.
3.10 Các yếu tố tăng nặng của chướng bụng
Triệu chứng chướng bụng, sinh hơi sẽ tăng lên nếu bệnh nhân có ăn những chất carbohydrate không thể hấp thu qua tiêu hóa như sorbitol, đường không hấp thu dùng trong kẹo và các thức ăn dành cho người ăn kiêng, các loại củ hạt nhiều tinh bột như khoai, sắn, đậu, hột mít-hột sầu riêng,... . Do lượng carbonhydrate nhiều, không được hấp thu tốt, đưa đến lượng carbonhydrate này sẽ còn tồn lưu nhiều trong chất phân khi di chuyển xuống đại tràng. Vi trùng sẽ phân hủy các chất này và sinh hơi trong lòng đại tràng.
Một số thức ăn có thể sinh hơi nhiều bao gồm sữa, đậu, hột, carrot, nho, chuối, mít, khoai.. Bệnh nhân có rối loạn hấp thu lactose cũng sẽ có biểu hiện chướng bụng khi sử dụng sữa bò và các sản phẩm từ sữa bò (phô mai, bánh…).
Táo bón cũng góp phần làm nặng thêm tình trạng chướng bụng, sinh hơi vì phân nằm lâu trong trực tràng, vi khuẩn có nhiều thời gian hơn để phân hủy các thức ăn còn thừa trong phân. Tuy vậy, tình trạng tiêu chảy không đồng nghĩa với việc giảm biểu hiện của tình trạng chướng bụng. Đối với một số bệnh lý gây tiêu chảy qua cơ chế tăng nhu động ruột, thức ăn di chuyển nhanh trong ruột non, lượng chất carbonhydrate không có đủ thời gian để hấp thu vào máu, đưa đến hệ quả tồn lưu carbonhydrate trong chất phân sẽ nhiều và gây sinh hơi tại đại tràng.
Mặc đồ chặt, dùng dây nịt quá chặt có thể gây ngăn cản sự di chuyển của phân và hơi trong lòng ruột xuống trực tràng, từ đó làm nặng thêm triệu chứng.
3.11 Dấu chứng giảm nhẹ của chướng bụng.
Do lượng hơi sinh ra xuất phát chủ yếu từ các carbohydrates, do vậy triệu chứng có thể cải thiện nhiều khi mà bệnh nhân thay đổi chế độ ăn bớt các chất carbohydrate không tiêu hóa được, giảm lactose (đối với bệnh nhân bị thiếu men lactose bẩm sinh hoặc mắc phải), các sản phẩm từ sữa hoặc đôi khi là ngưng dùng kháng sinh phổ rộng.
Lượng hơi bị giam trong lòng ruột gây cảm giác khó chịu. Một khi bệnh nhân có thể đánh hơi được thì triệu chứng sẽ hết nhanh, hoặc chí ít cũng giảm bớt cảm giác khó chịu tại bụng trong một khoảng thời gian. Nếu như dấu chứng đau bụng giảm nhanh sau khi đánh hơi được thì đây là dấu chứng gợi ý quan trọng chứng minh tình trạng ứ khí tại đại tràng.
3.12 Khám lâm sàng trong chướng bụng
Khi hơi bị ứ trong quai ruột tại vùng góc gan hoặc góc lách, ấn chẩn vùng bụng này sẽ làm đau tăng thêm và bệnh nhân có thể có than lên vùng ngực (đau ngực giả gặp trong trường hợp đau ở góc lách) hoặc khó chịu vùng túi mật (trong trường hợp đau vùng góc gan). Trong các trường hợp này, khai thác thông tin lâm sàng chi tiết xem bệnh nhân có than phiền đánh hơi nhiều không, và quan trọng nhất là triệu chứng đau bụng có giảm nhanh khi đánh hơi không vì đây là dấu hiệu minh chứng cho tình trạng ứ khí trong quai ruột.
Các triệu chứng khác của hệ tiêu hóa cần được đánh giá một cách hệ thống: nhu động ruột, tình trạng đau bụng khu trú hay toàn thể, chướng bụng phân biệt với báng bụng (có dịch trong khoang ổ bụng), tiêu chảy – táo bón, phân đường tiêu hóa, phản ứng thành bụng… Một số bệnh lý có thể gây tình trạng chướng bụng như liệt ruột (phẫu thuật, viêm phúc mạc, viêm tụy cấp, viêm túi mật cấp), tắc ruột (có tiền căn can thiệp phẫu thuật đường ruột), lồng ruột (ở trẻ nhỏ < 3 tuổi), viêm ruột trong hội chứng lỵ trực khuẩn – ký sinh trùng, rối loạn dung nạp lactose, hội chứng đại tràng kích thích (thường kèm theo dấu chứng của tình trạng mất ngủ, stress, tiêu chảy xen kẽ táo bón)…
3.13 Đánh giá cận lâm sàng trong chướng bụng
Tình trạng chướng bụng đơn thuần không nên xem là lý do để thăm khám chuyên sâu vì bản thân chướng bụng là dấu chứng không đặc hiệu. Tuy vậy, bác sĩ lâm sàng có thể xem xét bổ sung xét nghiệm để xác định chẩn đoán trên cơ sở đánh giá một cách hệ thống các dấu chứng đi kèm gợi ý bệnh lý thực thể. Ví dụ đánh giá x quang bụng trên bệnh nhân vừa được can thiệp phẫu thuật hệ tiêu hóa, bệnh nhân nghi ngờ tắc ruột; chụp hình mật tụy ngược dòng nếu có dấu hiệu đi phân sống; nội soi trực tràng, đại tràng khi có bằng chứng có máu trong phân…
Đối với trẻ em hoặc người trưởng thành có tiền căn rối loạn dung nạp lactose bẩm sinh hay mắc phải (chú ý ở trẻ nhỏ sau đợt bệnh nhiễm trùng tiêu hóa kéo dài và đang sử dụng sữa công thức), chế độ dinh dưỡng tiết chế lactose có thể giúp gợi ý chẩn đoán nếu bệnh nhân giảm nhanh các triệu chứng chướng bụng, đánh hơi, tiêu chảy. Một số khảo sát chuyên sâu khác cũng có thể thực hiện. Tuy vậy, trong bối cảnh theo dõi và chăm sóc ngoại trú, bác sĩ gia đình – bác sĩ đa khoa có thể hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để có thể có ý kiến chuyên gia phù hợp.
Nếu như không có bằng chứng bệnh thực thể qua các xét nghiệm – khảo sát, chúng ta có thể yên tâm tư vấn cho người bệnh rằng tình trạng chướng bụng không phải là dấu chứng đặc hiệu và chế độ dinh dưỡng phù hợp có thể giải quyết nhanh các triệu chứng.
3.14 Các nguyên nhân gây ợ hơi-chướng bụng1
- Nguyên nhân cơ năng- tâm lý
- Nguyên nhân thực thể
- Bệnh lý thực quản: trào ngược dạ dày thực quản có kèm hoặc không kèm thoát vị hoành, co thắt thực quản (achalasia), hẹp thực quản
- Bệnh lý dạ dày – tá tràng : viêm dạ dày, loét dạ dày, loét tá tràng, ung thư vùng dạ dày, tá tràng
- Bệnh lý đường mật : viêm túi mật, sỏi túi mật, sỏi ống mật chủ, ung thư ống mật.
- Bệnh lý tuỵ : viêm tuỵ cấp, viêm tuỵ mạn, ung thư tuỵ
- Bệnh lý ruột: hội chứng kém hấp thu nguyên phát – thứ phát, tắc ruột, hội chứng đại tràng kích thích, viêm đại tràng
- Bệnh lý hệ thống : đái tháo đường, xơ gan, suy tim, suy thận, lao.
3.15 Hướng dẫn chế độ ăn để tránh đầy hơi, chướng bụng:2
- Tránh ăn quá nhiều một số loại chất xơ và trái cây như bông cải xanh, giá đỗ, bắp cải, súp lơ, dưa chuột, đậu khô, ớt, su hào, rau diếp, hành tây, đậu Hà Lan, củ cải, dưa hấu, mận, táo.
- Tránh các loại thức ăn béo như các loại thịt đỏ, đồ chiên và bánh ngọt.
- Tránh các thức ăn và đồ uống có chứa nhiều khí dư thừa như đồ uống có gas, sữa trứng (sữa có khuấy trứng).
- Nếu bị tình trạng không dung nạp lactose, tránh dùng sữa, phô mai, kem và các sản phẩm từ sữa.
- Không ăn một lúc quá nhiều, quá nhanh, ăn trong lúc đang bị stress.
- Không uống quá nhiều nước sau bữa ăn.
- Không sử dụng thuốc nhuận trường.
|