1. Trẻ là trung tâm
Mỗi trẻ tự kỷ đều có đặc điểm riêng, vì vậy cần thiết kế một chương trình can thiệp riêng biệt, đặc trưng và có tính cá nhân cho mỗi trẻ. Quá trình can thiệp cần phải đánh giá định kỳ để xem xét mức độ hiệu quả và điều chỉnh cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới của trẻ.
2. Phù hợp với môi trường xã hội
Mỗi địa phương sẽ có đặc điểm riêng về thói quen nuôi dạy trẻ em, văn hóa, ngôn ngữ, hệ thống trường lớp, hệ thống dịch vụ dành cho trẻ tự kỷ. Vì vậy, chương trình can thiệp cần cân nhắc khả năng tiếp cận dịch vụ của gia đình trẻ tự kỷ tại địa phương.
3. Nội dung can thiệp toàn diện nhưng cụ thể: là can thiệp tác động đa lĩnh vực
Các biểu hiện cốt lõi, các kĩ năng phát triển, nhận thức, thích ứng, các hành vi có vấn đề, các vấn đề sức khỏe đi kèm… Mỗi lĩnh vực được quan sát và đánh giá để đưa ra kế hoạch can thiệp với các mục tiêu can thiệp cụ thể, có khả năng đo lường, khả thi, phù hợp và có mốc thời gian (SMART). Chương trình can thiệp là một tổng hợp đa ngành, hướng tới mục tiêu chung và lồng ghép các mục tiêu cụ thể của từng lĩnh vực.
4. Can thiệp diễn ra liên tục và hàng ngày
Can thiệp, phục hồi chức năng diễn ra thường xuyên, lặp đi lặp lại và tích cực. Các hoạt động can thiệp được thực hiện cả ở cơ sở giáo dục, gia đình và nơi công cộng. Các nhà chuyên môn thảo luận với gia đình để xác định các mục tiêu có hệ thống, các hoạt động dạy được thiết kế phù hợp với mỗi môi trường. Thời lượng can thiệp cần cân nhắc phù hợp với trẻ và gia đình.
5. Can thiệp cá nhân và can thiệp nhóm
Trẻ tự kỷ được can thiệp 1-1 với kế hoạch giáo dục cá nhân. Ngoài ra trẻ cần có các hoạt động nhóm để gia tăng các kĩ năng giao tiếp, tương tác xã hội và điều chỉnh hành vi.
6. Gia đình tham gia tích cực
Gia đình đặc biệt quan trọng trong xây dựng kế hoạch và thực hiện can thiệp dưới hướng dẫn của nhà chuyên môn. Sự tham gia can thiệp của gia đình sẽ giúp:
- Trẻ có nhiều nguồn lực hỗ trợ hơn
- Trẻ được can thiệp liên tục và nhất quán ở nhiều môi trường khác nhau, thúc đẩy tối đa sự tiến bộ của trẻ.
- Cha mẹ có niềm tin vào bản thân, niềm tin vào sự phát triển của trẻ.
- Trẻ được sống trong môi trường an toàn và hỗ trợ phát triển.
Trong gia đình, cha mẹ hoặc người chăm sóc chính đóng vai trò quan trọng nhất, và là đối tượng trực tiếp nhận những hướng dẫn, đào tạo về can thiệp. Trong tài liệu này, thuật ngữ cha mẹ được dùng để chỉ người chăm sóc chính trong những trường hợp gia đình thiếu vắng cha mẹ.
7. Chương trình can thiệp được đánh giá định kỳ và điều chỉnh
Tính hiệu quả của chương trình cần được đánh giá định kỳ bằng những công cụ đo lường khách quan và/hoặc đối chiếu với các mục tiêu can thiệp đã đặt ra. Từ đó chương trình có thể điều chỉnh, thay đổi, bổ sung mục tiêu, hoạt động can thiệp.
8. Môi trường can thiệp có cấu trúc
Môi trường can thiệp bao gồm không gian, thời gian biểu, các thói quen có thể dự đoán, các đặc trưng của trẻ, các phương tiện thị giác, người tham gia can thiệp… Môi trường can thiệp cần ổn định, mang lại cho trẻ cảm giác thân quen và an toàn. Việc thay đổi môi trường cần có kế hoạch trước và tiếp cận dần dần nhằm tạo cho trẻ tính thích ứng và giảm căng thẳng.
9. Khuyến khích tham gia các hoạt động với trẻ phát triển thông thường
Nội dung mỗi chương trình can thiệp tuy khác nhau nhưng có chung kết quả mong đợi là tối đa hóa khả năng trẻ tự kỷ hòa nhập xã hội, tham gia được các hoạt động tại trường lớp, thể thao, vui chơi giải trí. Vì vậy cần tránh việc tách trẻ khỏi môi trường bình thường, giúp trẻ có nhiều trải nghiệm với trẻ cùng lứa, giúp trẻ có các kĩ năng ứng phó với các tình huống xã hội đa dạng, nâng cao tính độc lập cho trẻ. Tuy nhiên, tùy theo mức độ tự kỷ và khả năng hòa nhập của mỗi trẻ để tổ chức hoạt động hòa nhập một cách phù hợp.
|