1. ECG là gì và cách đo ECG
Hoạt động bơm của tim phụ thuộc vào hoạt động điện bên trong. Thông tin về hoạt động điện trong tim có được đo bằng cách sử dụng điện tâm đồ. Dụng cụ này đo hoạt động điện của các điện cực bề mặt và tạo ra điện tâm đồ (ECG).
2. Chức năng của ECG
ECG cung cấp thông tin về nhịp tim và sự dẫn truyền của nó thông qua các buồng tim khác nhau (tâm nhĩ và tâm thất). Do đó, có thể nhận diện các vấn đề với các xung điện bất thường trong các buồng tim này, ví dụ như rung nhĩ. ECG cũng cho phép chúng ta xác định sự lớn hay dày lên của các buồng tim khác nhau và từ đó giúp người đọc suy ra được các bệnh lý có thể ảnh hưởng đến tim, ví dụ như phì đại thất trái. Sự tăng về khối lượng cơ tim (hoặc kích thước của buồng tim) dẫn đến tín hiệu điện được tạo ra càng lớn và được xem như là kích thước của độ lệch trên ECG.
ECG cũng thay đổi trong thiếu máu cơ tim. Những thay đổi này giúp các bác sĩ lâm sàng phát hiện ra các vùng của tim đã bị tổn hại bởi sự tắc nghẽn của động mạch vành trong nhồi máu cơ tim.
Một số thay đổi trên ECG cũng xảy ra liên quan với những thay đổi trong hệ tuần hoàn, đặc biệt là đối với các chất điện giải và bất thường chuyển hóa (ví dụ như tăng kali máu). ECG cũng có thể thay đổi ở các vận động viên hoạt động thể lực cường độ cao.
Sự ghi nhận điện tim trên 12 chuyển đạo của ECG lúc nghỉ là một công cụ không xâm lấn đã xuất hiện lâu đời và được sử dụng rộng rãi nhất trong lĩnh vực tim mạch. Nó dễ dàng thực hiện bên giường bệnh và không nhất thiết chỉ có ở bệnh viện vì các máy ghi điện tim thường nhỏ và di động được. ECGs được đo cho người dân bởi nhân viên y tế và trong các ca phẫu thuật bởi các bác sĩ và điều dưỡng đã được đào tạo. Trong cấp cứu, nó vẫn là công cụ quan trọng cơ bản đánh giá một bệnh nhân đau ngực, hoặc có hồi hộp nhịp nhanh.
ECG 12 chuyển đạo có nguồn gốc từ các điện cực được đặt trên các chi và trước ngực. Hoạt động điện của tim được ghi lại bởi các điện cực này và thể hiện trên giấy. Điện tim được ghi lại trên giấy mang đặc trưng riêng và có một số thành phần tuân theo quy dựa trên nguồn gốc của chúng trong tim. Sóng P, phức bộ QRS và sóng T tạo nên phức hợp ECG thông thường.
ECG 12 chuyển đạo đo khi nghỉ cung cấp thông tin ngay lập tức về sự hiện diện của thiếu máu cơ tim để có thể khởi động các phương pháp điều trị can thiệp sớm. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc kiểm soát nhồi máu cơ tim, vì việc điều trị phải được bắt đầu sớm để có được lợi ích cao nhất. ECG cũng rất cần thiết cho chẩn đoán rối loạn nhịp tim đi kèm rối loạn huyết động.
Hiện nay có nhiều thiết bị cầm tay cho phép đánh giá nhanh được ECG, do vậy nó có thể được xem là một chỉ số sinh tồn giống như mạch - huyết áp - nhiệt độ ...
Dấu hiệu trên ECG điển hình bao gồm một số sóng và phức hợp khác nhau, tương ứng đến các hoạt động điện khác nhau trong các buồng khác nhau của tim. Sóng P, phức bộ QRS và sóng T là các thành phần chính của dấu hiệu trên ECG. Các dạng sóng khác nhau được tạo ra bằng cách khử cực và tái cực của thành các phần khác nhau của tim.
Dạng sóng đầu tiên được gọi là sóng P thể hiện sự khử cực của tâm nhĩ. Cả hai tâm nhĩ thường khử cực và co thắt cùng lúc với nhau. Sóng P nhô lên (P dương) là đại diện cho hoạt động này. Sự co thắt tâm nhĩ được bắt đầu bằng quá trình khử cực của các tế bào tạo nhịp chuyên biệt trong nút xoang. Nút xoang nằm ở vị trí cao trên tâm nhĩ phải, gần lỗ đổ vào của tĩnh mạch chủ trên. Sóng khử cực nhanh chóng lan truyền từ tế bào này sang tế bào khác, kích hoạt sự co bóp của các tế bào tim theo trình tự và đưa máu từ nhĩ xuống thất và từ thất đưa ra ngoài động mạch (động mạch chủ, động mạch phổi).
Làn sóng khử cực trở nên chậm hơn khi đi qua nút nhĩ thất trước khi bắt đầu co thắt tâm thất thông qua bó His và mạng lưới Purkinje. Sự trì hoãn sinh lý này được đo bằng khoảng PR. Đó là thời gian từ khi bắt đầu sóng P đến khi bắt đầu phức hợp QRS.
Dạng sóng tiếp theo là phức hợp QRS, được ghi nhận bởi sự khử cực của cả hai tâm thất. Tâm thất phải có khối lượng cơ nhỏ hơn so với tâm thất trái vì chức năng của tâm thất phải chỉ là bơm máu lên phổi mà không phải toàn bộ cơ thể. Phức hợp QRS là một đại diện cho quá trình khử cực và hình dạng của phức bộ này phụ thuộc vào chuyển đạo được ghi.
Một lưu ý là trong ECG, “chuyển đạo” không liên quan đến các điện cực được đặt trên cơ thể bệnh nhân. Trong một ECG 12 chuyển đạo, một chuyển đạo được xem như là một góc để nhìn phổ quát về trái tim và được góp nhặt bởi thông tin từ 10 điện cực trên cơ thể bệnh nhân.
Bằng cách nghiên cứu các chuyển đạo đặc biệt trong ECG 12 chuyển đạo, thông tin về các vùng khác nhau của tâm thất có thể thu được. Một số đạo trình hướng về bề mặt thấp hơn của tim (II, III và aVF), một số ở vách liên thất (từ V1 đến V3) và một số ở thành bên thất trái (V4, V5) và đỉnh (V6, I, và aVL).
Sóng âm đầu tiên của phức bộ QRS (bên dưới đường đẳng điện) được gọi là sóng Q; sóng dương đầu tiên là sóng R; và sóng âm sau tiếp theo sau sóng R được gọi là sóng S. Ở một số chuyển đạo điển hình sẽ không có sóng Q ban đầu và thành phần đầu tiên của phức bộ sẽ là sóng dương hoặc sóng R (ví dụ: V1).
Một số bác sĩ tim mạch sử dụng chữ in hoa và in thường để biểu thị kích thước tương đối của các thành phần khác nhau của phức hợp QRS. Một chữ cái viết thường được sử dụng cho (các) sóng không chiếm ưu thế. Ví dụ, trong một phức hợp R, sóng R chiếm ưu thế và toàn bộ phức hợp sẽ lệch theo hướng sóng dương (hướng lên). Trong khi trong một phức hợp rS, sóng S chiếm ưu thế và toàn bộ phức hợp sẽ lệch theo hướng sóng âm (đi xuống).
Sóng tiếp theo phức bộ QRS là sóng T, đại diện cho sự tái cực tâm thất hoặc sự phục hồi điện sau khi co. Nó thường là sóng dương, mặc dù có thể âm tính ở một chuyển đạo ở người bình thường. Sóng T đôi khi được theo sau bởi một sóng dương khác gọi là sóng U nhưng điều này không phải lúc nào cũng có. Sóng U được xem là biểu hiện của tình trạng tái cực, xuất hiện chậm của các nhóm cơ nhú trong thất.
Tóm tắt
- Mỗi sóng trong ECG cho biết về hoạt động của các buồng khác nhau của tim. Vì vậy, người đọc nên nghiên cứu từng sóng một cách cẩn thận.
- Việc ghi lại ECG điển hình thường được thực hiện ở tốc độ cố định 25 mm / giây. Vì vậy, khoảng thời gian có thể được đo chính xác trên ECG.
- Cần chú ý một số quy ước thường quy về cách đặt điện cực, tốc độ ghi sóng, giấy in ECG... để có thể hiểu các thông tin của ECG
|