2.1. Tất cả các cán bộ y tế (công và tư) tham gia điều trị người bệnh lao phải được tập huấn theo hướng dẫn của Chương trình Chống lao Quốc gia và báo cáo theo đúng quy định.
2.2. Sử dụng phác đồ được Bộ Y tế ban hành thống nhất trong toàn quốc
2.3. Điều trị sớm ngay sau khi được chẩn đoán
2.4. Điều trị phải được theo dõi và kiểm soát trực tiếp
○ Kiểm soát việc tuân thủ điều trị của người bệnh, theo dõi kết quả xét nghiệm đờm, theo dõi diễn biến lâm sàng, xử trí kịp thời các biến chứng của bệnh và biến cố bất lợi trong quá trình điều trị. Với bệnh lao trẻ em phải theo dõi cân nặng hàng tháng khi tái khám để điều chỉnh liều lượng thuốc.
○ Với bệnh lao đa kháng:
+ Phải kiểm soát chặt chẽ việc dùng thuốc hàng ngày trong cả liệu trình điều trị.
+ Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở y tế - điểm điều trị - tỉnh lân cận trong quản lý điều trị bệnh nhân lao đa kháng.
+ Người bệnh lao đa kháng nên điều trị nội trú (khoảng 2 tuần) tại các cơ sở y tế /điểm điều trị lao đa kháng để theo dõi khả năng dung nạp và xử trí các phản ứng bất lợi của thuốc (có thể điều trị ngoại trú ngay từ đầu cho người bệnh tại các địa phương nếu có đủ điều kiện: gần cơ sở y tế điều trị lao đa kháng, nhân lực đảm bảo cho việc theo dõi và giám sát bệnh nhân một cách chặt chẽ).
+ Giai đoạn điều trị ngoại trú - điều trị có kiểm soát trực tiếp (DOT) có thể thực hiện tại các tuyến: quận huyện, xã phường, tái khám hàng tháng tại các cơ sở y tế /điểm điều trị lao đa kháng để theo dõi diễn biến lâm sàng, xử trí kịp thời biến chứng của bệnh và biến cố bất lợi trong quá trình điều trị, theo dõi các xét nghiệm, X-quang và một số thăm khám cần thiết khác.
2.5. Thầy thuốc cần tư vấn đầy đủ cho người bệnh trước, trong và sau khi điều trị để người bệnh thực hiện tốt liệu trình theo quy định.
2.6. Chương trình Chống lao Quốc gia cung cấp thuốc chống lao đảm bảo chất lượng, miễn phí, đầy đủ và đều đặn.
2.7. Đối với người bệnh lao đa kháng, cần thực hiện chăm sóc giảm nhẹ và hỗ trợ tâm lý xã hội trong và sau quá trình điều trị.
|