PHÌ ĐẠI LÀNH TÍNH TUYẾN TIỀN LIỆT - Đại cương
Tuyến tiền liệt là tuyến sinh dục phụ của nam giới, nằm xung quanh niệu đạo, tham gia sản xuất một phần tinh dịch. Bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt là tình trạng tăng sản lành tính tuyến tiền liệt. Bệnh xảy ra ở hầu hết nam giới khi có tuổi. Bệnh xảy ra có phối hợp với các triệu chứng đường tiểu dưới làm ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống do tác động tới hoạt động thường ngày và gây rối loạn giấc ngủ. - Phân tuyến kỹ thuật: theo danh mục kỹ thuật do Bộ Y tế quy định.
- Chẩn đoán
3.1. Thăm khám bệnh nhân phì đại lành tính tuyến tiền liệt Mục đích của việc thăm khám là đánh giá sự xuất hiện của các triệu chứng đường tiểu dưới để khẳng định đó là biểu hiện của bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt và để việc điều trị không chỉ dựa vào giải quyết triệu chứng mà còn làm giảm quá trình tiến triển của bệnh và phòng các biến chứng. - Thăm khám ban đầu: Các thăm khám ban đầu nên bao gồm: + Tiền sử y khoa để xác định các nguyên nhân gây rối loạn tiểu tiện khác và các bệnh phối hợp khác có thể gây biến chứng điều trị. + Khám thực thể: bao gồm thăm trực tràng và khám phản xạ thần kinh. + Phân tích nước tiểu bằng que thử hoặc xét nghiệm vi thể cặn nước tiểu để sàng lọc đái máu, đường niệu và viêm nhiễm đường tiết niệu. + Xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA-Prostate-specific antigen). Nên tiến hành làm biểu đồ nước tiểu khi đái đêm là triệu chứng nổi trội. Xét nghiệm tế bào niệu là một lựa chọn ở nam giới có triệu chứng kích thích nổi trội, đặc biệt có tiền sử hút thuốc lá hoặc các yếu tố nguy cơ khác, để giúp chẩn đoán ung thư bàng quang. Không khuyến cáo làm xét nghiệm creatinin máu thường quy. - Đánh giá các triệu chứng: Việc định lượng các triệu chứng rất quan trọng để xác định mức độ nặng của bệnh, dữ liệu hóa đáp ứng điều trị và phát hiện sự tiến triển bệnh ở những nam giới được chỉ định chờ đợi theo dõi. Sử dụng: + Bảng chỉ số quốc tế về các triệu chứng tuyến tiền liệt IPSS (International Prostate Symptom Score) + Các công cụ đánh giá khác bao gồm Bảng chỉ số ảnh hưởng của phì đại lành tính tuyến tiền liệt (BPH Impact Index-Benign Prostatic Hyperplasia Impact Index). 3.2. Các xét nghiệm chẩn đoán khác - Xét nghiệm chẩn đoán bổ sung như niệu động học, nội soi niệu quản-bàng quang và siêu âm (siêu âm qua ổ bụng hoặc qua trực tràng) không được khuyến cáo làm ngay từ đầu để đánh giá các triệu chứng đường tiểu dưới nhưng là lựa chọn trong những trường hợp định sử dụng điều trị can thiệp xâm nhập. - Ghi chép biểu đồ dòng tiểu và đo thể tích nước tiểu tồn lưu không cần thiết trong trường hợp định chờ đợi theo dõi hoặc điều trị nội khoa. Tuy nhiên, chúng có thể giúp ích ở những bệnh nhân có tiền sử y khoa phức tạp, những người có các triệu chứng đường tiểu dưới không thay đổi sau điều trị căn bản và ở những người có nguyện vọng điều trị xâm nhập. - Chụp bàng quang và chẩn đoán hình ảnh đường tiết niệu trên bằng siêu âm và chụp niệu đồ tĩnh mạch không được khuyến cáo ở những bệnh nhân điển hình trừ khi người bệnh có đái máu, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, suy thận, hoặc có tiền sử sỏi tiết niệu hoặc phẫu thuật đường tiết niệu. - Các lựa chọn điều trị bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt
4.1. Chờ đợi theo dõi Chờ đợi theo dõi chỉ định cho những bệnh nhân bị triệu chứng nhẹ hoặc không ảnh hưởng cuộc sống. 4.2. Điều trị nội khoa 4.2.1. Thuốc chẹn alpha - Alfuzosin, doxazosin, tamsulosin và terazosin là những lựa chọn điều trị phù hợp cho những bệnh nhân có triệu chứng đường tiểu dưới do phì đại lành tính tuyến tiền liệt và có hiệu quả điều trị lâm sàng tương đương nhau. Các thuốc này nên là lựa chọn đầu tiên nếu các triệu chứng tắc nghẽn đường tiểu nổi trội. - Các thầy thuốc và bệnh nhân cần phải lưu ý tới một tình trạng phẫu thuật gọi là Hội chứng mống mắt mềm trong mổ (IFIS-Intraoperative Floppy Iris Syndrome). Có thể sử dụng thuốc chẹn anpha cùng với việc đặt ống thông niệu đạo để cải thiện hiệu quả sau khi rút ống thông niệu đạo ở những bệnh nhân bí đái. 4.2.2. Các thuốc ức chế men 5 anpha reductase: Finasteride và dutasteride là: - Lựa chọn điều trị phù hợp và hiệu quả cho những bệnh nhân có triệu chứng đường tiểu dưới phối hợp với tuyến tiền liệt to lên có thể chứng minh được. - Chỉ định cho những bệnh nhân có phì đại tuyến tiền liệt có triệu chứng nhưng không làm người bệnh khó chịu, để đề phòng sự tiến triển của bệnh. - Không phù hợp cho nam giới có triệu chứng đường tiểu dưới nhưng không có bằng chứng là tuyến tiền liệt to. 4.2.3. Thuốc kháng cholinergic - Phù hợp và hiệu quả ở nam giới có các triệu chứng kích thích nổi trội và lượng nước tiểu tồn lưu không lớn (ít hơn 250 ml). - Đo lượng nước tiểu tồn lưu cần được thực hiện trước khi bắt đầu điều trị thuốc kháng cholinergic. Cần lưu ý khi sử dụng thuốc kháng cholinergic ở người bệnh có lượng nước tiểu tồn lưu 250-300 ml. 4.2.4. Thảo dược Hiện nay, có một số thảo dược được sử dụng cho những bệnh nhân phì đại lành tính tuyến tiền liệt nhưng không có thực phẩm chức năng, thuốc có nguồn gốc thảo dược, cách điều trị không quy ước nào được khuyến cáo dùng cho BN có TC ĐTD do PĐLTTTL. 4.3. Điều trị xâm nhập tối thiểu Điều trị nhiệt vi sóng qua niệu đạo (TUMT-Transurethral Microwave Heat Treatment) và lấy tổ chức tuyến qua kim chọc niệu đạo (TUNA-Transurethral Needle Ablation). - TUNA là lựa chọn điều trị hiệu quả trong việc giải quyết từng phần các triệu chứng của bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt. - TUMT hiệu quả trong việc giải quyết từng phần các triệu chứng đường tiểu dưới do phì đại lành tính tuyến tiền liệt và có thể cân nhắc sử dụng cho bệnh nhân có các triệu chứng mức độ trung bình hoặc nặng. 4.4. Điều trị phẫu thuật Bệnh nhân có thể chọn can thiệp phẫu thuật như là cách điều trị đầu tiên nếu như các triệu chứng gây phiền toái cho họ. Các bệnh nhân khi có các biến chứng của bệnh được điều trị tốt nhất bằng phẫu thuật: - Bí đái không cải thiện (ít nhất sau 1 lần rút ống thông niệu đạo vẫn bí đái). Ở những bệnh nhân không thể phẫu thuật được, điều trị bằng cách đặt ống thông niệu đạo cách hồi hoặc đặt ống thông niệu đạo lưu lại là lựa chọn. - Suy thận do phì đại tuyến tiền liệt - Nhiễm khuẩn tiết niệu tái diễn, đái máu đại thể tái diễn hoặc sỏi bàng quang hoặc điều trị bằng các phương pháp khác không hiệu quả. - Túi thừa bàng quang không phải là chỉ định tuyệt đối của phẫu thuật, trừ khi có phối hợp với nhiễm khuẩn tiết niệu tái diễn hoặc rối loạn chức năng bàng quang tiến triển. Các lựa chọn tiếp cận phẫu thuật (phẫu thuật mở hoặc nội soi) và sử dụng nguồn năng lượng (điện cực hay laser, đơn cực hay lưỡng cực) là các quyết định về mặt kỹ thuật, dựa trên kích thước tuyến tiền liệt, sự quen thuộc của phẫu thuật viên và bệnh phối hợp của bệnh nhân. Lựa chọn tiếp cận nên dựa vào sự biểu hiện của từng cá nhân người bệnh, bao gồm giải phẫu, kinh nghiệm phẫu thuật viên và sự bàn luận về lợi ích-nguy cơ của các biến chứng. Các lựa chọn điều trị phẫu thuật như sau: + Cắt tuyến tiền liệt mở + Cắt tuyến tiền liệt nội soi qua niệu đạo + Cắt tuyến tiền liệt bằng laser + Xẻ dọc tuyến tiền liệt qua niệu đạo + Bốc hơi tuyến tiền liệt qua nội soi niệu đạo.
|